Content "bẩn" vẫn xuất hiện thường xuyên
VOV đưa tin, từ việc người mẫu Ngọc Trinh bị bắt là bài học cảnh tỉnh cho những người đã và đang bất chấp mọi hành vi để câu view, câu like. Hành vi này cần bị xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa, giáo dục chung.
Người mẫu Ngọc Trinh và mô tô vẫn đang trở thành "từ khóa" hot nhất trên mạng xã hội những ngày qua. Từ cuối tháng 9/2023, trên trang cá nhân Ngọc Trinh với hàng triệu người theo dõi đã đăng tải những đoạn clip ghi lại cảnh cô điều khiển chiếc mô tô kèm những pha tạo dáng nguy hiểm khi di chuyển trên một cung đường ở TP.HCM.
Ngày 19/10, Ngọc Trinh bị khởi tố và bắt tạm giam về tội "Gây rối trật tự công cộng", quy định tại điều 318 Bộ Luật Hình sự.
Trưa ngày 21/10 vừa qua, mạng xã hội xôn xao hình ảnh 2 nghệ sỹ xiếc cùng một hãng xe thực hiện đoạn clip quảng cáo. Cả hai không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe, chồng đầu lên nhau trên xe... Trước phản ứng dữ dội của cư dân mạng, phía nhãn hàng đã phải tháo bỏ clip quảng cáo trên tất cả nền tảng mạng xã hội.
Trước đây, vào tháng 3/2023, trên các trang mạng xã hội bất ngờ lan truyền các đoạn video của một tài khoản Youtube tên K. (28 tuổi) đăng tải những video với tiêu đề "Những lần mình kiếm tiền trên Tinder"; "Mình bịa CV để đi xin việc thế nào"; "Mình không sinh ra để đi làm!!! Bạn cũng thế";...
Điều đáng nói, nội dung trong những video này đều để chia sẻ những cách làm hết sức "độc hại" từ việc hẹn hò cho đến cách kiếm tiền, làm giàu.
Trong video có đoạn bạn K. này nói rằng: "Có một cái cách mình kiếm tiền đó chính là mình kiếm tiền thông qua tinder, những app hẹn hò. Mình muốn chia sẻ nó ở đây để cho các bạn biết là mình đã từng sống như thế nào”.
Những nội dung độc hại vẫn xuất hiện tràn lan trên mạng, thậm chí còn nhận được sự ủng hộ.
Tiếp theo K. khẳng định mình không có ngoại hình, không biết chụp ảnh, sợ camera nên ở tài khoản Tinder cô dùng meme hài hước và phần mô tả vui vẻ, thể hiện sự vui tính. Mục đích của việc này là để có một tài khoản gây chú ý và nổi bật nhất, thu hút những người hài hước, có tiền hoặc là có học thức.
“Mình chỉ có thể dùng tất cả những gì mình có và vận động hết tất cả những cái gì mình có khả năng để kiếm tiền. Vì mình phải sống mà đúng không? Mình không thể nào mà không cần tiền được”, K. nói dõng dạc.
Còn trong một clip khác "Mình không sinh ra để đi làm!!! Bạn cũng thế", nữ Youtuber này cho biết đã từng đi làm ở 8 nơi khác nhau nhưng đều nghỉ việc sau 1 tháng hoặc thậm chí là vài ngày, sau đó đưa ra những đánh giá khách quan về công ty mà mình làm với những lời lẽ có phần "thiếu tôn trọng".
Đồng thời cô còn khẳng định: "Mình nhận ra tất cả những người không thích đi làm, những người có vấn đề với sếp, những người thường xuyên bị đuổi việc, thường xuyên nghỉ việc là vì bản thân những người đấy sinh ra là để làm chủ, làm sếp".
Đáng nói, nữ Youtuber này có lượng lớn người follow từ trên Youtube, TikTok và thậm chí khi đăng tải những video này còn có khá nhiều bình luận đồng tình, bênh vực cho lối sống này của K, Đại đoàn kết thông tin.
Dọn rác trên mạng xã hội - cách nào?
Thực tế, việc yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới như TikTok, Facebook, Google… tuân thủ pháp luật Việt Nam vẫn là một vấn đề phức tạp trong nhiều năm qua. Phải đến sau khi Nghị định 70/2021 về quản lý quảng cáo xuyên biên giới được ban hành, Bộ TT&TT mới triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý cơ bản vi phạm trong quảng cáo xuyên biên giới như tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn nghị định; thanh tra, kiểm tra nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định này, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng phải thừa nhận, việc quảng cáo trên mạng hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Theo số liệu của Bộ TT&TT, tính đến cuối năm 2022, mới có 9 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài đăng ký với Bộ TT&TT. Nhiều nhà kinh doanh quảng cáo lớn như META, AMAZON, LINKEDIN, Trade Desk, SilverPush, AdColony, Adskeeper, Taboola… chưa đăng ký.
Thời gian qua những nội dung độc hại vẫn đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực.
Theo luật sư Trần Anh Dũng, nguyên nhân các nhà mạng như Google, Facebook, TikTok... khiến nhà quản lý trong nước “đau đầu” trong công tác quản lý, vì họ không đặt máy chủ tại Việt Nam để cơ quan quản lý Nhà nước giám sát dòng tiền ra vào, đồng thời kê khai và tự nộp thuế. Mãi đến khi, Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực, công tác quản thu thuế với một số nhà cung cấp ở nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam như: Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple mới được thực hiện.
Luật sư Dũng cũng nhấn mạnh thêm: “Việc các nền tảng nói trên không đặt máy chủ tại Việt Nam, cũng là nguyên nhân khiến các nội dung bẩn không được xử lý tận “gốc” mà chỉ dừng lại ở việc khắc phục hậu quả khi sự việc đã rồi”.
Cần phải tìm hướng xử lý triệt để những nội dung tiêu cực trên mạng xã hội.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng phải thừa nhận, chúng ta đang có một số lúng túng nhất định trong xử lý hành vi vi phạm trên không gian mạng. Đây là điều không phải chỉ riêng Việt Nam mà cả các nước trên thế giới cũng đang gặp phải.
“Việt Nam hiện đã có Luật An ninh mạng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác; các nền tảng đều đưa ra tiêu chuẩn cộng đồng nhưng công tác triển khai vẫn gặp một số khó khăn. Vấn đề ở đây là những văn bản, tiêu chuẩn này luôn phải được cập nhật, bổ sung để bao quát hơn những vấn đề của cuộc sống. Nếu luật pháp không bao quát được những hành vi vi phạm, chế tài quá nhẹ thì sẽ dẫn đến luật bị vô hiệu hóa hoặc nhờn luật. Điều này vô cùng tai hại khi cái xấu được phép tồn tại và tạo môi trường để làm cho nhiều cái xấu khác nảy sinh.
Do đó để không xảy ra những hành vi vi phạm, phải dùng đến công cụ pháp luật can thiệp thì trước nhất vẫn là câu chuyện về giáo dục nhận thức. Gia đình, nhà trường và bản thân lớp trẻ cần có giải pháp để nâng cao “sức đề kháng” trong nhận thức. Nếu không, những video có nội dung xấu sẽ như một thứ “virus” độc hại, ăn sâu vào lối suy nghĩ của các em, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ, hành vi. Song song với đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển giải pháp công nghệ để “dẹp loạn”. Nếu cần thiết, chúng ta phải xử nghiêm một vài vụ để làm “án điểm”, trả lại sự trong sạch cho môi trường văn hóa trên mạng xã hội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất, theo Công an nhân dân.
6 sai phạm của Tiktok tại Việt Nam Thứ nhất, nền tảng này không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung độc hại, nhảm nhí, có khả năng gây nguy hiểm với trẻ em. Thứ hai, TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng, từ đó phát tán những nội dung giật tít, câu view mặc cho chúng phản cảm, độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, giới trẻ. Thứ ba, TikTok không có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thuốc kích dục… Thứ tư, TikTok không quản lý hoạt động của các idol (thần tượng) dẫn đến nhiều người sản xuất nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa, nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, tạo xu hướng thu lợi nhuận từ nững nội dung này. Cụ thể là việc cho phép thách đấu trực tuyến, idol TikTok có thể được người xem tặng quà, càng sốc, hở, phản cảm càng được tặng nhiều quà và có khả năng quy đổi ra tiền. Điều đáng nói là TikTok sẽ nhận được 70% từ số tiền thu được. Thứ năm, TikTok không có biện pháp quản lý các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt các nội dung trích từ phim ảnh. Thứ sáu, không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, xúc phạm, bôi nhọ. |
Phương Linh (T/h)