Công việc lấy mật ong vô cùng nguy hiểm của một bộ tộc ở Nepal đã được ghi lại trong những hình ảnh tuyệt đẹp.
Trong một lần tới thăm Nepal, nhà nhiếp ảnh gia Andrew Newey đã có cơ hội sống cùng với bộ tộc Gurung trong hai tuần và chứng kiến tập tục lấy mật ong truyền thống siêu rùng rợn của người dân nơi này.
Cứ một năm hai lần, những người "thợ săn" mật của dân tộc Gurung sẽ tụ tập lại, cùng nhau leo lên những vách đá vùng trung tâm Nepal để thu mật ong. Loại mật ong mà họ tìm kiếm không giống như những loại mật bình thường mà là của loài ong mật lớn nhất thế giới - loài ong vách đá Himalaya. Loài ong đá này có tên khoa học là Apis dorsata laboriosa.
Đầu tiên, những cư dân Gurung sẽ cử hành một nghi lễ cúng cầu thần Núi với lễ vật gồm thịt thú rừng, trái cây, gạo như để tạ ơn đất trời và xin thần bảo vệ. Sau đó, họ tiến hành đốt lửa dưới chân vách đá, thang dây sẽ được thả xuống từ phía trên và cố định hai đầu.
|
Loài ong vách đá Himalaya - Apis dorsata laboriosa. Đây là loài ong mật khổng lồ với kích thước có thể lên đến 3cm chiều dài, chỉ sinh sống và làm tổ trên những vách đá cheo leo tại một vài vùng núi nhất định nằm ở Bhutan, Yunnan, Nepal và vùng Himalaya thuộc Ấn Độ.
|
|
Tổ của chúng thường được tìm thấy ở độ cao khoảng từ 2.500 - 3.000m với kích thước vô cùng lớn. Từ "tòa nhà" cao chót vót của mình, lũ ong khổng lồ này có thể tỏa ra nhiều phía để hút mật và phấn hoa từ những đồng cỏ vùng cao của dãy Himalaya. Và hẳn nhiên, những chú ong chăm chỉ này sẽ hoàn toàn tránh được sự phá rối của kẻ thù dưới mặt đất. |
|
Để tiếp cận được những tổ ong cheo leo này, những thợ săn ở đây đã phải sử dụng biện pháp cổ xưa rất nguy hiểm. Về cơ bản, người dân ở đây đốt lửa và hun khói từ phía dưới vách đá để xua đàn ong ra khỏi tổ, tiếp theo họ dùng dây treo mình lên đến độ cao tương đương tổ ong và sử dụng những chiếc gậy dài cùng thúng và rổ để khai thác mật. |
|
Họ sử dụng những công cụ hoàn toàn thô sơ và được tự chế bằng các vật liệu thiên nhiên. Đó là thang dây được dệt bằng tay từ loại sợi làm bằng cây tre và những cây gậy dài "tangos" cùng chiếc giỏ đựng mật. Một nhóm "thợ săn" sẽ gồm khoảng 10 người đàn ông khỏe mạnh, can đảm và khéo léo. |
|
Nghi lễ cúng thần Núi trước khi lấy mật ong của cư dân Gurung. |
|
Người thợ được giữ chặt vào thang bằng một sợi dây cuốn quanh người trong khi 2 - 3 người khác chịu trách nhiệm kiểm tra, kéo lên hoặc hạ thấp thang khi cần. Một người có nhiệm vụ quan sát và cung cấp chỉ dẫn cụ thể. |
|
Thợ săn sẽ sử dụng cây tangos dài để chọc vào lỗ trong tổ ong, cắt phần này một cách khéo léo rồi thả vào những cái rổ được treo ngay bên dưới bằng một sợi dây khác. Để "giải quyết" một tổ ong, những thợ săn sẽ mất từ 2 - 3 tiếng, song cũng tùy vào kích thước tổ mà thời gian hoàn thành sẽ nhanh hoặc lâu hơn. |
|
Tưởng chừng đơn giản nhưng những người thợ săn đã phải tự đặt thân mình vào sự nguy hiểm khi vắt vẻo trên một chiếc thang dây mỏng manh ở độ cao hơn 1.000m. Không những thế, họ còn phải đối đầu với hàng vạn con ong tức giận xông ra từ tổ do sặc khói và sẵn sàng tấn công bất cứ kẻ nào muốn phá hoại chỗ ở của chúng. |
|
Để có thể điều khiển chiếc cọc tre dài ngoẵng dưới sự tấn công không ngừng nghỉ của bầy ong như vậy yêu cầu người thợ phải có một sự bình tĩnh và tự tin cao. Kết quả của mỗi lẫn "săn" mật này là ngoài những rổ mật, những người thợ còn mang về cho cơ thể nhiều vết sưng vù do ong đốt dù cho có mặc đồ bảo hộ đi chăng nữa. |
|
Vậy tại sao những người dân ở đây vẫn liều mình để kiếm mật của loài ong khổng lồ này? Câu trả lời nằm ở loài hoa mà ong vách đá Himalaya đã hút mật. Mật của loài ong này vào mùa xuân có chứa phần lớn mật của loài hoa đỗ quyên rừng trắng. |
|
Loại mật này có một chất hóa học có tên grayanotoxin có tác dụng như một chất gây mê đối với con người. Chính vì vậy mà loại mật đỏ và tươi của ong vách đá Himalaya rất được giới quý tộc ở Nhật, Singapore và Trung Quốc ưa chuộng. |
|
Với sự biến đổi khí hậu và việc thu hoạch mật ong trên diện rộng ngày một diễn ra nhiều hơn, công việc "săn mật ong" truyền thống của người dân cũng bị giảm bớt đáng kể. |
|
Thương mại hóa và du lịch hóa việc thu hoạch mật nơi đây sẽ làm giảm trầm trọng nguồn tài nguyên mật dành cho những người săn mật truyền thống. Có lẽ chỉ trong vài năm nữa thôi, truyền thống cổ xưa này sẽ biến mất và thứ còn lại duy nhất chỉ là những bức ảnh mà thôi. |
M.L (theo trithuctre)