Cao Phong, một huyện “non trẻ” được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/3/2002 trên cơ sở chia tách huyện Kỳ Sơn thành 2 huyện Kỳ Sơn và Cao Phong theo Nghị định số 95/NĐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ. Huyện có tổng số 25.527,83 ha diện tích đất tự nhiên với 13 đơn vị hành chính gồm 12 xã và 1 thị trấn. Và sau khi sát nhập, đến nay còn 10 đơn vị hành chính. Là địa phương nằm dọc trên Quốc lộ 6 và đường 12B cùng với hệ thống cảng thủy nội địa trên sông Đà thuận lợi đã mang lại những diện mạo mới trong hạ tầng phát triển giao thông của huyện Cao Phong trong những năm gần đây.
Trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, huyện Cao Phong đã giành được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Đây là cơ sở và tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra.
Trường học ở Cao Phong được xây dựng khang trang |
Hệ thống trường học được xây dựng, tu sửa khang trang |
Hiện nay, trên toàn huyện có 409,72 km đường giao thông các loại, trong đó có 42,2 km đường nhựa huyện, đường bê tông nhựa 4,55 km, đường bê tông xi măng 272,67 km, đường cấp phối 23,02 km. Tỷ lệ cứng hóa, nhựa hóa các tuyến đường đến nay đã đạt được 100%. Hàng năm, huyện đã huy động hàng chục tỷ đồng vốn ngân sách huyện và huy động vốn đóng góp của nhân dân xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT). Đến nay, mạng lưới GTNT trên địa bàn huyện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của nhân dân các dân tộc. - Đó là khẳng định của đồng chí Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong.
Hệ thống cầu đường được xây dựng tu sửa mới |
Được biết, theo căn cứ vào quy hoạch phát triển giao thông của huyện đã được UBND tỉnh Hòa Bình và Sở GTVT phê duyệt, trong giai đoạn 5 năm (2010 - 2015). Huyện Cao Phong đã đầu tư xây dựng 89,2 km đường GTNT các loại, bên cạnh đó huyện xây dựng mới 8 chiếc cầu, cải tạo, sửa chữa 2 cầu treo, xây mới 7 cầu dân sinh và 3 ngầm. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng, phát triển GTNT hơn 171 tỷ đồng, trong đó, ngân sách TW hỗ trợ trên 69,3 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng. Các công trình được hoàn thành đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện phát triển KT-XH địa phương.
Đến nay, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kế hoạch đề ra như là: kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Mức độ hoàn thành các tiêu chí đạt 15,22 tiêu chí/1 xã. Duy trì 4 xã đạt nông thôn mới, trong đó xã Dũng Phong là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Hiện trạng mặt đường từ thị trấn vào xã Hợp Phong sau khi được thi công xong |
Theo đó, đến nay toàn huyện tỷ lệ đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt gần như 100%. Đường trục thôn, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa, đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa, đường trục chính nội đồng được cứng hóa.
Trong những năm qua, hệ thống các trường học trên địa bàn huyện, được xây dựng, tu sửa khang trang. Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học được tăng cường đầu tư, phục vụ tốt cho việc dạy và học, cảnh quan nhà trường được tạo dựng theo hướng chuẩn quốc gia, tổng số phòng học là 443 phòng, 100% phòng học kiên cố.
Tuyến đường giao thông từ thị trấn vào xã Hợp Phong |
Cùng với đó, công tác xây dựng phát triển hạ tầng GTNT. Hàng năm, huyện cấp hàng trăm triệu đồng từ nguồn ngân sách của huyện để bảo trì. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn hẹp chưa đáp ứng duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường. Giải pháp được UBND huyện đưa ra là giao cho UBND các xã duy tu, bảo dưỡng tuyến đường đi qua, huy động nhân dân làm đường GTNT.
Theo ghi nhận của phóng viên, để đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền nhân dân huyện Cao Phong trong công việc đầu tư, thu hút xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho địa phương những năm qua. Thì bên cạnh đó, cũng rất cần đến các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân xây dựng đóng góp cho địa phương.
Điển hình như doanh nghiệp xây dựng, Cty TNHH xây dựng Trường Sơn, là một trong những đơn vị đi đầu trong việc xây dựng, tu sửa rất nhiều các công trình phúc lợi xã hội cho địa phương như: trường học, nghĩa trang liệt sỹ, các trục đường liên thôn liên xã, sân vận động…Bên cạnh đó, cũng rất cần đến các mạnh thường quân đầu tư xây dựng các điểm thăm quan du lịch, các loại cây hoa quả có thế mạnh của địa phương.
Hệ thống kênh mương được gia cố kè đá xây dựng chắc chắn |
Đến với Cao Phong, bạn sẽ được thưởng thức đặc sản nổi tiếng giống cam Cao Phong, hay những điểm thăm quan du lịch tâm linh như Núi Đầu Rồng, đền Bồng Lai tại thị trấn Cao Phong, Thác Bờ tại xã Thung Nai, chùa Quoen Ang tại xã Hợp Phong, chùa Khánh tại xã Thạch Yên hay lễ hội Chiêng của người Mường Thàng (tên gọi của người Mường cổ trước kia, vùng Cao Phong là Mường Thàng và ngày nay là huyện Cao Phong).
Với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong. Nhiều năm liền huyện Cao Phong được xếp hạng thi đua nằm trong tốp đầu của khối huyện, thành phố, được tặng Cờ thi đua xuất sắc và nhiều bằng khen của Chủ tịch tỉnh.
Chặng đường phía trước còn đó nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít những khó khăn, thách thức. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương, đồng tâm, hợp sức, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thách thức.
Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và sâu rộng công cuộc đổi mới, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện Cao Phong lần thứ 27. Tiến tới chào mừng Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ 17 và Đại hội đảng bộ huyện Cao Phong lần 28 nhiệm kỳ tới, Xây dựng quê hương Cao Phong ngày càng văn minh, giàu mạnh.
Xuân Khiển