Nguyễn Tất Minh (quê Triệu Sơn, Thanh Hóa) là cậu học trò từng được nhiều người biết tới với tình bạn đẹp trong câu chuyện “10 năm được bạn cõng tới trường”.
Từ lúc lọt lòng, Minh bị dị tật, đôi chân và một tay co quắp, càng lớn càng teo lại. Thấy bạn không thể đi lại, Ngô Văn Hiếu đã tình nguyện “thay đôi chân”, cõng bạn đến trường suốt 10 năm.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Minh trúng tuyển ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội, còn Hiếu cũng trở thành sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Cũng kể từ đó, hai người bạn bắt đầu phải sống xa nhau.
Nguyễn Tất Minh cậu học trò từng được nhiều người biết tới với tình bạn đẹp trong câu chuyện “10 năm được bạn cõng tới trường”. Ảnh: VietNamnet
Thông tin trên báo VnExpress, không có Hiếu ở bên, ông Nguyễn Tất Mây, bố của Minh, bỏ công việc ở quê lên Hà Nội chăm con. Dù được trường hỗ trợ xe lăn điện, bố trí ở tầng một trong ký túc xá, làm lối đi riêng để xe lăn lên xuống, những ngày đầu, ông Mây vẫn phải theo con tới trường rồi cõng con lên phòng học.
Cùng đó, vì chưa quen cách học mới, lượng kiến thức nhiều, kết quả học kỳ I của Minh không tốt. Trong đó, môn Đại số bị điểm thấp nhất - D+ (tương đương 5-5,4 điểm).
Vì đặt mục tiêu lấy bằng giỏi, từ kỳ II, Minh trau dồi khả năng tự học. Nam sinh học kỹ từng phần bài và làm nhiều bài tập, tự tìm kiếm tài liệu, đề thi trên mạng để ôn luyện. Ngoài ra, Minh học nhóm cùng các bạn để tăng hiệu quả, từ đó nâng dần điểm số.
"Mình không phải học lại môn nào nhưng có học cải thiện điểm", Minh cho hay. "Kỳ cao nhất mình đạt khoảng 3.5/4".
Minh và bố ở ký túc xá Đại học Bách khoa Hà Nội trong những ngày đầu nhập học vào năm 2020. Ảnh: VnExpress
Phải sử dụng máy tính nhiều, trong khi chỉ có thể gõ phím bằng một tay, Minh dành nhiều thời gian tập luyện. Dù chậm hơn so với các bạn, Minh thấy không ảnh hưởng nhiều đến việc học.
Dần dần, việc sinh hoạt của Minh và bố cũng thuận tiện hơn. Từ chỗ chưa quen di chuyển bằng xe lăn điện qua đoạn đường đông, nam sinh có thể tự đi mà không cần bố đi cùng. Nhà trường cũng xếp cho Minh học chủ yếu ở tầng 1. Khi phải học ở tầng cao, Minh đều được bạn bè hỗ trợ.
Thông tin trên báo VietNamnet, sau 4 năm đại học, tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, điều khiến Minh tiếc nuối nhất là không thể tham gia các hoạt động đoàn, đội hay câu lạc bộ của trường do hạn chế về di chuyển. Dẫu vậy, Minh cũng có thêm thời gian để tự học và trau dồi chuyên môn.
Minh được bạn bè chúc mừng trong ngày bảo vệ đồ án. Ảnh: VietNamnet
Đại diện phòng công tác sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, việc Tất Minh tốt nghiệp đại học bằng giỏi cho thấy “nghị lực có thể giúp vượt qua mọi giới hạn”.
Sau khi tốt nghiệp, Minh đã trở về quê nhà và mong muốn tìm được việc đúng chuyên ngành tại Thanh Hóa. Theo Minh, công nghệ thông tin cập nhật nhanh và thay đổi từng ngày. Do đó, bản thân phải trau dồi liên tục để bắt kịp các công nghệ mới. Minh cũng dự định sẽ học thêm về AI để gia tăng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.