CBS News đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét việc phê duyệt gói viện trợ tài chính đầu tiên cho Ukraine, kể từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2.
Động thái này được cho là nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ tới Nga, trong bối cảnh Moscow tăng cường tấn công Ukraine bằng máy bay không người lái và tên lửa những ngày gần đây. Tuần này, Ukraine mô tả cuộc không kích của Nga là đợt tấn công lớn nhất kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu vào tháng 2/2022, nhắm vào Kyiv và nhiều thành phố khác.
Đầu tuần này, ông Trump đã ám chỉ kế hoạch cung cấp thêm vũ khí phòng thủ cho Ukraine, dù chỉ vài ngày trước đó, chính quyền của ông tạm dừng một số chuyến hàng vũ khí như một phần trong quá trình rà soát việc chuyển giao vũ khí trên phạm vi toàn cầu.
Hiện chưa rõ cụ thể quy mô khoản tài trợ mới, nhưng các quan chức Mỹ cho biết ông Trump vẫn còn 3,85 tỷ USD trong quyền rút vốn quân sự được phê duyệt từ thời Tổng thống Joe Biden, có thể được sử dụng để cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine. Ngoài ra, ông cũng có quyền tịch thu khoảng 5 tỷ USD tài sản nước ngoài của Nga và chuyển cho Ukraine, tuy nhiên cả ông Trump lẫn ông Biden trước đây đều chưa sử dụng thẩm quyền này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty
Kể từ đầu năm 2022, Mỹ đã viện trợ hàng chục tỷ USD cho Ukraine. Ông Trump trước đó thường chỉ trích các khoản chi này, kêu gọi Ukraine và Nga nỗ lực đàm phán hòa bình, thậm chí không ít lần chỉ trích cả hai bên.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây của Nga đã khiến ông Trump thay đổi quan điểm. Tuần trước, ông bày tỏ "rất thất vọng" sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời để ngỏ khả năng gửi thêm vũ khí cho Ukraine. "Chúng tôi sẽ gửi một số vũ khí phòng thủ cho Ukraine và tôi đã phê duyệt điều đó", ông Trump tuyên bố.
Trong khi trước đó, ông Trump từng công khai chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Phòng Bầu dục hồi tháng 2 từng biến thành cuộc tranh cãi gay gắt, dẫn đến việc tạm dừng viện trợ của Mỹ. Ông Trump thậm chí cáo buộc ông Zelensky kéo dài cuộc chiến.
Tổng thống Trump nhiều lần kêu gọi các quốc gia châu Âu chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ Ukraine. NATO cho biết hôm 11/7 rằng liên minh này đang phối hợp với các quốc gia thành viên để khẩn cấp chuyển giao đạn dược và hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất cho Ukraine, song không tiết lộ chi tiết về cơ chế mới.
Một ngày trước đó, ông Trump đã thảo luận với Tổng Thư ký NATO Mark Rutte về việc các nước châu Âu mua thiết bị do Mỹ sản xuất. Theo luật Mỹ, các quốc gia phải nhận được sự đồng ý trước khi chuyển giao thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất cho bên thứ ba, như Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn với NBC News hôm 10/7, ông Trump đề xuất NATO sẽ trực tiếp mua vũ khí từ Mỹ để viện trợ cho Ukraine. Nếu thực hiện, đây sẽ là bước ngoặt lớn trong chính sách, bởi từ trước đến nay NATO với tư cách tổ chức không trực tiếp cung cấp vũ khí cho Ukraine mà chỉ hỗ trợ thông qua từng thành viên.
"Chúng tôi sẽ gửi vũ khí cho NATO và NATO sẽ trả tiền đầy đủ, 100%", ông Trump nói với phóng viên.