Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo Duterte chính thức nhậm chức ngày 30/6 sau khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tháng trước.
Trở thành chủ nhân mới của Điện Malacanang trong bối cảnh còn tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội và mối quan hệ không mấy "xuôi chèo mát mái" với Trung Quốc liên quan tới những tranh chấp tại Biển Đông, trước mắt tân Tổng thống là cả một quãng đường dài 6 năm với không ít thách thức, cả về đối nội và đối ngoại.
Đối nội cứng rắn
Hiện Philippines là một trong những nước có tỷ lệ bất bình đẳng cao nhất ở châu Á. Tuy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nước này ở mức khá cao (5,8\% năm 2015), nhưng các thành quả của tăng trưởng kinh tế chưa được phân phối tới các khu vực nông thôn: có tới 5\% dân số sống dưới mức nghèo khổ, 15\% chỉ vừa đủ nhu yếu phẩm, gạo là nguồn thực phẩm chính nhưng giá liên tục tăng, tỷ lệ lao động tạm bợ và thất nghiệp trong giới trẻ lên tới 25\%. Nền kinh tế quốc gia này chủ yếu dựa vào nguồn kiều hối của lực lượng lao động ở nước ngoài.
Khoảng cách về thu nhập đã và đang là nguồn cơn sinh ra các tội phạm. Ngoài ra, cuộc xung đột đòi ly khai ở Mindanao (miền Nam Philippines) kéo dài nhiều thập kỷ qua khiến hơn 150.000 người thiệt mạng cũng là một thách thức lớn. Mặc dù trong nhiệm kỳ vừa qua, chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino đã đạt được thỏa thuận với Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) để chấm dứt tình trạng bạo lực, theo đó chính phủ cam kết trao quyền tự trị lớn hơn cho khu vực này, bao gồm cả nghị viện và cảnh sát. Tuy nhiên, đạo luật đã bị chặn lại tại Quốc hội từ nhiều tháng nay và bạo lực tại Mindanao có chiều hướng gia tăng.
Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo Duterte. |
Vì thế, nhiệm vụ trước mắt của tân Tổng thống Philippines là nỗ lực duy trì thành tích tăng trưởng kinh tế và giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế nước này có thể đạt mức tăng trưởng 6,2\% trong năm 2016 nhờ sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước, song để những thành tựu đó lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân là nhiệm vụ không dễ dàng. Trong cương lĩnh tranh cử, ông Duterte cũng cam kết trong vòng 6 tháng sẽ xóa sạch tình trạng tội phạm bằng những biện pháp trấn áp mạnh tay, đồng thời tái khẳng định các cam kết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng. Về tình hình bất ổn ở miền Nam Philippines, ông cam kết nỗ lực đưa các nhóm nổi dậy vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột ở Mindanao.
Đối ngoại mềm dẻo nhưng khó lường
Những căng thẳng với Trung Quốc xung quanh các tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông và cách xử lý mối quan hệ này là một thách thức đối ngoại lớn đối với tân Tổng thống Duterte.
Philippines là một trong những quốc gia bị tác động nhiều nhất trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động mở rộng ảnh hưởng, đơn phương áp đặt các yêu sách phi lý ở Biển Đông. Dưới thời Tổng thống Aquino, Manila đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các hành động gây hấn của Trung Quốc và thậm chí kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài thường trực tại La Haye (Hà Lan). Dự kiến, tòa án sẽ ra phát quyết về vụ kiện này vào ngày 7/7 tới. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines về vấn đề Biển Đông đang dần “hạ nhiệt” bởi tổng thống đắc cử Duterte có cách tiếp cận tích cực hơn với Trung Quốc.
Sau cuộc bầu cử, ông Duterte tuyên bố sẽ theo đuổi đàm phán đa phương, trong đó bao gồm các đồng minh của Philippines là Mỹ, Nhật Bản và Australia cũng như các bên tuyên bố chủ quyền khác, nhằm giải quyết hòa bình các vấn đề chủ quyền tại Biển Đông. Ông nhấn mạnh Trung Quốc cần tôn trọng Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý mà các quốc gia ven biển được hưởng theo luật pháp quốc tế và nên hợp tác với Philippines để cùng khai thác dầu khí ngoài khơi.
Quan điểm hòa giải của ông Duterte đối với Trung Quốc là một sự chuyển hướng rõ nét so với người tiền nhiệm Benigno Aguino. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định dù ông Duterte có thể sẽ không thay đổi hoàn toàn chính sách với Trung Quốc trong ngắn hạn, nhưng ông cũng sẽ không tiếp tục chiến lược đối đầu với Trung Quốc như chính phủ tiền nhiệm. Ông Duterte dường như tập trung hơn vào thúc đẩy “ngoại giao kinh tế” với Trung Quốc. Theo nhận định của tờ nhật báo "Inquirer" (Philippines), ông Duterte sẽ đòi hỏi những nhượng bộ kinh tế từ Trung Quốc để đổi lấy việc Philippines rút lại những tuyên bố chủ quyền trong khu vực.
Trên thực tế, Tổng thống đắc cử Duterte hiếm khi có những phát biểu cụ thể về vấn đề Biển Đông. Với một chính sách đối ngoại chưa thực sự định hình, chiến thắng của ông Duterte trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua được cho là sẽ tạo ra những yếu tố khó lường mới trong cuộc đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc. Vì thế, nhiều người cho rằng phản ứng của tân Tổng thống trước phán quyết sắp tới của PCA sẽ là những tín hiệu đầu tiên phản ánh quan điểm của ông đối với vấn đề Biển Đông.
Năm 2017, Philippines sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập hiệp hội, và đây sẽ là phép thử quan trọng đối với tân Tổng thống Duterte trong vấn đề nhạy cảm này. Với vai trò này, việc khẳng định được vị thế của Philippines trong khu vực và trên trường quốc tế cũng là một nhiệm vụ đầy khó khăn đối với ông Duterte.
Có thể nói Tổng thống đắc cử Duterte đang đối mặt với hàng loạt bài toán hóc búa. Dư luận Philippines đang kỳ vọng vào khả năng chèo lái đất nước cũng như cách thức xử lý các vấn đề đối ngoại của vị tân Tổng thống sẽ mang lại một sự đổi thay cho quốc gia Đông Nam Á này.
Ông Duterte, 71 tuổi, giữ chức Thị trưởng thành phố Davao trong hơn hai thập kỷ, đã nhận được 16,6 triệu phiếu bầu, chiếm gần 39\% tổng số phiếu bầu tổng thống, bỏ xa đối thủ gần nhất là cựu Bộ trưởng Nội vụ Manuel Mar Roxas với cách biệt hơn 6 triệu phiếu ủng hộ. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Duterte thu hút sự chú ý và cảm tình của cử tri thông qua những phát ngôn tương đối cứng rắn liên quan tới những vấn đề gây bức xúc trong xã hội Philippines như bất bình đẳng, tỷ lệ tội phạm cao, nạn tham nhũng tràn lan... |
Theo baotintuc.vn
[mecloud]YI04jGZTOM[/mecloud]