Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Cây đại thụ” của sân khấu Việt Nam đã ra đi

(DS&PL) -

Nhà viết kịch Học Phi sau những chuỗi ngày miệt mài bên trang giấy và để lại cho đời khối lượng lớn các kịch bản sân khấu, tiểu thuyết cách mạng, ông đã thanh thản ra đi.

Năng lực kỳ lạ của “cây bút” 100 tuổi-nhà viết kịch Học Phi luôn khiến thế hệ hậu sinh ngưỡng mộ. Sau những chuỗi ngày miệt mài bên trang giấy và để lại cho đời khối lượng lớn các kịch bản sân khấu, tiểu thuyết cách mạng, ông đã thanh thản ra đi trong niềm kính trọng và tiếc thương của nhiều người.

Cha con nhà viết kịch Học Phi - Chu Lai.

Trước lúc ra đi, tác giả Học Phi đang dang dở thực hiện một kịch bản phim về thời kỳ cách mạng. Tuy đã ngoài 100 tuổi nhưng dường như sức làm việc và tình yêu với sân khấu của nhà viết kịch Học Phi chưa bao giờ lụi tàn. Con trai ông, nhà văn Chu Lai kể, mỗi khi đến thăm cha, nhìn thấy cụ ông 100 tuổi vẫn ghì người vào bàn để viết mà thấy nổi da gà. Dường như ông sống để mà viết, sống để mà chia sẻ cùng người đương thời những nghĩ suy của một lão thành cách mạng về thời kỳ sục sôi, hừng hực khí thế chiến đấu của dân tộc. Viết như cái neo neo ông với cuộc đời. Với mảng đề tài chính luận, tác giả Học Phi đã dành cả cuộc đời cho những sáng tác mang tính chiến đấu, đặc biệt những tác phẩm của ông đều nói về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Các tác phẩm ông để lại cho đời bao gồm hơn 30 vở kịch và 9 cuốn tiểu thuyết. Trong đó có thể kể đến vở chèo nổi tiếng “Ni cô Đàm Vân” vừa được Nhà hát Chèo Việt Nam phục dựng, vở kịch “Cô hàng rau”, “Hừng đông”, “Hoàng Lan”, “Đêm dài”…

Vở chèo “Ni cô Đàm Vân” được Nhà hát Chèo Việt Nam phục dựng lại vào năm 2012.

Nói đến nhà văn, nhà viết kịch Học Phi là nói đến năng lực kỳ lạ của một cây viết không bao giờ cạn. Cho dù đã nổi tiếng và dành nhiều công sức ở lĩnh vực kịch bản sân khấu và viết văn nhưng ông luôn thử thách và dấn thân ở lĩnh vực mới. Khi 90 tuổi, ông bắt đầu viết kịch bản phim và một trong số đó là bộ phim “Minh Nguyệt” đã giành giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc, được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần dàn dựng. Đến những năm cuối cùng của cuộc đời, Học Phi vẫn không ngừng sáng tác. Đó cũng chính là điều mà con trai ông, nhà văn Chu Lai còn thấy mình chưa tiếp nối được sức làm việc phi thường của cha. Ông được bạn nghề trân trọng, các thế hệ sau này tôn làm “cây đại thụ” của nền sân khấu Việt Nam. 

Ở lĩnh vực sáng tác là vậy, ở lĩnh vực quản lý, nhà viết kịch Học Phi từng là Tổng Thư ký Văn hóa kháng chiến Liên khu III, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam và Tổng Thư ký Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam. Cho dù ở cương vị nào, ông luôn thể hiện sự cầu toàn, chỉn chu và hết mình với công việc. Với những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp văn nghệ nước nhà, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1.

Như ngọn đèn trước gió, ông đã ra đi vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 102 tuổi. Dù biết trước sự ra đi của tác giả Học Phi là điều khó tránh khỏi nhưng những người yêu mến nghệ thuật sân khấu nước nhà vẫn đau buồn và thương tiếc vô hạn. Lễ viếng nhà viết kịch Học Phi diễn ra từ 6h30 đến 9h30 ngày 12/5 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông. An táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Theo An Ninh Thủ Đô

Cùng báo Đời sống và Pháp luật xem thêm clip "Tàu Trung Quốc đâm, phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam":

Tin nổi bật