Sự kiện Catalonia đòi độc lập khỏi Tây Ban Nha một lần nữa cho thấy “bóng ma” ly khai vẫn hiện hữu trong lòng châu Âu trong năm 2017, đe dọa mục tiêu nhất thể hóa của châu Âu.
Trong tiến trình phát triển, các nước châu Âu đã coi một liên minh ngày càng gắn kết là cách thức để giải quyết các xung đột, đồng thời nỗ lực để tạo dựng nền tảng cho sự hội nhập và nhất thể hóa. Tuy nhiên, việc Catalonia đòi độc lập khỏi Tây Ban Nha một lần nữa cho thấy “bóng ma” ly khai vẫn hiện hữu trong lòng châu Âu trong năm 2017.
Một nhóm người ủng hộ việc Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha tại đường phố Barcelona - Ảnh: Reuters. |
Vấn đề đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha của khu vực Catalonia không phải bây giờ mới diễn ra mà thực chất đã xuất hiện từ lâu, khi âm ỉ, lúc bùng phát, thể hiện mong muốn của của người dân khu vực này. Ngày 1/10 vừa qua, người dân khu vực Catalonia đã tham gia vào cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về nền độc lập của xứ Catalonia. Theo đó, kết quả cho thấy có đến 90% số người đi bỏ phiếu chọn ly khai khỏi Tây Ban Nha.
Trước đó, một người trưng cầu dân ý tương tự đòi độc lập cho Catalonia cũng đã diễn ra vào ngày 9/11/2014. Tuy nhiên, kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý này đã không được Chính quyền Tây Ban Nha công nhận và cho là “vi hiến” và “không có giá trị”.
Những nhức nhối, âm ỉ gần đây tại vùng đất giàu có và thịnh vượng này đang nhanh chóng trở thành tâm điểm dư luận châu Âu trong năm 2017. Yếu tố kinh tế được cho là nguyên nhân chủ yếu, cơ bản cho quyết định ly khai của Catalonia khi mà hàng năm khu vực này phải đóng góp cho ngân sách quốc gia số tiền lớn hơn những gì họ được nhận lại. Ngoài ra, sự khác biệt về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ của Catalonia với các khu vực khác tại Tây Ban Nha cũng là lý do mà người dân vùng này muốn tách khỏi Tây Ban Nha.
Sau cuộc trưng cầu dân ý đầy sóng gió, vùng Catalonia và đất nước Tây Ban Nha đang đứng trước tương lai bất định với những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của khu vực này nói riêng và của Tây Ban Nha nói chung. Trước những diễn biến căng thẳng sau sự kiện trưng cầu dân ý tại Catalonia, lãnh đạo nhiều nước, các tổ chức quốc tế trên thế giới đã lên tiếng không công nhận độc lập của Catalonia. Nhiều tuyên bố đoàn kết cũng được đưa ra và ủng hộ hoàn toàn Tây Ban Nha. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, cuộc bỏ phiếu ở Catalonia không làm thay đổi gì và châu Âu chỉ giao thiệp với Chính quyền trung ương Tây Ban Nha.
Theo Tạp chí Foreign Affairs, để tránh làm trầm trọng thêm cuộc xung đột hiện nay, ngăn chặn sự lan rộng của “bóng ma” ly khai ở Tây Ban Nha, giải pháp lâu dài được gợi ý cho Chính quyền Tây Ban Nha là ngay lập tức tiến hành sửa đổi Hiến pháp. Việc vừa công nhận quyền tự quyết cho Catalonia, vừa đảm bảo nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ sẽ góp phần tạo cơ sở để những người theo chủ nghĩa ly khai ở vùng Catalonia và những người theo chủ nghĩa thống nhất Tây Ban Nha đoàn kết, chung sống hòa bình.
Những người ủng hộ Catalonia độc lập hôm 11/11 đã tập trung tại Barcelona để biểu tình đòi thả những lãnh đạo ly khai đang bị giam giữ. - Ảnh: Reuters. |
Những căng thẳng giữa Chính quyền Catalonia và Chính quyền Tây Ban Nha rõ ràng đang phản ánh những mâu thuẫn sôi sục chính trong lòng châu Âu, đặc biệt là giữa lý tưởng về thế giới đại đồng và mong muốn tự trị nhiều hơn nữa của các khu vực. Cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia càng khoét sâu rạn nứt trong kế hoạch hội nhập sâu rộng hơn của châu Âu, dẫn tới các tranh cãi về bảo vệ bản sắc và sự đoàn kết trên toàn khu vực. Cựu Thủ tướng Italia Enrico Letta đã đưa ra cảnh báo, cuộc khủng hoảng ở Catalonia có thể nhanh chóng phát tán “vi rút bất ổn” như một dịch bệnh, đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực châu Âu.
Châu Âu từ trước đến nay vẫn luôn xem viêc ly khai là bất hợp pháp, trừ khi khu vực có nguyện vọng ly khai nhận được sự chấp thuận của quốc gia mà họ là một phần lãnh thổ trực thuộc. Châu Âu quan ngại, một khi Catalonia độc lập, thì chế độ của tất cả thành viên bị rối loạn và nghiêm trọng.
Sự ly khai của người Catalonia cũng sẽ tạo ra hiệu ứng “domino” khi mà ngoài Catalonia, một số khu vực khác ở các nước châu Âu đã lên tiếng đòi độc lập như Đảo Corse ở Pháp, Scotland mong muốn tách khỏi Anh, vùng Bavaria ở Đức, quần đảo Faroe ở Đan Mạch, đảo Sardinia ở Italia… Đấy cũng là lý do giải thích cho việc đa số thành viên EU phản đối Catalonia độc lập và tuyên bố ủng hộ chính quyền Tây Ban Nha.
KÔNG ANH