Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Các tổng công ty 91 "ngày ấy- bây giờ": Tập đoàn Hóa chất Việt Nam "ôm" nhiều dự án yếu kém, nợ khó đòi gần 10.600 tỷ liên quan đến Ngân hàng Trung Quốc

(DS&PL) -

Những dự án đầu tư nghìn tỷ đồng nhưng lại hoạt động kém hiệu quả của Vinachem khiến tập đoàn này rơi vào tình trạng "khó chồng khó".

Được kỳ vọng giữ vai trò nòng cốt trong việc phát triển các ngành trong lĩnh vực hóa chất, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, những dự án đầu tư nghìn tỷ đồng nhưng lại hoạt động bê bết khiến Vinachem rơi vào tình cảnh "khó chồng khó".

Trụ sở của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là doanh nghiệp đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước là chi phối, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, được thành lập theo Quyết định số 2180 TTg ngày 23/12/2009 của Thủ tướng Chính Phủ trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng công ty Hóa chất Việt Nam.

Doanh nghiệp có trụ sở tại số 1A Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội

Ngoài Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, hiện nay Tập đoàn có 05 công ty con do tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ, 23 công ty con do tập đoàn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ khi cổ phần hóa, 13 công ty do tập đoàn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, 01 Viện nghiên cứu và 01 trường cao đẳng trực thuộc.

Nhiều dự án yếu kém "hút" lãi tập đoàn

Trong danh sách 12 dự án, doanh nghiệp hoạt đông kém hiệu quả, thua lỗ của ngành công thương, có tới 4 dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Sau nhiều nỗ lực khôi phục sản xuất, khắc phục những tồn tại, yếu kém, nhưng đến nay, các dự án nghìn tỷ của Tập đoàn vẫn "ngập" trong nợ nần, chưa tìm được hướng xử lý và đang là "gánh nặng" trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinachem, khiến tập đoàn này rơi vào tình trạng "khó chồng khó".

Tại phiên họp lần thứ 9 Ban chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành công thương diễn ra vào đầu tháng 4/2020 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì, Chủ tịch HĐTV Vinachem Nguyễn Phú Cường cho biết, trong 4 dự án yếu kém của Tập đoàn, ngoài DAP-1 Hải Phòng có lãi trong năm 2019, 3 dự án còn lại là DAP-2 Lào Cai, Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình đều lỗ.

Cũng theo ông Cường, 3 dự án làm ăn thua lỗ đã hút toàn bộ nguồn lãi của các doanh nghiệp khác. Tập đoàn đồng tình với phương án của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là bán 3 công ty này, trường hợp bán không thành công thì tiến hành thủ tục phá sản.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, về dự án Nhà máy sản xuất Phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày, nợ ngắn hạn của Công ty TNHH Đạm Ninh Bình là 9.560,1 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn là 1.129,9 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.506,3 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp lỗ tới 780,9 tỷ đồng, lỗ lũy kế đã vượt vốn chủ sở hữu 4.192,6 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Đạm Ninh Bình - đơn vị sở hữu dự án đầu tư Nhà máy sản xuất Phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm, đơn vị có nợ ngắn hạn 9.560 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn 1.129 tỷ đồng; lỗ lũy kế lên đến 6.506 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, công ty lỗ 780 tỷ đồng, lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu 4.192 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cũng trong tình trạng kinh doanh "bết bát" khi tổng nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn tới 4.410 tỷ đồng. Lỗ lũy kế hiện ở mức 3.979 tỷ đồng, lớn hơn nhiều vốn chủ sở hữu 1.209 tỷ đồng.

Kinh doanh "bết bát", lỗ gần 860 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 6 tháng đầu năm năm 2020 vừa công bố, Vinachem ghi nhận 18.128 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp còn lại là 2.219 tỷ đồng, giảm 33%.

Ngoài ra, trong nửa đầu năm 2020, Vinachem cũng ghi nhận 195 tỷ đồng doanh thu tài chính và 70 tỷ đồng lợi nhuận khác.

Mặc dù vậy, những khoản doanh thu trên không đủ để bù đắp được các loại chi phí phát sinh trong kỳ.

Chi phí tài chính của Vinachem lên đến 1.121 tỷ đồng, chi phí lãi vay chiếm 89%. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lần lượt là 1.217 tỷ và 763 tỷ đồng.

Kết quả, Vinachem báo lỗ trước thuế 619 tỷ đồng và lỗ sau thuế 796 tỷ đồng, trong đó, Công ty mẹ lỗ tới 859 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 30/6/2020, tổng tài sản của Vinachem ở mức 52.037 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là tài sản cố định với 25.473 tỷ đồng, hàng tồn kho với 8.886 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn với 6.698 tỷ đồng...

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Vinachem đến hết tháng 6/2020 ở mức 17.089 tỷ đồng. Nợ phải trả ở mức 34.947 tỷ đồng, chiếm 67% tổng tài sản của doanh nghiệp. Trong đó, nợ vay của Vinachem cuối tháng 6 là 14.698 tỷ đồng.

Nợ khó đòi gần 10.600 tỷ liên quan đến Ngân hàng Trung Quốc

Theo báo cáo của Công ty mẹ, tổng các khoản phải thu là 374.405 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2018. Tuy nhiên, nợ khó đòi lên tới 19.817 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2018.

Trong số 19.817 tỷ đồng có tới 10.560 tỷ đồng là khoản nợ phải thu khó đòi tại Công ty mẹ Tập đoàn Hoá chất Việt Nam Vinachem.

Số tiền này là do Vinachem trả nợ khoản vay nước ngoài của Dự án Đạm Ninh Bình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2035/VPCP-KTTH ngày 13/7/2017 về khoản vay China Eximbank của Dự án Đạm Ninh Bình.

Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không thanh toán nợ cho Tập đoàn đúng hạn, hiện Vinachem đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định là 2.233 tỷ đồng.

Số nợ phải thu của Vinachem tại Đạm Ninh Bình đang là con số rất lớn do dự án này đắp chiếu nhiều năm và kém hiệu quả.

Được biết, dự án Nhà máy đạm Ninh Bình (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình làm chủ đầu tư) khởi công tháng 5/2008, đến tháng 9/2012 được bàn giao tạm thời và đưa vào vận hành thương mại.

Tháng 7/2016, nhà máy dừng sản xuất do không đủ vốn lưu động và thua lỗ kéo dài. Đến ngày 19/1/2017, nhà máy tiếp tục vận hành trở lại ở mức 85% công suất và đến ngày 30/1/2017 đã có sản phẩm hợp cách, được tiêu thụ hoàn toàn sau khi sản xuất.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chi phí tài chính lớn, chiếm trên 30% giá thành sản phẩm, không cân đối được nguồn tiền để trả các khoản nợ đến hạn; chưa giải quyết được các tranh chấp hợp đồng tổng thầu (EPC), chưa quyết toán được dự án.

Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình đang phải gánh khoản nợ tới 13.184 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến 31/12/2019 lên tới 5.706 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 3.392 tỷ đồng.

Bạch Hiền

Tin nổi bật