(ĐS&PL) Thực trạng thường xuyên nhảy việc của nhân viên vẫn luôn là vấn đề nan giải khiến các nhà tuyển dụng lẫn lãnh đạo nhiều doanh nghiệp phải đau đầu để tìm ra các phương án, chiến lược hiệu quả mới có thể thu hút và giữ được chân người tài.
Đặc biệt với các doanh nghiệp có môi trường làm việc tập trung chủ yếu là những người trẻ như GTV SEO - agency chuyên về đào tạo và cung cấp dịch vụ SEO, nhân sự luôn là vấn đề thường trực. Những khó khăn, trải nghiệm và bài học tuyển dụng do chàng CEO Đỗ Anh Việt (Vincent Do) của GTV SEO trực tiếp chia sẻ.
Chào Việt, Việt có thể kể lại đôi chút về khó khăn trong thu hút và giữ chân nhân sự mà Việt và GTV đã trải qua không?
“GTV hiện có hơn 70 nhân viên, đa phần là các bạn tuổi từ 20-25 tuổi. Với tốc độ phát triển nhanh và mạnh trong 3 năm kể từ lúc thành lập, GTV đã hai lần trải qua biến động nhân sự.
Trong đó phải kể đến thời điểm cuối 2018, đầu 2019, GTV SEO đảm nhiệm một số lượng dự án khá lớn và rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân sự để đảm bảo tiến độ triển khai đúng thời hạn. Từ con số chưa tới 20 thành viên, trong một thời gian ngắn đã lên hơn 50 thành viên, thật sự với mọi người đó là sự biến chuyển lớn, quá nửa thành viên cũ quyết định rời đi, buộc lãnh đạo và phòng Nhân sự phải phối hợp tiếp tục tìm kiếm người mới. Bản thân Việt lẫn các manager đều rất đau đầu, vì việc tuyển dụng hay đào tạo nhân viên đều tốn kém nhiều thời gian, chi phí.
Đối mặt với vấn đề nhảy việc, nhiều công ty thường chọn phương án tuyển dụng bổ sung các vị trí trống càng nhanh càng tốt và chỉ quan tâm về mặt kỹ năng của ứng viên liệu có phù hợp để đảm nhiệm vị trí đó hay không. Nhưng với quan điểm của Việt, kỹ năng có thể đào tạo, tiềm năng có thể khai phá, điều khó tìm thật sự lại là phong cách sống, là thái độ, văn hóa và quan điểm.”
Việt và GTV SEO đã vượt qua khó khăn tuyển dụng khi đó bằng cách nào?
“Ở thời điểm đó, Việt đã nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan đến quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là nhân sự và tìm thấy một quan điểm tuyển dụng phù hợp, có thể xem là kim chỉ nam tuyển dụng của GTV SEO đến tận bây giờ.
Chỉ 8 từ đơn giản: Con người đi trước - Công việc theo sau. Những ai từng đọc hay yêu thích quyển sách Từ Tốt Đến Vĩ Đại của Jim C. Collins có lẽ đều biết câu này. Trong đó, tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp không phải con người, mà là con người phù hợp. Riêng cá nhân Việt thì thích gọi bằng “người đồng hành phù hợp”.
Quan điểm tuyển dụng này rất đúng. Trong bất kỳ mối quan hệ nào, nếu văn hóa, quan điểm không phù hợp với nhau thì việc rời bỏ chỉ là vấn đề thời gian. Hơn nữa nếu chọn đúng người phù hợp, doanh nghiệp sẽ không cần bỏ thời gian thúc đẩy hay quản lý, thay vào đó là cho nhân viên cơ hội bồi dưỡng kỹ năng của mình. Vì vậy, điều doanh nghiệp nên làm là kiên nhẫn tìm kiếm ứng viên phù hợp thay vì tập trung vào ứng viên giỏi. Như vậy, mỗi khi doanh nghiệp trải qua những bước thay đổi, vẫn sẽ có người đồng hành ủng hộ, cùng tìm hướng phát triển phù hợp.”
Vậy điều gì sẽ giúp các công ty trẻ tuyển được nhân sự phù hợp?
“Hầu như đa phần mọi người đều nghĩ môi trường làm việc năng động, nhiệt huyết hay lương thưởng hấp dẫn sẽ thu hút được người trẻ nhưng đó chỉ là một trong số các điều kiện. Việtluôn xem các thành viên trong công ty như khách hàng, là khách hàng nội bộ, và để thu hút lẫn giữ chân khách hàng đều cần chiến lược cho từng nhóm đối tượng, là cấp quản lý hay cấp triển khai, là nhân tài hay hiền tài. Nhưng quan trọng nhất chính là sự hòa hợp. Không chỉ nhân viên là người đồng hành phù hợp với doanh nghiệp mà bản thân doanh nghiệp cũng cần là “người đồng hành” phù hợp với nhân viên.
Giống như GTV luôn đặt khách hàng là trọng tâm và thành viên GTV chính là khách hàng nội bộ, khi tuyển dụng, doanh nghiệp cần đặt mình ở vị trí của “khách hàng tiềm năng”, trả lời các câu hỏi: họ là ai, họ mong muốn thấy điều gì ở một tin tuyển dụng, hay mong muốn điều gì khi tham gia vào một doanh nghiệp.”
CEO Đỗ Anh Việt cho biết, GTV cũng thường xuyên khảo sát thị trường và khảo sát nội bộ để đảm bảo đãi ngộ tại công ty luôn xứng đáng với nỗ lực của các thành viên. Tuy nhiên các chiến lược giữ chân nhân tài hay hiền tài cũng chỉ có thể hạn chế tối đa tỷ lệ nhảy việc, các công ty vẫn nên chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp họ thật sự muốn ra đi và tạo điều kiện để chào đón họ trở về trong tương lai khi phù hợp.
Xem thêm thông tin tuyển dụng của GTV SEO tại đây.
H.Lan