Báo Công thương dẫn thông tin từ Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 93.814 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 26 trường hợp tử vong.
So với cùng kỳ năm 2022 (228.490/117) số mắc giảm 58,9%, tử vong giảm 91 trường hợp, tuy nhiên đặc thù các bệnh nhân sốt xuất huyết nặng năm nay có diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp trẻ nhưng diễn biến nặng khi mắc.
Hà Nội là một trong những địa phương có số ca mắc cao và vẫn tiếp diễn phức tạp.
Theo VietNamPlus, theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố gia tăng nhanh trong 4 tuần gần đây.
Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có gần 16.000 người mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), 3 người tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 557/579 xã, phường, thị trấn.
Phun hóa chất diệt muỗi nhằm phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN.
Các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội có nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay gồm: Hoàng Mai (1.141 ca), Phú Xuyên (951 ca), Thanh Trì (928 ca), Thạch Thất (924 ca), Hà Đông (904 ca), Đống Đa (852 ca), Cầu Giấy (846 ca), Nam Từ Liêm (754 ca), Đan Phượng (744 ca), Thanh Oai (723 ca).
Đánh giá của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy Hà Nội ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất là xu thế chung về dịch tễ của cả khu vực, vì thông thường Hà Nội cũng như các tỉnh của khu vực miền Bắc thường ghi nhận ca mắc bắt đầu tăng từ tháng 7, 8 và đạt đỉnh vào tháng 9, 10. Ngoài ra năm nay còn có các yếu tố về thời tiết nắng nóng, mưa nhiều rất thuận lợi cho đàn muỗi véc tơ phát triển với mật độ cao, làm phát tán virus Dengue ở cộng đồng mạnh hơn.
Ngoài ra, Hà Nội có những đặc thù làm cho sốt xuất huyết có yếu tố tăng nhanh hơn so với các tỉnh khác thuộc khu vực miền Bắc, đó là giao thương đi lại nhiều, mật độ dân cư đông đúc làm cho muỗi dễ phát tán virus Dengue hơn. Nếu như có muỗi nhiễm virus thì sẽ có điều kiện lây lan mạnh hơn các khu vực khác.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, theo thống kê, từ tháng 9, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng lên đáng kể. Hiện tại, cơ sở y tế này đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhiều khoa. Các bệnh nhân được chuyển đến từ nhiều tỉnh thành miền Bắc, trong đó phần lớn là Hà Nội.
Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện có xu hướng tăng nhanh trong những ngày qua. Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 4-5 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo sốc sốt xuất huyết với biểu hiện: Đau bụng, đau tức vùng gan, chảy máu niêm mạc, tiểu cầu thấp, máu cô đặc.
Sức khỏe & Đời sống dẫn lời lưu ý của bác sĩ Cấp: "Những trường hợp này cần phải được phát hiện và điều trị tích cực bởi chỉ sau 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể bị sốc sốt xuất huyết, khi đó người bệnh sẽ diễn biến nguy kịch rất nhanh, thậm chí tử vong. Do đó, các cơ sở y tế và người bệnh phải chú ý để đến bệnh viện hoặc điều trị đúng, kịp thời".
Bệnh nhi được bác sĩ thăm khám điều trị sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN.
Có khoảng 5% bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện này có tình trạng nặng. Theo BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, đặc thù các bệnh nhân sốt xuất huyết nặng năm nay có diễn biến phức tạp vì có nhiều bệnh cảnh khác nhau, bao gồm: Xuất huyết do thoát dịch, sốc do giảm tiểu cầu và chảy máu... Đáng chú ý, trong số các bệnh nhân sốt xuất huyết phải thở máy tại Khoa Hồi sức tích cực đa phần đều là bệnh nhân trẻ nhưng diễn biến rất nặng nề.
Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm 2023 chủ yếu là D1, D2 và không có sự khác biệt với các tuýp virus lưu hành những năm gần đây.
Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết thời gian tới, Cục Y tế dự phòng cho hay, theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền.
Dự báo thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.
Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: - Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. - Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. - Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... - Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. - Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. - Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. |
Thùy Dung (T/h)