Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bỏ trần vé máy bay: “Thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng”

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Đề xuất bỏ giá trần vé máy bay trên đường bay nội địa khiến nhiều người lo ngại giá vé sẽ tăng vọt trong những dịp cao điểm.

Ảnh minh hoạ.

Khách hàng lo giá vé tăng vọt sau khi bỏ trần giá

Mới đây, cục Hàng không Việt Nam đề xuất bỏ trần giá vé máy bay với đường bay nội địa có từ 3 hãng cùng khai thác trở lên. Theo đó, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định.

Theo đó, lãnh đạo cục Hàng không cho rằng, việc áp dụng trần giá vé sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ, bởi hiện nay có nhiều đối tượng hành khách có nhu cầu sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần để sử dụng dịch vụ hàng không tương xứng. Vì vậy, việc bỏ trần giá vé sẽ giúp các hãng hàng không chủ động hơn trong việc triển khai dải giá vé linh hoạt theo từng giai đoạn.

Đây không phải lần đầu tiên đề xuất bỏ giá trần được đưa ra. Tháng Tư vừa qua, Vietnam Airlines cũng kiến nghị tăng giá trần lẫn áp giá sàn vé máy bay.

Hiện, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản ban hành từ năm 2015, áp dụng cho 5 nhóm đường bay, với mức giá 1,6 - 3,75 triệu đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác.

Đề xuất của cơ quan quản lý hàng không khiến phần lớn khách hàng lo lắng, bởi giá vé máy bay có thể tăng đột biến vào những dịp cao điểm khi không còn khung giá tối đa (giá trần - PV) - công cụ để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Trước thông tin bỏ giá trần vé máy bay, chị Nguyễn Thị Nga – nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội như “ngồi trên đống lửa” vì lo lắng vé máy bay có nguy cơ bị “thổi giá” trong thời gian sắp tới. Chị cho biết, vì quê của cả hai vợ chồng đều ở TP.HCM nên cả gia đình thường xuyên phải di chuyển bằng máy bay.

Theo chị, nếu bỏ giá trần, sẽ không thể “ghìm” giá vé vào dịp lễ tết hoặc các chặng bay đẹp mùa cao điểm. Bởi hiện tại, khi vẫn đang áp dụng quy định giá trần vé máy bay, nhưng đến dịp lễ tết khách hàng đều phải mua vé gần kịch trần.

Đơn cử vào dịp 30/4 vừa qua, dù giá máy bay chặng Hà Nội – TP.HCM của các hãng đều tăng vọt lên mức 5- 7 triệu đồng/ vé khứ hồi nhưng gia đình chị vẫn phải "bấm bụng" đặt mua vì không còn sự lựa chọn nào khác.

“Nếu không còn giá trần, tôi lo giá vé máy bay sẽ tăng “cao ngất ngưởng” trong những dịp lễ. Trong trường hợp giá vé khứ hồi cho chặng Hà Nội – TP.HCM tăng đến chục triệu đồng thì quả thực là quá sức đối với những người làm công ăn lương, thu nhập ba cọc ba đồng như tôi”, chị Nga chia sẻ.

Là một khách hàng thường xuyên đi máy bay, anh Bùi Quốc Dũng – Trưởng phòng kinh doanh tại một công ty ở Hà Nội cũng bày tỏ sự quan ngại vì nếu bỏ giá trần, người dân sẽ khó tiếp cận vé máy bay giá rẻ. Theo anh, hiện có nhiều nước không còn quy định giá trần cho hàng không, nhưng họ có đa dạng loại hình giao thông với chất lượng dịch vụ tương tự. Trong khi tại Việt Nam, hàng không vẫn là sự lựa chọn tối ưu đối với các khách hàng có nhu cầu di chuyển trên hành trình trên 500km.

“Theo tôi, đối với hạng thường nên giữ giá trần để phục vụ cho những người có thu nhập trung bình hoặc thấp, còn với hạng thương gia có thể xem xét việc bỏ giá trần”, anh Dũng chia sẻ.

Lo ngại hãng bay “bắt tay” tăng giá vé

Chia sẻ với PV PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường giá cả (bộ Tài chính) cho rằng, việc bỏ giá trần vé máy bay là bất hợp lý, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Ông cho biết, Nhà nước hiện có 2 phương thức quản lý giá cả đó là Nhà nước định giá và thị trường định giá. Trong trường hợp thị trường có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thì Nhà nước nên để cho thị trường định giá. Tuy nhiên, nếu thị trường còn doanh nghiệp thống lĩnh, Nhà nước vẫn phải định giá trần để điều tiết giá cả thị trường, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

 Theo luật Cạnh tranh quy định, doanh nghiệp được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường nếu một doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 30% trở lên, hai doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 50% trở lên; ba doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 65% trở lên; bốn doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 75% trở lên...

Đối với ngành hàng không, chỉ riêng 3 hãng lớn là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet) và công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) hiện chiếm tới 80- 90% thị phần.

“Nếu chiếu theo quy định trên, Nhà nước vẫn phải quy định mức giá trần để ngăn các doanh nghiệp “bắt tay” đẩy giá vé lên cao. Bởi nếu bỏ khung giá vé tối đa, người thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng”, TS. Ngô Trí Long cho hay.

Phương Ly

Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (21)

Tin nổi bật