Mới đây, một cán bộ thi hành án đã bị khởi tố điều tra về 2 tội hình sự, nhưng trong thời gian chờ ra trước vành móng ngựa, cán bộ này vẫn được bổ nhiệm chấp hành viên... Kỳ lạ thay, những chuyện tưởng như đùa đó lại đang diễn ra ở nhiều địa phương.
Chuyện lạ nhưng không... hiếm!
Chuyện quan chức "hốt cú chót", bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở "phút 89" trước khi "hạ cánh an toàn" đã không còn lạ, thế nhưng, việc điều cán bộ trở lại nhiệm sở làm việc khi đang là bị án giờ đây cũng không còn là hiếm. Khi sự vụ bị phát giác, người ta bao biện rằng, nền công vụ cần những người có kinh nghiệm, tài năng để công việc được "thuận buồm xuôi gió", thế nhưng, câu hỏi đặt ra, nếu họ có tài và có tâm, ắt đã không để dính án? Vẫn biết, "đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại", thế nhưng, khi chưa đủ thời gian thử thách, liệu họ đã thực sự lấy lại được "tâm sáng, lòng trong" và xứng đáng với vị trí cán bộ được bổ nhiệm?
Nghịch lý cán bộ lĩnh án vẫn được bổ nhiệm chức vụ (ảnh minh họa). |
Nghịch lý kể trên đã hâm nóng nghị trường Quốc hội những ngày qua, khi các đại biểu của nhân dân thẳng thắn đặt vấn đề đối với Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao về công tác thi hành án, phòng chống tham nhũng. Như lời đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) thì có trường hợp người bị tòa kết án và cấm đảm nhiệm chức vụ nhưng vẫn được chính quyền bố trí chức vụ gây bất bình trong dư luận. Bà Dung dẫn chứng, trường hợp ông Phạm Đăng Hoan và ông Lê Thanh Liêm - nguyên Bí thư và Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng), vào tháng 8/2013, bị tòa tuyên án và cấm đảm nhiệm chức vụ trong cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội trong một năm.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên). |
Thế nhưng, đến tháng 4/2014, UBND huyện Tiên Lãng đã đồng ý đề xuất của xã Vinh Quang ký hợp đồng lao động với ông Hoan và ông Liêm. Sau đó, một ông được bố trí làm kế toán, một ông làm cán bộ địa chính, nông nghiệp, môi trường xã Vinh Quang. Như vậy, hai vị lãnh đạo xã đã được trở về chốn cũ chỉ sau 9 tháng.
Một trường hợp khác cũng kỳ lạ không kém, xảy ra tại xã Thọ Châu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. ông Nguyễn Văn Chính, cán bộ địa chính xã này phạm tội cố ý gây thương tích. Từ tháng 5/2012, tòa tuyên ông Chính 30 tháng tù và cho hưởng án treo. Thế nhưng, sau khi xét xử, huyện đã chuyển ông này sang xã khác và vẫn tiếp tục làm cán bộ địa chính (!?).
Quả thực, việc tái bổ nhiệm khi đang là bị án là hiện tượng lạ nhưng lại không... hiếm. Trong cuộc trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, chuyên gia hàng đầu về tổ chức và quản lý nhân sự thuộc Học viện Hành chính Quốc gia, TS. Ngô Thành Can đã đưa ra một minh chứng hùng hồn ngay tại Thủ đô Hà Nội.
Chuyện xảy ra tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất. Một vị nguyên là Chủ tịch xã bị tuyên phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo với tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ngoài ra, ông này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời gian 5 năm. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, vị cựu lãnh đạo xã này được "linh động" ký hợp đồng với lý do ông ấy đã "quen việc" còn hơn tuyển dụng người mới(!).
Chưa hết, một sự vụ độc nhất vô nhị khác, tiếc rằng lại xảy ra trong chính ngành thi hành án. Đó là câu chuyện tại TP. Cần Thơ, một cán bộ thi hành án đã bị khởi tố điều tra về 2 tội hình sự, nhưng trong thời gian chờ ra đứng trước vành móng ngựa lại được bổ nhiệm chấp hành viên. Như vậy, chẳng biết do vô tình hay hữu ý mà vị này đồng thời mang hai "thân phận" bị can và chấp hành viên thi hành án.
Tuyển dụng "linh động" hay "hốt cú chót"?
Giữa chuyện quan chức bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở "phút 89" và việc tái bổ nhiệm khi vừa lĩnh án, tuy mức độ khác nhau nhưng dường như có cùng tính chất. Liệu, họ có thực sự vì nền công vụ hay vì lý do nào khác? Khi được hỏi, những chuyên gia pháp lý cũng như các nhà quản lý nhân sự đều khẳng định, việc tái bổ nhiệm như trên là vi phạm pháp luật. Việc tuyển dụng "linh động" này khiến dư luận bất bình. Họ bức xúc không phải vì có thành kiến với cá nhân đó mà bức xúc vì sai quy trình bổ nhiệm và "dùng" sai người. Hơn nữa là vì sao phải bổ nhiệm vị cựu cán bộ này trong khi vẫn còn rất nhiều người có năng lực, đủ tiêu chuẩn đảm nhiệm?
Theo TS. Ngô Thành Can, với các trường hợp nêu trên, có giả định đưa ra bản thân những vị từng điều hành công việc tốt nên sau khi "tái ông thất mã", những người cùng làm việc trước đây (ê-kíp) cho rằng, tận dụng được nguồn lực cũ sẽ hiệu quả hơn. Hoặc giả định, những người tuyển dụng vị này trước đây cùng ê-kíp, từng được ưu ái, tạo bổng lộc... nên "biết ơn". Cũng có giả định cho rằng, những vị này công tâm, làm việc tốt đến mức, dù có "dính chàm" cũng vẫn... sử dụng tốt. "Tất cả những tình huống này cho thấy, dù họ có năng lực hay không cũng đều sai và không đúng quy trình", TS. Can nói.
Trước đây đã có những xì xào, bàn tán, bộ này, ngành kia lãnh đạo bổ nhiệm cán bộ ồ ạt trước khi nghỉ hưu. Tại nghị trường Quốc hội có ý kiến cho rằng, trước khi về hưu, lãnh đạo một số đơn vị thường làm "chuyến tàu vét" bổ nhiệm cán bộ hàng loạt, thậm chí những người được đưa vào vị trí cao hơn còn chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Vừa rồi, Thanh tra Chính phủ cũng đã xác nhận nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trước khi nghỉ hưu có ký quyết định bổ nhiệm cán bộ chưa đủ năng lực. Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, có nhiều cán bộ được bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm về chức vụ và đã phải xử lý bằng cách cho đi đào tạo; hiện nay phải rà soát, phân công lại.
Dẫn chứng về việc bổ nhiệm ồ ạt, TS. Can nhắc đến khái niệm "nợ tiêu chuẩn". TS. Can cho rằng, một nền công vụ hiện đại, văn minh và chuyên nghiệp thiếu tiêu chuẩn thì không đạt chứ không có việc "nợ". Như câu chuyện ở một bộ nọ, khi thi tuyển những chức danh vụ trưởng đã có ý kiến mở rộng tiêu chuẩn chức danh, người lãnh đạo mở rộng tiêu chuẩn cho những người "thiếu" tiêu chuẩn ứng thí. Việc làm đó chẳng khác nào "đi theo vết xe đổ", thiếu tiêu chuẩn vẫn cố "ấn" vào một vị trí công việc. Như vậy là bóp méo và không công nhận những tiêu chuẩn đã đề ra.
Tái bổ nhiệm khi vừa lĩnh án là vi phạm pháp luật Dưới góc độ pháp lý, LS. Nguyễn Hoàng Lĩnh (đoàn Luật sư TP.Hải Phòng), dẫn chứng Điều 64 Bộ luật Hình sự quy định về việc xóa án tích. Theo đó, trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo thì thời hạn xóa án tích là một năm. Người được xoá án tích coi như chưa bị kết án và được toà án cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, theo Luật Cán bộ, công chức, để được đăng ký dự thi công chức, người dự tuyển phải đảm bảo các tiêu chuẩn về quốc tịch, tuổi, trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ... Người đó còn phải không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục. Như vậy, nếu đang chấp hành bản án, hoặc đã chấp hành xong bản án và quyết định về hình sự mà chưa được xóa án tích thì người bị kết án cũng không được phép đăng ký dự tuyển thi tuyển công chức, xét tuyển viên chức. |