Hôm nay là tròn 18 năm ngày cậu tôi mất nhưng mỗi lần nhắc về cậu, tận sâu thẳm lòng tôi và các thành viên trong gia đình, ai cũng thấy bùi ngùi nhớ thương.
Cậu tôi trước đây vốn là đứa trẻ tội nghiệp bị bỏ rơi bên bến sông. Ngày hôm đó, ông bà ngoại tôi đi quăng chài, bất chợt nghe tiếng khóc của trẻ con thì lật đật đi tìm. Và rồi, ông bà vô tình nhìn thấy một bọc quần áo cũ ai đó vứt bỏ trên bến. Lại gần nhìn thì trong cái bọc ấy, một sinh linh còn đỏ hỏn, miệng khát sữa, thân hình tím tái vẫn đang cố gắng phát ra những tín hiệu rên rỉ yếu ớt như tìm kiếm một sự giúp đỡ, cứu vớt trong hoàn cảnh bi đát khốn cùng.
Không nỡ nhìn đứa trẻ tội nghiệp phải nằm lại lạnh lẽo, cô độc và đói khát nơi bến sông năm ấy, ông bà đã mang cậu về nuôi. Ông bà luôn tâm niệm, mẹ cha đã bỏ rơi đứa bé này một lần, nên ông bà không thể là người bỏ rơi cậu lần hai. Suốt những năm tháng sau này, không hề mảy may có chút thông tin nào về thân sinh ruột rà của cậu.
Bà dành cả đời yêu thương, chăm sóc cho cậu- Ảnh minh hoạ |
Về phần gia đình, ai cũng hy vọng chuyện cũ không bao giờ được nhắc nhớ, vì đó thực sự là những ký ức đáng quên đối với cậu sau này. Chính bởi vậy, ông bà tôi thì đem hết lòng thương để nuôi nấng, chăm sóc cậu giống như khúc ruột của chính mình. Các anh chị em cũng đối xử với cậu chan hòa, ấm áp như máu thịt tình thân.
Từ sự nghèo đói, thiếu thốn, chật vật của gia đình, cậu lại cứ thế lớn lên, khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Ông bà thì thương yêu các con; anh chị em thì thuận hòa êm ấm. Cuộc sống cứ thế ngày ngày trôi qua. Rồi tới thế hệ của chúng tôi, cũng không ai biết về bí mật của một câu chuyện cũ.
Năm cậu 17 tuổi, trổ mã và thư sinh nhất vùng. Tính cậu vốn đã chăm chỉ, hiền lành lại ngày càng thêm phần điềm đạm, nhã nhặn, lịch thiệp. Xóm làng đều nói ông bà tôi có phước, có đứa con trai vừa xinh ngoan, lại hiếu thuận. Không những vậy, cậu tôi còn được đặt biệt danh là có "hoa tay 10 ngón" bởi cậu khéo léo vô cùng, từ cắt tóc, làm diều, đan rổ rá, gói bánh chưng, sửa xe, làm đồ mỹ nghệ..., việc gì cũng tận tâm và chu toàn hết sức.
Nhà ông bà vốn nghèo khó, anh cả đi bộ đội, chị gái đã lấy chồng nhưng vì hoàn cảnh mẹ già hay đau yếu, cha thì sức khỏe đã giảm sút đi nhiều nên dù được cử đi học, cậu từ chối và quyết định ở nhà phụ giúp ông bà, gánh vác công việc đồng áng, chăm lo song thân.
Ngoại tôi đau ốm suốt một thời gian khá dài và một tay cậu chăm lo sớm hôm. Chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ, cậu còn dành tối đa thời gian để có thể bên cạnh bà. Bà giục cậu tìm hiểu ai đó rồi kết hôn, cậu còn động viên bà: "Mẹ khỏe lại rồi con kiếm con dâu cho mẹ ngay! Mẹ cứ nằm đây, mãi không chịu khỏe thì con... cũng chịu nhé!"
Ngày ngoại tôi mất, cậu hoảng hốt đớn đau, cứ gào khóc liên hồi: "mẹ ơi, mẹ ơi...". Những người xung quanh cũng xúc động không cầm được nước mắt.
Và sau khi bà đi chưa bao lâu, cậu cũng đổ bệnh đột ngột và qua đời. Giữa lúc mất mát đớn đau ấy, một người lạ bỗng nhiên xuất hiện và nhận là người thân đã bỏ rơi cậu năm xưa, xin được đưa di ảnh của cậu về. Ông tôi im lặng, cả gia đình im lặng, chỉ có những đứa trẻ như chúng tôi là ngơ ngác, phân vân.
Và rồi, chúng tôi đã lần đầu được nghe về câu chuyện của cậu năm xưa, càng thấy thương cậu vô cùng.
Câu chuyện năm ấy, cậu chưa từng được biết. Hôm nay, ngày giỗ của cậu, thắp nén nhang thơm, những ký ức về cậu lại ùa về, mong cậu yên nghỉ vĩnh hằng.
Trà Anh