Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan: Doanh nghiệp dấn thân, nông dân thay đổi

  • Hoàng Yên
(DS&PL) -

Từ một ngành được đánh giá là nhạy cảm, dễ bị tổn thương bởi tác động từ yếu tố thị trường, nông nghiệp đã trở mình mạnh mẽ, vươn lên với vai trò trụ đỡ nền kinh tế. Trong cuộc trao đổi với Đời sống và Pháp luật nhân dịp xuân mới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, năm 2022 ngành nông nghiệp đã có nhiều đóng góp hữu hình và vô hình trong sự phát triển chung của đất nước…

Làm sâu sắc vai trò “trụ đỡ nền kinh tế”

Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL): Năm 2022, vượt qua rất nhiều biến động của thị trường, của sự biến động địa chính trị thế giới, ngành nông nghiệp Việt Nam, cụ thể xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đã cán đích ngoạn mục. Xin Bộ trưởng cho biết đánh giá của mình về kết quả này?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Kết lại năm 2022, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đối mặt với rất nhiều khó khăn như dịch bệnh, đứt gãy cung cầu, chi phí logistic, chi phí nhiên liệu đầu vào tăng cao. Kết quả cho đến thời điểm hiện tại (đầu tháng 12/2022 - PV) mặc dù chưa đạt được như kỳ vọng nhưng đây là một thành quả rất đáng tự hào.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan

Với những gì đã gặt hái, ngành nông nghiệp đã nhận được sự đánh giá rất cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và xã hội. Hay nói cách khác, làm sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp. Nông nghiệp vừa đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, vừa đóng góp cho an sinh xã hội, những điều không thể thể hiện hết qua những con số.

Trước hết, vấn đề an ninh lương thực ở Việt Nam được đảm bảo trong bối cảnh nhiều quốc gia đang gặp phải khủng hoảng, thậm chí một số chuỗi ngành hàng sản xuất nông nghiệp bị đứt gãy.

Thứ hai, tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội, suy nghĩ của nông dân, doanh nghiệp. Bắt đầu đã có nhiều nghiên cứu nhằm thay đổi tư duy, tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế của kinh tế nông nghiệp. Để thấy, không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp lấy tiêu chí sản lượng làm mục tiêu phấn đấu.

Ngoài ra, vai trò kiến tạo không gian, thị trường trong năm 2022 thể hiện rõ ràng hơn khi nông sản Việt được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều quốc gia để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu. Quan trọng hơn là chứng minh được chất lượng nông sản nước ta có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất.

Sản xuất nông nghiệp chất lượng cao

ĐS&PL: Bộ trưởng vừa nhắc đến việc nông nghiệp Việt đã xuất khẩu chính ngạch sang nhiều quốc gia, trong đó có những thị trường lớn. Đó là những tín hiệu tích cực của ngành nông nghiệp, tuy nhiên theo các chuyên gia, dư địa để xuất khẩu vẫn còn rất lớn. Theo Bộ trưởng, cần có những giải pháp nào để tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản đồng thời xây dựng một nền tảng xuất khẩu bền vững?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xuất khẩu là một xu thế tích cực và sẽ tiếp tục được lan toả. Bởi khi sản phẩm được xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ hiểu được rằng phải đưa ra mục tiêu xa hơn, hướng đến các thị trường cao cấp để tạo ra nhiều lợi nhuận hơn. Như vậy thì thu nhập của người nông dân, các nhà sản xuất nông nghiệp mới có thể được cải thiện. Ngày xưa chúng ta chỉ tư duy làm những gì chúng ta có thể làm, còn bây giờ mình phải làm những gì thị trường yêu cầu. Chuyển từ bán thứ mình có đến bán thứ mà thị trường cần.

Từ việc doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo chất lượng cao qua thị trường châu Âu và Nhật Bản minh chứng rằng chúng ta đã thoát khỏi câu chuyện cũ về tư duy sản lượng, chuyển dần sang tư duy chất lượng. Chưa dừng lại ở đó, chúng ta còn hướng tới đáp ứng từng yêu cầu về từng loại sản phẩm ở các thị trường khác nhau.

Đây là cơ hội để chúng ta thay đổi, tìm kiếm thị trường để có phẩm chất cao hơn. Tôi biết rằng mặc dù sẽ có những khó khăn nhưng về lâu dài sẽ bền vững hơn. Nông sản Việt Nam sẽ đàng hoàng xuất khẩu chính ngạch với sự hỗ trợ của Nhà nước thay vì tiểu ngạch như ngày xưa.

Tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển

Thay đổi tư duy để phát triển bền vững

ĐS&PL: Cứ đến mỗi mùa vụ, trên khắp các mặt báo, khắp các câu chuyện của nông dân câu nói “được mùa mất giá” lại được lập lại, như một điệp khúc buồn. Là tư lệnh của ngành, ông có cái nhìn như nào? Đâu là bài toán căn cơ để giải quyết vấn đề này?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khó khăn, thách thức luôn bám theo ngành nông nghiệp bởi đặc thù nhạy cảm của ngành. Khi đã xuống giống thì dù sản lượng thu hoạch bao nhiêu vẫn phải phụ thuộc vào giá cả thị trường. Được mùa mất giá là câu chuyện muôn đời, là lời nguyền găm sâu vào ngành nông nghiệp. Chúng ta không thể làm gì khác để thay đổi quy luật đó, điều duy nhất có thể làm là thay đổi tư duy.

Đầu tiên là tổ chức lại sản xuất, đây là điều bắt buộc bởi muốn có thị trường lâu dài chúng ta phải vượt qua sự manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong nông nghiệp. Thay thế cách làm đó bằng việc tạo ra kết nối chuỗi. Trong chuỗi sẽ bao gồm sự hợp tác giữa người sản xuất, nông dân với cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời hình thành câu chuyện tư duy liên kết mà người nông dân là người bắt đầu.

Điển hình sau khi nước ta xuất khẩu chính ngành sầu riêng sang Trung Quốc, giá sầu riêng đã tăng cao. Do vậy đã xuất hiện hiện tượng nông dân chặt các cây nông nghiệp khác để trồng cây sầu riêng. Đây thực sự là vấn đề lớn của ngành nông nghiệp bởi chúng ta không có quyền áp đặt bà con trong việc lựa chọn cây trồng. Điều chúng ta có thể làm là cung cấp nhiều nhất thông tin về quy mô thị trường để bà con hiểu rằng: “Đừng chuyển từ rủi ro này sang rủi ro khác".

Bên cạnh đó, việc có những không gian kinh tế nông nghiệp sẽ giúp chúng ta giữ vững được sự liên kết khi thị trường đứt gãy. Đồng thời là nền tảng thúc đẩy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sâu. Từ đó, Nhà nước có cơ sở để hỗ trợ theo một không gian chung, chứ không thể đủ nguồn lực để hỗ trợ theo từng hộ dân.

ĐS&PL: Bước sang năm 2023, Bộ trưởng có gửi gắm thông điệp gì đến nông dân, người sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp để có thể đạt được thêm nhiều thành quả, đồng thời chuyển đổi ngành nông nghiệp theo hướng hài hoà, đa giá trị theo tinh thần của Nghị quyết 19?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thành quả đạt được trong năm 2022 là những tín hiệu tích cực và rất đáng mừng. Tuy nhiên vào những tháng cuối năm nông nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nảy sinh những khó khăn.

Thu hoạch vải thiều xuất khẩu

Nhiều chuyên gia đã dự báo, năm 2023 có thể sẽ nhiều khó khăn hơn do sức ép từ lạm phát, lãi suất từ ngân hàng. Chúng ta hãy tư duy rằng lúc nào cũng sẽ gặp phải những khó khăn để chủ động có những kế hoạch thích ứng. Bên cạnh đó, những quy chuẩn của thị trường đang ngày càng khắt khe. Hiện nay, người tiêu dùng không chỉ tiếp nhận sản phẩm bằng giá cả, chất lượng mà còn bằng việc xem xét quy trình canh tác có ảnh hưởng đến môi trường, có gây hiệu ứng nhà kính hay không.

Qua đó để thấy, quy chuẩn về chất lượng được yêu cầu bởi mọi thị trường, với mọi lĩnh vực, từ nuôi trồng, chăn nuôi đến thuỷ sản. Thẻ vàng IUU là một minh chứng khi người tiêu dùng hải sản không chỉ cần đến chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến việc nó được đánh bắt như nào, có vi phạm luật pháp quốc tế hay không. Đó là những sức ép thay đổi. Đứng trước sức ép đó nếu chúng ta chủ động thích ứng sẽ giảm được rủi ro hơn. Không chỉ vậy, tận dụng cơ hội sẽ còn giúp chúng ta định vị hình ảnh của một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững.

Như lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Thay đổi không phải vì người ta, mà thay đổi vì chính mình”. Giống như thẻ vàng IUU, chúng ta cố gắng tháo gỡ vì nguồn lợi thuỷ sản. Bởi mọi nội dung trong IUU đều hướng đến giữ gìn sự ổn định sinh thái trên đại dương.

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta có khả năng làm điều đó bởi vì trước đây chúng ta chỉ xuất khẩu thô, còn nguyên một khoảng trống mênh mông để chúng ta chế biến, bảo quản, đa dạng hoá sản phẩm. Vấn đề là doanh nghiệp phải dấn thân hơn nữa.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi, thay vì việc chỉ mua đi, bán lại như trước. Chỉ khi chúng ta đẩy mạnh chế biến thì mới có thể gia tăng giá trị, giảm rủi ro đến từ thị trường.

Cuối cùng, tăng trưởng kinh tế phải gắn với đích đến là việc làm. Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, máy móc đã có thể thay thế con người làm một số công việc. Bởi vậy, năm 2023, tôi kỳ vọng chúng ta sẽ đi sâu vào phát triển kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm cho nhiều lao động ở khu vực nông thôn.

“Chúng ta không “mặc đồng phục”, không đồng nhất tất cả sản phẩm mà tạo ra nhiều sản phẩm với nhiều phân khúc, đáp ứng yêu cầu ở cả thị trường trong nước và nước ngoài”

ĐS&PL: Xin cảm ơn Bộ trưởng, chúc cho ngành nông nghiệp gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa trong tương lai.

Phương Anh

Bài đăng trên ấn phẩm đặc biệt tạp chí in Đời sống & Pháp luật gộp 12 số từ 13-24 (16/1 đến 28/1/2023)

Tin nổi bật