Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cảm phục cô giáo trẻ “vượt bão” kết hôn với chàng trai bại liệt

(DS&PL) -

(ĐSPL)- Trước sự phản đối kịch liệt của gia đình người yêu, nhất là những lần người thân của chị Phúc tìm gặp anh để đề nghị chấm dứt mối quan hệ với chị, anh đã có suy nghĩ muốn rút lui.

(ĐSPL) - Dù vĩnh viễn mất đi đôi chân sau trận sốt bại liệt, nhưng Nguyễn Quốc Hệ vẫn không chịu đầu hàng số phận. Suốt 12 năm học, anh tự đến trường trên đôi nạng gỗ. Và khâm phục ý chí, nghị lực của chàng trai tật nguyền, một cô giáo trẻ đã đem lòng yêu thương anh trước sự phản đối kịch liệt của gia đình.

Xây đời trên đôi nạng gỗ

Lần đầu gặp anh Nguyễn Quốc Hệ (SN 1981, ngụ thôn 8A, xã Eakly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) tại cửa hàng thuốc tây của anh, chúng tôi bị thu hút bởi đôi mắt biết nói. Sau nhiều lần gặp gỡ, anh mới nhẹ nhàng cho chúng tôi biết, cửa hàng thuốc này là do các anh chị em trong gia đình gom góp giúp đỡ. Đấy là sự khiêm tốn của anh, chứ chúng tôi biết để có được một cửa hàng thuốc bề thế như hiện nay thì anh Hệ phải có nghị lực gấp hai, gấp ba những người bình thường khác. Sinh ra lành lặn giống như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác, thế nhưng cuộc sống của anh lại không được may mắn.

Năm bốn tuổi, một trận sốt bại liệt khiến anh bị liệt vĩnh viễn. Dù khi đó bố mẹ Hệ đưa con đi chạy chữa nhiều nơi, nhưng cuối cùng họ đành bất lực trước di chứng quái ác của trận ốm. Và kể từ đó, cậu bé hồn nhiên tinh nghịch ngày nào, ngày ngày ngồi co ro ở góc giường, hướng đôi mắt ra đường nhìn chúng bạn. Thấy bạn đến lớp, Hệ cũng đòi được đi học. Chiều con, bố mẹ cũng ráng ngày hai buổi đưa đón con đến lớp. Thế nhưng vào những ngày mùa bận rộn, không có ai đưa Hệ đến lớp. Từ đó, Hệ tự tập đến lớp bằng đôi nạng gỗ.

Những ngày đầu tập đi trên đôi chân thứ hai ấy, nhiều hôm cậu bị ngã, máu chảy đầy mặt. Nhưng không vì thế mà chùn bước, Hệ tiếp tục tập cho đến khi điều khiển thành thạo đôi nạng gỗ. Suốt 12 năm học, đôi nạng gỗ trở thành người bạn không thể thiếu, giúp Hệ tự đứng vững trên đôi chân của mình. Với sự thông minh lanh lợi và sự cần cù, chăm chỉ, suốt 12 năm học cậu học trò Hệ luôn nằm trong tốp học sinh giỏi của trường, được thầy cô bạn bè tin yêu và cảm phục về nghị lực phi thường.

Những tưởng ước mơ được ngồi trên ghế giảng đường đại học không thành hiện thực, khi Hệ không đỗ được vào trường đại học mong muốn. Nhưng rồi chiều theo ý bố mẹ Hệ quyết định theo học ngành dược sỹ của trường cao đẳng Y tế Khánh Hòa, cách nhà hơn 200km. Suốt ba năm học tại TP.Nha Trang, ngoài thời gian ngồi trên giảng đường cậu sinh viên tật nguyền còn xin chăm sóc cây cảnh cho nhiều nhà dân để kiếm thêm tiền trang trải chi phí sinh hoạt, học tập. Sau khi tốt nghiệp, Hệ về quê, mở tiệm thuốc tây gần nhà.

Anh Hệ với tiệm thuốc tây của mình.

Đến chuyện... cọc đi tìm trâu

Tiệm thuốc của chàng trai giàu nghị lực ấy gần chợ nên rất đông khách. Giữa hàng nghìn người ra vào phiên chợ quê ấy, vẫn luôn dõi theo người con gái có đôi mắt rất hiền. Anh nhớ lại: “Tiệm thuốc tây của tôi gần chợ. Chiều nào tôi cũng thấy một cô gái trẻ đi chợ, dáng vẻ rất vội vã. Cô ấy thường bịt khẩu trang, tôi chỉ nhìn thấy đôi mắt rất hiền”. Thầm thương trộm nhớ người con gái hiền lành nhưng mặc cảm tật nguyền khiến anh không dám mở lời. Nghe đến đây, vợ anh, chị Nguyễn Thị Phúc (SN 1989, là một giáo viên) kể cho chúng tôi nghe: “Thi thoảng tôi ra mua thuốc tây, anh và tôi mới có cơ hội hỏi han nhau vài câu xã giao”.

Suốt hai năm liền, tình yêu của họ diễn ra trong thầm lặng. Cho đến ngày, qua một người bạn, chị Phúc biết được blog của anh Hệ. Họ kết bạn với nhau trên mạng xã hội. Từ những cuộc trò chuyện không có điểm dừng, họ bắt đầu hiểu nhau hơn. Quen nhau mãi chẳng thấy anh Hệ “hẹn hò”, nên tranh thủ ngày chủ nhật được nghỉ dạy, chị Phúc mạnh dạn điện thoại hẹn anh Hệ đi uống nước. “Vì anh không chạy xe được nên tôi đến tận nhà đón anh đi uống nước. Anh nhát lắm, ngồi cả buổi chiều chẳng nói câu nào, chỉ nhìn tôi cười. Vậy mà khi về nhà thì nhắn tin, điện thoại tới tấp”, chị Phúc đỏ mặt nhớ lại buổi hẹn hò đầu tiên của hai người.

Hẹn hò nhau được hai tháng thì cả xóm đồn ầm ĩ chuyện họ yêu đương. Lúc này chuyện tình cảm giữa cô giáo Phúc và anh Hệ đến tai bố mẹ cô. Thời gian đầu, khi nghe “phụ huynh” tra hỏi về chuyện tình cảm của mình, chị Phúc luôn cố giấu giếm. Rồi một ngày chị quyết định đưa anh Hệ về nhà ra mắt bố mẹ khi cảm nhận được tình cảm của cả hai người đã đạt độ chín và càng ngày càng khăng khít, không thể rời được nhau. Vừa nhìn thấy cậu thanh niên phải nhờ đến đôi nạng gỗ mỗi khi đi lại, không chỉ cha mẹ chị Phúc, mà tất cả bà con họ hàng đều phản đối kịch liệt. Hết khuyên nhủ nhỏ nhẹ, bố mẹ chị Phúc lại nặng lời tìm mọi cách cấm cản hai người gặp nhau.

Anh Hệ và chị Phúc trong ngày vui của mình (ảnh do nhân vật cung cấp).

Hạnh phúc vỡ òa

Đứng trước sự phản đối kịch liệt của gia đình người yêu, đặc biệt là những lần người thân của chị Phúc tìm gặp anh để đề nghị chấm dứt mối quan hệ với chị, anh đã có suy nghĩ muốn rút lui. Thế nhưng tình yêu dành cho cô giáo Phúc quá lớn, nên dù quyết tâm đến mấy, anh cũng không thể mở miệng nói chia tay khi nhìn thấy đôi mắt rưng rưng vì không được gặp anh của người yêu do gia đình ngăn cản. Chuyện hẹn hò của hai người được chuyển vào trong “vùng bí mật”.

Chị Phúc nhớ như in lần sinh nhật tuổi 23, khi chị đi học nâng cao nghiệp vụ ở thành phố. Anh Hệ đón xe lên thăm người yêu. “Nhìn thấy quần áo anh đi mưa ướt nhẹp, lấm lem vết bẩn vì té ngã nhưng miệng cười tươi, trên tay cầm bó hoa hồng, tôi cảm động ứa nước mắt. Chúng tôi chỉ trò chuyện được 15 phút thì anh phải đón xe về lại nhà, còn tôi quay lại lớp học”, chị Phúc nhắc lại giây phút chị biết cuộc đời mình đã gắn liền với người đàn ông này. Và rồi một đám cưới nhỏ nhưng ngập tràn hạnh phúc được tổ chức trong niềm vui, sự hân hoan của hai bên gia đình.

Làm vợ, chị Phúc hết lòng vun vén cho tổ ấm nhỏ của mình. Hàng ngày, chị cố gắng dậy thật sớm phụ mẹ chồng cơm nước, giặt giũ. Trưa đến sau giờ lên lớp, chị Phúc lại chạy xe ra tiệm thuốc tây, đón chồng về ăn cơm. Sau đó buổi chiều trước khi đến trường dạy học, chị Phúc lại chở chồng ra lại tiệm thuốc. Chị Phúc “bật mí”: “Anh Hệ nói yêu tôi vì tính đảm đang, nấu ăn ngon. Những khi rảnh rỗi, tôi thường nghĩ ra những món ăn mới lạ hay làm các món bánh cho cả gia đình cùng thưởng thức”. Ngày còn con gái, chị Phúc ước mơ được đặt chân đến các miền đất lạ. Nhưng khi về làm vợ, biết anh Hệ đi lại khó khăn, chị bỏ hẳn thú vui đó, ở nhà chăm sóc chồng.

Dù chưa một lần được ngồi sau xe máy chồng chở nhưng chị không bao giờ cảm thấy thiệt thòi. Chị thổ lộ: “Tôi hiểu hoàn cảnh, tâm trạng của anh nên chuyện ứng xử phải luôn tế nhị, khéo léo”. Ở nhà, nếu không có đôi nạng, việc đi lại của anh Hệ rất khó khăn nhưng anh vẫn cố gắng giúp đỡ vợ việc nhà. Chị Phúc khoe: “Anh ấy khéo lắm, quét nhà, giặt ủi ngon ơ. Mỗi khi thấy vợ đi dạy về mệt, anh lại vào bếp giúp vợ”. Nếu trước đây bố mẹ chị Phúc từng phản đối quyết liệt chuyện hôn nhân của anh chị thì giờ ông bà lại yêu quý con rể hết lòng. “Đi đâu cũng một hai con rể hết. Con gái ra rìa rồi”, chị Phúc vui vẻ nói.  

Tôi yêu bằng giác quan thứ 6

Nhớ lại những ngày đầu mới quen anh Hệ, chị Phúc bộc bạch: “Như có giác quan thứ 6, mỗi lần tôi bước vào cổng chợ là lại có cảm giác ai đó đang nhìn mình. Lần nào quay lại cũng thấy anh bán thuốc tây đang nhìn chăm chăm. Từ đó tôi cũng bắt đầu để ý anh. Biết anh bị khuyết tật nhưng vẫn học hành đến nơi đến chốn, lại có công việc ổn định, tôi thầm khâm phục ý chí, nghị lực của anh”.

Tin nổi bật