Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cao Bằng: Gã hàng xóm sát hại 3 bà cháu có tiền sử tâm thần bị xử lý khi nào?

(DS&PL) -

Bước đầu nhận định, nghi phạm Thăng Phi Hùng dùng xà beng ra tay sát hại dã man 3 bà cháu bà Đoàn Thị L (SN 1959) và hai cháu ngoại có tiền sử bệnh thần kinh.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ án mạng nghiêm trọng do người tâm thần gây ra.

Mới đây, VKSND tỉnh Cao Bằng đã phê chuẩn Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Thăng Phi Hùng (SN 1986, ở xã Lê Chung, huyện Hòa An, Cao Bằng) để điều tra về hành vi Giết người.

Nghi phạm Thăng Phi Hùng tại thời điểm bị bắt giữ.

 

Vụ việc xảy ra vào khoảng 18h ngày 4/4 tại xã Lê Chung, huyện Hoà An, nghi phạm Thăng Phi Hùng là hàng xóm đã dùng xà beng ra tay sát hại dã man 3 bà cháu bà Đoàn Thị L (SN 1959) và hai cháu ngoại.

Hậu quả, bà L và cháu ngoại Lê Vĩnh Th (SN 2015) tử vong tại chỗ, còn cháu Lê Tiến Đ (SN 2019) là em trai của Th cũng tử vong trên đường đi cấp cứu.

Thông tin ban đầu xác định, đối tượng Thăng Phi Hùng đã có vợ con và có tiền sử bệnh thần kinh. 

Khi xảy ra thảm án, bố mẹ hai cháu Th và Đ đang đi làm thuê. Gia đình hai cháu và hung thủ đều thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Với trường hợp người mắc bệnh tâm thần phạm tội, Luật sư Dương Văn Thụ, Văn phòng luật sư Thiên Dương (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Luật sư Dương Văn Thụ, Văn phòng luật sư Thiên Dương (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

 

Trên cơ sở phân tích Điều 21 trên đây ta có thể thấy: Đối với trường hợp thứ nhất, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất hoàn toàn khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện.

Trường hợp 2: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì vấn đề TNHS vẫn được đặt ra.

Trường hợp 3: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác mà vẫn có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì người đó vẫn chịu TNHS bình thường đối với hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện.

“Do đó, người bị mắc bệnh tâm thần vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện khi họ rơi vào trường hợp 2 và trường hợp 3 như đã phân tích ở trên. Cụ thể, người nào đủ căn cứ cấu thành tội Giết người theo Điều 123 BLHS 2015 thì có thể phải đối diện mức án cao nhất lên tới chung thân hoặc tử hình.”, Luật sư Thụ nói.

Cùng trao đổi về nội dung này, Luật sư Trần Văn Việt (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Tại khoản 2, Điều 49 của Bộ Luật Hình sự 2015 về Bắt buộc chữa bệnh cũng quy định người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 thì trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Việt cho rằng, để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, cơ quan tố tụng cần phải xác định được năng lực trách nhiệm hình sự của người đó.

Cụ thể, căn cứ vào vụ việc, cơ quan tố tụng cần phải tiến hành các thủ tục để giám định tâm thần đối với người thực hiện hành vi giết người. Căn cứ vào kết luận giám định, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng hình phạt hoặc biện pháp khác đối với người thực hiện hành vi giết người.

Hiện chưa có quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần thì thường vẫn đang sinh hoạt tự do, không có người quản lý, ngoại trừ gia đình. Nếu trong trường hợp gia đình không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời trường hợp người tâm thần phát bệnh và có những hành vi vi phạm pháp luật, từ đó rất dễ dẫn đến những vụ việc đau lòng - Đây cũng chính là mối tiềm ẩn gây ra nguy hiểm cao độ cho xã hội.

Để khắc phục một số bất cập này, Luật sư Việt đề xuất: Những gia đình có người bị bệnh tâm thần cần chủ động đưa người bệnh đi khám, chữa bệnh. Chúng ta cũng không nên quá trông chờ vào những cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương mà trách nhiệm chính vẫn là từ các gia đình của người có dấu hiệu tâm thần, cần giám sát và tận tâm, chia sẻ, phải đưa người tâm thần đi chữa bệnh kịp thời để phòng những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

T.V

Tin nổi bật