Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Các chuyên gia nói gì về tâm lý của tội phạm cưỡng hiếp:Tính nam độc hại hay tâm lý ghét phụ nữ?

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tấn công tình dục luôn gây tổn thương và ảnh hưởng tới danh dự của nạn nhân, tuy nhiên động cơ phía sau hành động đó lại khác nhau.

Theo DW, không ai có thể phủ nhận rằng việc bị cưỡng hiếp là một trong những trải nghiệm đau đớn và khủng khiếp nhất mà một người phải chịu, hầu như luôn khiến nạn nhân có cảm giác chán ghét bản thân, tự cảm thấy có lỗi và giận dữ, thậm chí có thể dẫn đến chứng rối loạn sau chấn thương (PTSD).

Vậy những kẻ cưỡng hiếp thì sao? Lý do nào khiến họ có hành động đồi bại như vậy? Đây là một câu hỏi hóc búa với nhiều câu trả lời khác nhau vì không chỉ có một yếu tố thúc đẩy người đàn ông trở thành kẻ cưỡng hiếp.

Một kẻ tấn công tình dục có thể là bất cứ loại người nào. Nhận định này không có nghĩa là mọi người luôn phải sợ hãi đề phòng tất cả những người xung quanh, mà muốn nói rằng không có một kiểu người cụ thể nào mới thực hiện hành vi phạm tội này.

Đây là điều mà Tiến sĩ Samuel D. Smithyman – nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ, rút ra sau khi phỏng vấn 50 người đàn ông thú nhận từng cưỡng hiếp người khác. Những người đàn ông này khác nhau từ hoàn cảnh xuất thân, địa vị xã hội cho đến nhân cách và tâm tính. Điều khiến Tiến sĩ Samuel ngạc nhiên là họ nói chuyện rất vô tư về hành vi phạm tội của mình.

Động cơ đằng sau hành vi cưỡng hiếp rất khác nhau và khó định lượng được. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy những kẻ cưỡng hiếp có một số đặc điểm chung: Thiếu sự đồng cảm, yêu bản thân thái quá và có cảm giác thù địch đối với phụ nữ.

Tính nam độc hại

Chia sẻ với DW, Sherry Hamby – Giáo sư nghiên cứu tâm lý học tại một trường đại học ở Mỹ, cho hay “tấn công tình dục không nhằm thỏa mãn tình dục hay ham thích tình dục mà là vấn đề lấn át, chi phối người khác”. Bà Hamby đã lý giải cách tính nam độc hại thúc đẩy văn hóa cưỡng hiếp.

“Rất nhiều kẻ cưỡng hiếp hay thực hiện các dạng tấn công tình dục khác là đàn ông trẻ tuổi. Trong nhiều trường hợp, cách duy nhất để có địa vị xã hội giữa những người đàn ông là có thật nhiều kinh nghiệm sinh hoạt tình dục. Việc không có khả năng chủ động thực hiện hành vi tình dục thường bị bêu xấu”, bà Hamby nói.

Bà tin rằng những kiểu áp lực như vậy do chính những người đàn ông tạo ra cho nhau dễ dẫn đến việc phạm tội liên quan tới tình dục. Nguyên nhân là vì “nhiều người vô cùng sợ hãi việc bị những người đàn ông khác phát hiện là không có kinh nghiệm về mặt này”.

Nói cách khác, có những yếu tố ảnh hưởng đặc biệt từ một số văn hóa, thậm chí do phương tiện truyền thông, tác động đến những người đàn ông, khiến họ cảm thấy nên khẳng định sự thống trị đối với phụ nữ như một hình thức thể hiện nam tính giả và bêu xấu những người không có nhiều cuộc gặp gỡ phát sinh quan hệ.

Cưỡng hiếp là một ham muốn tình dục hay hành vi tội ác?

Trước tiên, cần xác định rằng cưỡng hiếp không phải là một rối loạn về hành vi hay tâm thần mà là một tội hình sự, theo DW. Tuy một số kẻ cưỡng hiếp có thể bị rối loạn tâm lý nhưng không có rối loạn tâm lý đặc biệt nào thúc đẩy con người cưỡng hiếp người khác.

Các nghiên cứu cho thấy những kẻ cưỡng hiếp có một số đặc điểm chung gồm thiếu sự đồng cảm, yêu bản thân thái quá và có cảm giác thù địch đối với phụ nữ. Ảnh minh họa

Trái với quan điểm của Giáo sư Hamby, nhà sinh vật học tiến hóa Randy Thornhill và nhà nhân chủng học tiến hóa Craig Palmer cho rằng đông cơ cơ bản đằng sau hành vi cưỡng hiếp chính là tình dục. Hiếp dâm là sự thích nghi – một kết quả của “chọn lọc Darwin” và có quan điểm cho rằng sự thích nghi này đã tiến hóa để tăng khả năng sinh sản thành công của nam giới.

Họ chỉ ra hầu hết các nạn nhân đều là nữ giới trong độ tuổi sinh đẻ để cung cố cho giả thuyết của họ rằng cưỡng hiếp xuất phát từ ham muốn sinh sản. Tuy nhiên, cuốn sách "A Natural History of Rape: Biological Bases of Sexual Coercion” (tạm dịch: Lịch sử tự nhiên của cưỡng hiếp: Các cơ sở sinh học của cưỡng ép tình dục) của Randy Thornhill và Craig Palmer đã bị chỉ trích gay gắt. Dẫn chứng được các tác giả trích dẫn bị cho là sai lệch, phiến diện.

Trên thực tế, hầu hết các nhà khoa học xã hội, nhà tâm lý học và nhà hoạt động nữ quyền đều cho rằng cưỡng hiếp gần như chỉ liên quan đến các vấn đề quyền lực và bạo lực. Theo họ, cưỡng bức không phải vì dục vọng mà được thúc đẩy bởi ham muốn kiểm soát và thống trị, cũng có thể là sự thù địch đối với phụ nữ.

Sự thù ghét phụ nữ

Những kẻ cưỡng hiếp thường có những niềm tin sai lầm, hay còn gọi là hoang tưởng cưỡng hiếp. Ví dụ, một kẻ cưỡng hiếp có thể tin rằng nếu người phụ nữ nói không thì điều cô ấy thực sự muốn nói là có, chỉ là cô ấy đang đùa giỡn hoặc thách thức anh ta nên mới nói không.

Bà Antonia Abbey - nhà tâm lý học xã hội ở một trường đại học tại Mỹ, từng viết về trường hợp một kẻ tấn công nhiều lần một phụ nữ tin rằng người phụ nữ đó “chỉ khó thu phục mà thôi”. Một kẻ khác lại cho rằng “hầu hết phụ nữ đều nói không lúc đầu và người đàn ông cần kiên nhẫn để xác định xem cô ấy có thực sự muốn nói như vậy hay không”.

Theo Giáo sư Hamby, ở một số nền văn hóa, chế độ phụ quyền và sự thống trị được thể hiện thông qua một dạng hành động “vô nhân tính”, trong đó phụ nữ bị coi là thấp kém hơn đàn ông. Điều này khiến họ dễ trở thành mục tiêu tấn công.  Đối với những người đàn ông ở những nơi này, “một phần của quá trình giáo dục văn hóa hướng đến mục đích khiến họ mất liên hệ với cảm xúc của chính mình”.

Họ không biết phải xử lý cảm xúc của mình ra sao, tệ hơn nữa là không nhận thức được cảm xúc của người khác, hoặc đơn giản là không quan tâm người khác cảm thấy thế nào. Mối liên hệ giữa yêu bản thân thái quá và cưỡng hiếp dường như đặc biệt mạnh mẽ trong những trường hợp phạm tội nhiều lần. Một trong những đặc điểm chính của những kẻ cưỡng hiếp và tự yêu bản thân là xu hướng làm mất nhân phẩm của người khác.

Kẻ cưỡng hiếp có những loại nào?

Kẻ cưỡng hiếp cơ hội là những người chớp lấy bất cứ cơ hội nào để thỏa mãn tình dục, chẳng hạn như nạn nhân mất kiểm soát, không thể làm chủ bản thân do ảnh hưởng của rượu. Một loại khác là ác dâm với động cơ hạ thấp và làm nhục nạn nhân.

Kẻ cưỡng hiếp với mục đích trả thù luôn giận dữ và hung hăng với phụ nữ, tin rằng bản thân được phép tấn công tình dục phụ nữ vì cảm thấy trước đây mình đã bị phụ nữ làm tổn thương, từ chối hoặc đối xử không tốt.

Những kẻ cưỡng hiếp thường phủ nhận chuyện từng thực hiện hành vi đồi bại và cố gắng biện minh cho hành động của mình. Ngay cả những người đàn ông thừa nhận mình có hành vi này cũng thường cố bào chữa cho việc mình đã làm.

DW nhận định tấn công tình dục là một hành vi phạm tội không thể bào chữa và là một tội hình sự. Không may, rất nhiều nạn nhân chọn cách giữ im lặng để tránh bị xã hội kỳ thị và đổ lỗi, trong khi những kẻ cưỡng hiếp tiếp tục nhắm tới nạn nhân khác.

* Bài viết đề cập đến vấn đề đàn ông cưỡng hiếp phụ nữ trưởng thành, không nói đến trẻ em và không nói đến bất cứ hình thức lạm dụng tình dục nào khác.

Đinh Kim (Theo DW)

Tin nổi bật