Sky News cho biết trước căng thẳng leo thang tại khu vực biên giới, các nước Anh và Mỹ đã cùng với Nhật Bản, Latvia, Na Uy, Hà Lan, Australia và New Zealand đưa ra cảnh báo cho những công dân vẫn đang ở Ukraine.
Trong đó, nghị sĩ Anh James Heappey cho biết: "Công dân Anh nên rời Ukraine ngay lập tức bằng mọi cách có thể và họ không nên mong đợi, như họ đã thấy trong mùa hè với Afghanistan, bất kỳ cuộc di tản quân sự quân sự nào".
Ông thông tin rằng quân đội Anh ở Ukraine để huấn luyện lực lượng địa phương sẽ rời đi vào cuối tuần này. Ông khẳng định: "Tất cả binh sĩ sẽ được rút đi. Sẽ không có quân đội Anh ở Ukraine nếu có xung đột xảy ra ở đó".
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan thì khuyến cáo công dân nên rời đi trong vòng 48 giờ và nói thêm rằng Mỹ sẽ không tiến hành các cuộc di tản quân sự.
Các binh sĩ Ukraine trong cuộc tập trận gần Kharkiv, Ukraine, vào ngày 10/2/2022. Ảnh: AP
Khi Nga tiếp tục đưa thêm binh sĩ tới biên giới Ukraine, ông nói thêm: "Nếu Nga thực hiện cuộc tấn công mới nhằm vào Ukraine, họ có khả năng bắt đầu bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa và ném bom trên không, rõ ràng hành động này có thể giết chết những công dân không mang quốc tịch Nga".
Mỹ đã đình chỉ các dịch vụ lãnh sự tại Kyiv và ra lệnh cho hầu hết các nhân viên rời đi. Theo đó, sự hiện diện của Mỹ tại đại sứ quán sẽ bị hạn chế.
Trên trang Twitter, Bộ Ngoại giao Đức cũng phát thông báo tới công dân ở Ukraine, khuyến khích họ xem xét rời khỏi đất nước này. Các nước châu Âu khác bao gồm Bỉ, Hà Lan, Thuỵ Điển cũng đã khuyến cao công dân rời đi do ""tình hình an ninh đang thay đổi".
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã mô tả tình hình hiện tại là "rất nguy hiểm" và yêu cầu người dân Australia chuyển ra ngoài vì sự an toàn của chính họ.
Bên cạnh việc yêu cầu công dân của mình chuyển ra ngoài, giới chức Kuwait, Jordan và Saudi Arabia đã kêu gọi những người đã lên lịch hoặc dự định đến thăm Ukraine nên tạm hoãn kế hoạch của họ.
Trong khi đó, một quan chức Nga nói rằng số lượng nhân viên đã được "tối ưu hóa" tại đại sứ quán của chính họ.
Nhiều nhà phân tích tin rằng cuộc tấn công khó có thể xảy ra, ít nhất cho đến khi Thế vận hội Mùa đông kết thúc tại Trung Quốc vào ngày 20/2. Nhưng theo hãng tin AP, Washington đã thu thập được thông tin tình báo cho thấy Moscow đang cân nhắc ngày 16/2 sắp tới là ngày "mục tiêu".
Thời gian qua, Nga mong muốn có được sự đảm bảo từ phương Tây về một vài vấn đề an ninh, bao gồm lời hứa không triển khai tên lửa gần biên giới nước nàym không cho phép Ukraine gia nhập NATO và thu nhỏ cơ sở hạ tầng quân sự của liên minh. Tuy phương Tây mô tả các yêu cầu chính của Điện Kremlin là "không thể bắt đầu" nhưng họ đã sẵn sàng thảo luận về việc kiểm soát vũ khí và các bước xây dựng lòng tin khác.
Nhà Trắng đã xác nhận rằng Joe Biden và Vladimir Putin sẽ thảo luận qua điện thoại vào cuối ngày 12/2 và cuộc điện đàm diễn ra khi Washington chuẩn bị gửi thêm 3.000 quân đến Ba Lan trong những ngày tới.
Minh Hạnh (Theo Sky News, Hindus Times)