Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cặp vợ chồng Giáp Tý bán nhà “mua” những chuyến xe “0 đồng” chở bệnh nhân nghèo về quê

(DS&PL) -

Quen nhau tình cờ rồi nên nghĩa vợ chồng. Anh Nhật chị Minh bán đất, bán nhà chấp nhận ở trọ để mua xe cứu thương chở bệnh nhân nghèo.

Quen nhau tình cờ rồi nên nghĩa vợ chồng. Bán đất, bán nhà chấp nhận ở trọ để mua xe cứu thương chở bệnh nhân nghèo. Sắm đầy đủ dụng cụ, đồ đạc để tự khâm liệm cho những thi hài xấu số, xin quan tài cho người nghèo và cả những hành trình không mỏi của những chuyến xe nghĩa tình “không đồng” trên mọi miền đất nước. Đây chính là chuyện của đôi vợ chồng Nguyễn Hoàng Nhật và Trần Thị Minh Minh, đều tuổi Giáp Tý (SN 1984), đang sinh sống tại quận Tân Phú, TP.HCM.

Chiếc xe chạy 0 đồng của anh Nhật. 

Đồng cảm với những cảnh đời đầy nước mắt

Một buổi tối khi vừa rời ca trực từ cơ quan, đang chuẩn bị đồ ăn cho con, anh Nguyễn Hoàng Nhật nhận được cuộc gọi báo tin, có một người đàn ông ôm con đã mất, đứng trên lầu 3 bệnh viện có ý định nhảy xuống đất tự tử, anh bước vội lên xe đến bệnh viện, nơi xảy ra sự việc.

Gặp anh, người đàn ông khóc nức nở kể, gia đình ông là người dân tộc, quê tận Đắk Nông. Ông đưa vợ con xuống TP.HCM chữa bệnh. Nhưng, không may người con đã ra đi, còn vợ ông vẫn đang nằm hôn mê trên giường bệnh. Gia tài gom góp và đi vay mượn mang theo, chỉ còn vỏn vẹn 200 nghìn. Tiền đâu để điều trị cho vợ, tiền đâu để lo hậu sự cho con. Bí bách và cùng quẫn, ông đã ôm xác con toan nhảy lầu quyên sinh.

Nghe xong câu chuyện, anh Nhật chỉ nói với người đàn ông rằng “hãy yên tâm”... rồi bắt tay thu xếp ổn thỏa cho gia đình người đàn ông bất hạnh. Đó là một trong rất nhiều mảnh đời bất hạnh, khốn khó mà anh Nhật đã từng gặp, hỗ trợ đưa họ về quê.

Anh Nhật kể: “Cách đây ít bữa, em vừa chở một cháu bé bị bại não về Cà Mau. Hành trình dài mấy trăm cây số, khi tới nơi em đã sốc bởi không thể hình dung nổi tại sao người ta lại nghèo khó, túng quẫn đến như vậy”. “Khi cháu bé được đưa vào trong, người mẹ hớt hải chạy quanh xóm mượn tiền, sau đó gom từng đồng đưa cho em 2,2 triệu đồng. Em vẫn im lặng để chị ấy đưa tiền cho mình. Cầm số tiền gom góp, có những tờ đã rách nhàu, nhìn vào mấy tấm lá dừa khô phía con rạch, em không thể nào kìm lòng được. Đưa lại số tiền trên cho chị ấy, em lấy thêm 2 triệu đồng nữa đưa thêm cho chị và nói “tiền xăng xe coi như em đã nhận, đây là em gửi để thắp nhang cho cháu, chị cầm lấy mà lo cho cháu an nghỉ”, anh Nhật kể.

Hơn 2 năm nay, những “Chuyến xe nghĩa tình Minh Tâm” 0 đồng của vợ chồng Nhật - Minh vẫn đều đặn lăn bánh đưa những mảnh đời bất hạnh, gia cảnh khó khăn, nghèo túng về quê trên mọi miền đất nước. Từ những chuyến xe lên Tây Nguyên đất đỏ hay về vùng miền Tây sông nước, đến những chặng đường dài rong ruổi ra miền Trung hay đến tận Thái Nguyên, Bắc Giang. Bán đất, bán nhà mua xe làm từ thiện Nghề chính của anh Nhật là lái xe cấp cứu trong bệnh viện quận Tân Bình, trong những lần chở bệnh nhân về quê, anh chứng kiến bao hoàn cảnh đáng thương, bất hạnh, anh rất cảm thông. Thấu cảm điều đó, anh Nhật quyết định bán đất mua xe chạy hỗ trợ bà con nghèo.

Nói là chạy xe dịch vụ chứ chưa bao giờ anh Nhật đưa ra giá vận chuyển. Chẳng hạn giá một chuyến xe về Tây Ninh là 1,8 triệu đồng, nhưng anh nói bà con có bao nhiêu thì cho bấy nhiêu, kể cả 500 nghìn Nhật vẫn vui vẻ chạy.

Trong một lần chứng kiến cảnh xe dịch vụ ép giá bà con nghèo, anh Nhật buồn lắm, anh tâm sự với vợ và được chị Minh đồng ý ngay việc bán nhà mua thêm xe. Bán căn nhà, vợ chồng con cái dắt díu đến nhà trọ, chiếc xe mua được với ý định vừa chạy dịch vụ vừa thu phí hỗ trợ cho các gia đình nghèo, còn đối với những gia cảnh khó khăn sẽ miễn phí hoàn toàn.

Tính toán ban đầu là vậy, nhưng sau đó tiếng lành lan tỏa, gần như bệnh viện nào ở TP.HCM cũng biết đến chuyến xe nghĩa tình Minh Tâm. Điện thoại từ những gia cảnh nghèo đến dồn dập, nếu từ chối thì không đành lòng, nhưng nhận lời thì anh Nhật không đủ xe để chạy. Lúc đó anh phải gọi nhờ xe dịch vụ bên ngoài hỗ trợ và chấp nhận móc tiền túi ra bù trả cho bà con. “Bất kể ở đâu và lúc nào, chỉ cần gia đình họ thực sự trong cơn khốn khó là mình giúp. Có gì đâu, bán đất bán nhà mình còn không ngại nữa là”, anh Nhật nói.

Anh Nhật tâm niệm và tự hứa với lòng mình sẽ luôn làm việc thiện, việc tốt giúp ích cho đời để trả ơn những người đã cứu sống mình. Anh Nhật tâm sự: “Em sinh ra được 1,1kg, chỉ lớn bằng cái lon nước ngọt. Lúc đó không ai nghĩ sẽ cứu được em. Tuy nhiên, bằng nỗ lực và chuyên môn cùng cái tâm vô bờ, bác sĩ Trần Đông A đã cứu sống em. Lớn lên em được ông ngoại cho nghe, từ đó em biết ơn bác sĩ suốt đời”. Không chỉ chạy những chuyến xe nghĩa tình, Nhật còn hỗ trợ người nghèo áo quan, hòm rương, quần áo và chính Nhật là người trực tiếp tẩm liệm, vô quan cho các thi thể.

Đám hỏi không có chú rể...

Vợ chồng anh Nhật - Minh và những chuyến xe nghĩa tình cùng hoạt động từ thiện.


Nhấp ngụm cà phê đá, Nhật kể: “Em lấy Minh đã 5 năm, 2 đứa quen nhau qua Facebook rồi nên vợ nên chồng. Chúng em đều sinh năm 1984, Giáp Tý. Hồi mới làm công việc này em sợ vợ em phản đối, nhưng ai ngờ cô ấy cũng đồng tình và ủng hộ hết mình. Bây giờ hàng ngày em trực ở bệnh viện, nhiều lúc người dân gọi điện đến thông báo, có khi em quên nên vợ em ở nhà phụ em ghi thông tin vào sổ sách, lên kế hoạch vận chuyển, điều động lịch trình xe cộ”.

Anh Nhật nhớ lại: “Công việc em làm có những chuyện “vui” lắm, 2 kỷ niệm có lẽ em còn nhớ mãi. Đó là trước ngày cưới của bọn em, anh em, hai họ tổ chức gặp nhau để biết mặt cô dâu, chú rể. Khi mọi người đông đủ, hỏi cô dâu: “chú rể đâu”, vợ em nói chú rể đang chở xác về Phan Rang (Ninh Thuận), mọi người mới té ngửa. Số là chiều hôm đó, em nhận tin có một ca bệnh nghèo tử vong tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định, em đến nhà xác làm thủ tục, tẩm liệm cho người ta xong rồi đưa họ về quê để an táng. Khi xong việc trở về, mọi người không còn ai.

Kỷ niệm thứ hai, Tết 2018 Kỷ Hợi vừa qua, đêm 30 Tết khi em đang trực ở bệnh viện thì nhận được điện thoại từ nhà Dòng, nhờ hỗ trợ đưa một em bé đã mất về quê Đắk Lắk. Sáng mồng Một Tết, em rời bệnh viện lên xe chở em đó về quê. Đến Đắk Lắk bàn giao cho gia đình xong, em quay xe về lại Sài Gòn, lúc này đã là ngày mồng Hai Tết.

Tuy nhiên, trên đường về em tiếp tục nhận được cuộc gọi hỗ trợ một trường hợp khác chở thi thể về Gia Lai, nên lại hành trình TP.HCM - Gia Lai tiếp. Sáng mồng Ba, quay về cơ quan trực bình thường, đến sáng mồng Bốn, em lại tiếp tục chở một ca nữa về miền Tây. Đến ngày mồng Năm, em mới về phòng trọ. Lúc này đã hết 3 ngày Tết, anh em người thân đều về quê. Trong phòng trọ còn Minh ôm con, chờ Nhật về. Ôm vợ con vào lòng, hai đứa chỉ biết nhìn nhau cười”. Trò chuyện với PV, chị Minh cũng tâm sự: “Vật chất, của cải sau này chết đi có mang được theo đâu, sao mình không đem những thứ mình có mà người khác cần ra giúp họ. Bọn em đều xác định hết rồi, nếu chẳng may ra đi thì đã có bệnh viện lo (chúng em đều làm thủ tục hiến mô, hiến nội tạng hết rồi), còn con em thì gửi cho các cậu”.

Hoàng Việt
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống và Pháp luật số 11+12+13+14+Số 3+4 (Chủ nhật)+Số 3 (Tháng)

Tin nổi bật