(ĐSPL) - Lô bột ngọt bị tạm giữ có nhãn hiệu Ajino Takara, có gắn dấu hiệu 3 chữ tượng hình “tương tự” với 3 chữ tượng hình trên bao bì sản phẩm của bột ngọt Ajinomoto.
Thông tin trên báo Chất lượng Việt Nam, chiều ngày 10/11, ông Nguyễn Nho Hậu – Chi Cục phó Chi Cục quản lý thị trường TP Đà Nẵng vừa cho biết, UBND TP Đà Nẵng vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Hà Trung Hậu (trụ sở ở TP.HCM, Chi nhánh tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) do đã có những dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu bột ngọt của Ajinomoto.
Theo đó, Công ty Hà Trung Hậu sẽ bị xử phạt 500 triệu đồng, hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo Nghị định 99/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Đồng thời, Công ty Hà Trung Hậu còn bị yêu cầu khắc phục hậu quả của vụ việc bằng cách: Loại bỏ yếu tố vi phạm, tiêu hủy yếu tố vi phạm theo đúng Nghị định trên.
Theo ông Hậu cho biết, hiện quyết định xử phạt này mới được đưa ra, vẫn còn trong thời hạn nộp phạt mà Hà Trung Hậu phải thực hiện, nên các cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái gì tiếp theo.
Trước đó, vào ngày 24/6, Đội Quản lý thị trường số 8 của TP Đà Nẵng đã phát hiện, tạm giữ hơn 20.000 gói bột ngọt, cùng với nhiều tang vật khác, có tổng giá trị đến hơn 700 triệu đồng của chi nhánh Đà Nẵng thuộc Công ty Hà Trung Hậu.
Lô hàng bột ngọt bị tạm giữ này có nhãn hiệu Ajino Takara, có gắn dấu hiệu 3 chữ tượng hình “tương tự” với 3 chữ tượng hình trên bao bì sản phẩm của bột ngọt Ajinomoto.
Ngày 21/7, Đội Quản lý thị trường số 8 này tiếp tục có văn bản đề xuất với Chi Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng tiếp tục ban hành văn bản gia hạn thời gian tạm giữ tang vật niêm phong lại toàn bộ lô hàng hóa này, vì nó được xác định có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Kết luận giám định sở hữu công nghiệp ngày 28/7 của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ cho thấy, dấu hiệu “chữ tượng hình” gắn trên sản phẩm bột ngọt của Công ty Hà Trung Hậu có yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “ba chữ tượng hình” đã được bảo hộ, theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Ajinomoto.
Yếu tố xâm phạm này thể hiện cả 3 điều kiện mà Luật Sở hữu trí tuệ đã đưa ra.
Ajino Takara (trái), sản phẩm bị xác định là có dấu hiệu xâm phạm quyền nhãn hiệu của Ajinomoto (Ảnh: Báo Chất lượng Việt Nam). |
Thời gian vừa qua, cũng xảy ra một loạt các vụ làm giả bột ngọt Ajinomoto từ nguyên liệu Trung Quốc.
Gần đây nhất là ngày 20/6/2015, Công an thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) cho biết, đã bắt giữ Nguyễn Tất Hùng (39 tuổi, trú tổ 5, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) và Nguyễn Tất Hay (65 tuổi, cha ruột của Hùng, cùng trú địa chỉ trên), về hành vi sản xuất hàng nhái, hàng giả.
Qua kiểm tra, Công an thị xã Hương Thủy bắt quả tang đối tượng Hay đang vận chuyển gần 50kg bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto và bột nêm Knorr vào TP Huế tiêu thụ. Tiến hành khám xét nhà riêng, cơ quan Công an phát hiện Hùng đang làm giả bột ngọt Ajinomoto và bột nêm Knorr; thu giữ 1 máy dán ép bao bì, 3 cái cân, 35kg bao bì giả các loại nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto, Knorr và một ôtô dùng vận chuyển hàng giả đi tiêu thụ.
Hùng thừa nhận, từ tháng 2/2015 đến nay, đã nhập nguyên liệu bột ngọt Trung Quốc giá rẻ để sản xuất được 1,7 tấn hàng giả nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto và bột nêm Knorr bán ra thị trường.
Hàng giả, hàng nhái và nguy cơ đe dọa đến sức khỏe
Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, theo ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, có tới hơn 30 mặt hàng thường xuyên bị làm giả, làm nhái, chủ yếu là các sản phẩm tiêu dùng như: mỹ phẩm, hàng dệt may, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, rượu bia, nước giải khát... Đó là những sản phẩm mà người tiêu dùng phải sử dụng hàng ngày. Bởi vậy, những nguy cơ ảnh hưởng đến lợi ích, sức khỏe của người tiêu dùng là rất lớn. Đặc biệt, vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng biến tướng với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, đang trở thành nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Nếu như trước đây, một sản phẩm bị làm giả thường phải mất 6 -7 tháng mới ra đến thị trường thì nay thời gian làm giả chỉ mất khoảng 1 tháng, thậm chí chỉ 1 - 2 tuần. Đó có lẽ cũng là lý do khiến thị trường vẫn đang tràn lan hàng giả, hàng nhái. Dường như cơ quan quản lý vừa dập tắt được điểm này, hàng giả, hàng nhái lại có thể “ngoi” lên ở địa điểm khác.
Nguyên nhân của thực trạng hàng giả tràn lan được các nhà quản lý cho rằng do lợi nhuận thu được từ hàng giả, hàng nhái quá lớn, trong khi chế tài xử lý những vi phạm còn nhẹ nên tình trạng vi phạm sản xuất, vận chuyển hàng giả ngày càng gia tăng và chưa được kiểm soát. Bên cạnh đó, việc thiếu quyết liệt trong xử lý các vi phạm từ phía cơ quan chức năng phát hiện vụ việc và sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của một số ngành, chính quyền địa phương khiến hàng giả vẫn được bán tràn lan.
Ngoài ra, các doanh nghiệp dường như chưa chú trọng hỗ trợ các lực lượng chức năng và người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả cũng như góp phần tố giác hàng gian, hàng giả với cơ quan chức năng. Theo ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều doanh nghiệp thậm chí còn e ngại trong việc tố cáo thực trạng hàng giả, hàng nhái khi phát hiện sản phẩm của mình bị vi phạm... Việc thiếu hợp tác của doanh nghiệp cũng là một phần nguyên nhân khiến cho nạn hàng giả, hàng nhái không được dập tắt triệt để. Sự phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp trong việc phát hiện và tố giác tội phạm hàng giả là rất quan trọng, bởi chỉ có doanh nghiệp mới nắm rõ nhất sản phẩm của mình có bị làm giả hay không.
Mặc dù lực lượng chức năng đã có những nỗ lực vào cuộc, tăng cường kiểm tra kiểm soát, tuy nhiên vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn có đất sống và đi kèm theo đó là những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Ngọc Anh (Tổng hợp)