Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ trưởng Tư pháp: "Không chấp nhận bản photocopy của dân là sai"

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Trong chương trình Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời tối 13/7, Bộ trưởng Tư pháp đã trao đổi thẳng thắn về tình trạng lạm dụng chứng thực trong thủ tục hành chính.

(ĐSPL) – Trong chương trình Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời tối 13/7 trên VTV1, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã trao đổi thẳng thắn về tình trạng lạm dụng chứng thực trong thủ tục hành chính.

Lạm dụng bản sao có chứng thực trong thực hiện thủ tục hành chính đang là một thực trạng gây bức xúc đối với người dân, gây tốn kém và lãng phí cho xã hội, được dư luận phản ánh nhiều trong thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời phát sóng trên VTV1 tối 13/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời nhiều nội dung liên quan đến vấn đề này.

Thưa Bộ trưởng, tôi thấy đa số các thông báo tuyển sinh, tuyển dụng đều yêu cầu các giấy tờ có trong thành phần hồ sơ phải là bản sao có chứng thực. Thậm chí có một số trường hợp, mặc dù người dân đã nộp bản sao có chứng thực tới rồi nhưng vẫn bị yêu cầu xuất trình kèm bản chính để đối chiếu. Xin Bộ trưởng cho biết trường hợp như vậy là đúng hay sai? Nếu sai, chúng ta xử lý thế nào?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Việc thông báo tuyển sinh, tuyển dụng mà chỉ có yêu cầu người dân nộp bản sao có chứng thực là chưa đầy đủ và chưa phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể là Nghị định số 70 năm 2007 của Chính phủ.

Theo quy định của Nghị định này, khi thực hiện yêu cầu thủ tục hành chính, người dân có quyền lựa chọn: nộp bản sao giấy tờ đã có chứng thực hoặc người dân mang bản chính đến và mang bản chụp photocopy bản cần sao để cho người tiếp nhận hồ sơ họ phải chịu trách nhiệm tự đối chiếu và tự trách nhiệm chứng thực bản sao đó y như bản chính. Chính vì Nghị định chưa được quán triệt thực hiện tốt nên dẫn đến tình trạng lạm dụng bản sao có chứng thực. Theo thống kê, hàng năm, có khoảng 100 triệu bản sao như vậy được thực hiện trên toàn quốc. Như vậy, gây tốn kém cho người dân, lãng phí cho xã hội.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời về tình trạng lạm dụng chứng thực trong thủ tục hành chính.

Với những trường hợp thậm chí đã có bản sao có chứng thực nộp trong hồ sơ rồi nhưng vẫn bị yêu cầu phải đưa bản chính tới để đối chiếu. Trường hợp như vậy có đúng hay không?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Trường hợp này sai theo quy định của Chính phủ vì bản sao đã có chứng thực rồi sẽ được xem như bản chính, có giá trị sử dụng như bản chính.

Tuy nhiên, tình trạng tùy tiện trong việc chứng thực các bản sao vẫn còn và tình trạng giấy tờ giả trong xã hội cũng không ít nên người tiếp nhận hồ sơ để giải quyết thủ tục hành chính muốn chắc chắn để khỏi phải chịu trách nhiệm sau này.

Ngày 20/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 17, yêu cầu phải chấn chỉnh hiện tượng lạm dụng bản sao này trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, yêu cầu đến 31/3/2015 hoàn tất việc chấn chỉnh.

Một số trường hợp hiện nay theo phản ánh của người dân, tại một số UBND cấp xã, khi thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản cho dân thì người tiếp nhận hồ sơ không chấp nhận bản photocopy từ bản chính do người dân đã mang đến mà thường yêu cầu phải photocopy tại trụ sở UBND và thu tiền photocopy. Xin hỏi Bộ trưởng điều này đúng hay sai?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Về nguyên tắc, việc không chấp nhận bản photocopy mà người dân mang tới, yêu cầu phải photocopy tại cơ quan đó là sai.

Tuy nhiên, tôi xin chia sẻ, có những tài liệu photocopy rất nhiều trang giấy, phức tạp nên chỉ cần sai một câu chữ, số liệu nào đó cũng có thể dẫn đến trách nhiệm. Vì vậy dẫn đến tình trạng cán bộ sẽ không chấp nhận bản photocopy của người dân. Họ tin máy photo của cơ quan hơn và bảo đảm đúng với bản chứng thực. Trong trường hợp cần photocopy, tôi khuyên người dân nên mang bản chính đến và yêu cầu ủy ban xã, phòng tư pháp đó photocopy cho. Như vậy, vừa thuận tiện cho người dân vừa thuận tiện và đảm bảo sự an toàn cho công tác chứng thực của nhà nước.

Cháu đến UBND xã yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính bằng tốt nghiệp Đại học cùng với giấy khai sinh nhưng chỉ được chứng thực bản sao giấy khai sinh, sau đó hướng dẫn cháu đến phòng tư pháp để chứng thực bản sao bằng tốt nghiệp đại học...Cháu thật sự không hiểu vì sao lại có sự phân biệt thẩm quyền như vậy?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Theo suy đoán của tôi, giấy khai sinh của cháu là do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp bằng tiếng Việt nên UBND xã có thẩm quyền chứng thực. Rắc rối ở đây chính là bằng tốt nghiệp đại học của cháu do trường đại học của Việt Nam cấp, bên cạnh đó lại ghi thêm bằng tiếng Anh, Pháp,… Do pháp luật hiện hành về chứng thực chưa quy định rõ thế nào là văn bản song ngữ nên các UBND cấp xã rất ngại khi chứng thực bản sao như vậy.

Trước tình hình như vậy, Bộ Tư pháp cũng có hướng dẫn chung cho các tỉnh phải nhận diện thế nào là bản sao song ngữ. Trước hết, giấy tờ, văn bản song ngữ phải là giấy tờ, văn bản được thể hiện đầy đủ bằng hai ngôn ngữ tất cả các thông tin trong đó. Thứ hai là phải do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài liên kết với Việt Nam cấp. Hiện nay, chúng tôi đang có đề nghị Chính phủ đưa các hướng dẫn đó vào Nghị định mới của Chính phủ.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin nổi bật