Việc thả dáng cùng bikini trên sân khấu có khiến phụ nữ trở nên rẻ rúng, khiến họ giống như “món hàng”? Việc loại bỏ bikini có làm tăng thêm trí tuệ của cô gái được trao vương miện? Chuyện khắt khe từ “sân nhà” có khiến các cô gái của chúng ta bị thua thiệt giữa một rừng mỹ nhân nóng bỏng khi tham gia đấu trường quốc tế? Để rộng đường dư luận, báo ĐS&PL đã có cuộc trò chuyện với các chuyên gia, người đẹp để có lời giải cho những câu hỏi này.
Tranh cãi bỏ bikini thế giới cũng dậy sóng
Cách đây vài ngày, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Mỹ (Miss America) tuyên bố sẽ bỏ phần bikini từ năm 2019. Theo Huffington Post, Tổ chức Hoa hậu Mỹ đưa ra quyết định trên nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo. Bà Gretchen Carlson, Chủ tịch mới của Tổ chức Hoa hậu Mỹ và cũng là Hoa hậu Mỹ 1989 cho biết: "Chúng tôi không còn đánh giá các thí sinh dựa trên ngoại hình, thể chất của họ. Đây là thay đổi lớn. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ không còn phần thi áo tắm”.
Ngay khi tuyên bố này được phát đi dư luận đã nổi sóng vì cuộc tranh cãi không hồi kết giữa những người đồng tình và phản đối. Chaz Ellis - Giám đốc điều hành tạm thời của Tổ chức Học bổng Hoa hậu bang South Carolina đã thốt lên: "Thật là chán khi nghe nói về sự thay đổi này". Ông này cũng cho biết sẽ ủng hộ nhóm phản đối việc bỏ phần thi bikini khỏi cuộc thi.
Người đẹp Madison Gesiotto, Hoa hậu Ohio USA năm 2014 cũng cho rằng, đó là quyết định "ngớ ngẩn" và chẳng có ý nghĩa gì với phong trào #MeToo. Cô chia sẻ: "Đương nhiên cái đẹp bề ngoài không quan trọng bằng vẻ đẹp tâm hồn, nhưng điều đó không có nghĩa vẻ đẹp ngoại hình không tồn tại".
Bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có nhiều người thể hiện sự đồng thuận. Beth Knox - Giám đốc điều hành của cuộc thi Miss America bang Bắc Carolina nói rằng, cô rất vui mừng trước sự thay đổi này. Theo cô, mục tiêu và nguyện vọng của một người phụ nữ quan trọng hơn nhiều so với việc chỉ chú ý đến cách cô ấy trình diễn đồ bơi.
Năm 2015, cuộc thi Miss World cũng “khai tử” phần thi áo tắm. Bà Julia Morley, Chủ tịch tổ chức Miss World, khi đó chia sẻ: "Tôi không muốn nhìn phụ nữ đi lên đi xuống trong những bộ bikini. Nó không có tác dụng gì với phụ nữ và cũng không có bất cứ tác dụng nào với bất cứ ai trong chúng ta".
Khi ấy quyết định của bà Morley phải đón nhận nhiều ý kiến trái chiều. Những người ủng hộ cho rằng, quyết định của bà là một cuộc “cách mạng văn hóa”, nó giúp phụ nữ không bị đánh giá bởi về bề ngoài. Ở phía bên kia, người ta lại nêu lên quan điểm, khoe hình thể chẳng có gì xấu, nó cần thiết để tìm một cô gái cho ngôi vị hoa hậu. Những người này cũng quy kết, Miss World ngày càng tẻ nhạt, thiếu sức hút so với các cuộc thi nhan sắc khác cũng vì thiếu phần thi áo tắm. Bởi, yếu tố nóng bỏng, gợi cảm vẫn là điều mà nhiều người trông đợi ở một cuộc thi nhan sắc.
Chúng ta có nên theo?
Trả lời về việc Việt Nam có nên bỏ phần thi bikini giống như Miss America và Miss World hay không?, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’hen Niê cho biết: “Chúng ta cần hiểu rõ, tại sao Miss World và Miss America lại bỏ phần thi trình diễn bikini. Hoa hậu Thế giới 2013 tổ chức tại Indonesia – quốc gia với phần lớn dân số theo đạo Hồi. Vì vậy, ban tổ chức đã thay phần thi bikini bằng phần thi trình diễn với saron – một loại trang phục truyền thống ở đất nước này. Đến năm 2015, ban tổ chức chính thức thông báo bỏ phần thi bikini để nhấn mạnh vào tiêu chí của cuộc thi: Sắc đẹp của lòng nhân ái. Điều này thể hiện rõ qua việc chọn người chiến thắng, những hoạt động sau đăng quang của tân Hoa hậu... Do đó, việc bỏ phần thi bikini ở Hoa hậu Thế giới là phù hợp.
Còn Miss America, đây vốn là cuộc thi không chọn người đi thi quốc tế. Tân Hoa hậu sẽ tham gia các hoạt động về quyền phụ nữ, diễn thuyết tại các trường đại học, tư vấn cho nữ sinh về các kỹ năng sống... Chính vì vậy, ban tổ chức quyết định từ năm 2019 sẽ bỏ phần thi này. Dù vậy, quyết định này cũng gây ra không ít tranh cãi tại Mỹ và nhiều người cũng đã lên tiếng cho rằng, bỏ phần thi bikini là không cần thiết, gây nhàm chán... Tóm lại H’hen nghĩ rằng, mỗi quốc gia, mỗi cuộc thi sẽ có một định hướng, tiêu chí riêng và chúng ta không cần thiết phải giống như họ”.
Siêu mẫu Hà Anh, người từng nhiều lần ngồi ghế giám khảo tại các cuộc thi nhan sắc, trong đó có Hoa hậu Toàn cầu 2016, cho rằng, ở một cuộc thi nhan sắc phần thi bikini là không thể thiếu.
“Ở các nước châu Âu, đặc biệt tại Vương quốc Anh, nơi sáng lập ra cuộc thi Miss World, đã có rất nhiều tổ chức đấu tranh vì quyền phụ nữ từ nhiều năm bằng việc phản đối các cuộc thi sắc đẹp. Họ cho rằng, các cuộc thi sắc đẹp coi phụ nữ là "object" (món hàng-PV) khi đánh giá người phụ nữ qua sắc đẹp, thân hình. Họ cho rằng, phụ nữ không nên chịu sức ép khi bị đánh giá về vẻ bề ngoài.
Tôi hiểu rõ vì sao có các động thái phản đối ở châu Âu và trên, nhưng xét về quan điểm chuyên môn, nếu đã tổ chức một cuộc thi hoa hậu có nghĩa đây là cuộc thi sắc đẹp. Vậy, không thể bỏ qua yếu tố vượt trội trong vẻ đẹp hình thể, bên cạnh vẻ đẹp gương mặt lẫn sự thông minh, cá tính trong trí tuệ”, siêu mẫu Hà Anh chia sẻ.
Khi nói đến việc bỏ phần thi bikini, nhiều người đã đưa ra quan điểm, trình diễn áo dài là quá đủ cho việc thể hiện vẻ đẹp hình thể của thí sinh. Bởi, áo dài vẫn được coi là trang phục khéo khoe vóc dáng của người mặc và với một đất nước đề cao vẻ đẹp tinh tế như Việt Nam thì bấy nhiêu đó là đủ.
Nói về điều này, bà Phạm Kim Dung – Phó Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam cho biết: “Chiếc áo dài rất đẹp, rất duyên dáng. Nó tôn vinh được hình thể của người phụ nữ. Tuy nhiên, áo dài cũng là kiểu trang phục che được nhiều khiếm khuyết cơ thể. Ví dụ, một cô gái có thân hình vừa phải hoàn toàn có thể “lột xác” để trở nên đẹp hơn, duyên dáng hơn nếu biết cách. Bạn chỉ cần mặc áo dài, đi giày cao gót, rồi khéo léo độn thêm một chút ở vòng 1 và vòng 3 là đã tạo nên một diện mạo hoàn toàn khác. Đó là điều tuyệt vời của áo dài.
Thế nhưng, cũng vì áo dài có thể tôn lên vóc dáng của người mặc nên rất khó để phân biệt đâu là vẻ đẹp thật sự, đâu là vẻ đẹp ảo. Vì vậy, không thể so sánh áo dài với bikini trong việc thể hiện nét đẹp hình thể được.
Chúng ta cũng cần hiểu, thanh xuân của một người phụ nữ được thể hiện ở hình thể, tri thức và cả tâm hồn. Nếu vì một lý do nào đó mà bỏ phần thi bikini thì đó quả là điều đáng tiếc. Bởi, nó không thể hiện được hết nét thanh xuân của người thiếu nữ, trong khi đó là phần cần được trân trọng, cần được thể hiện trên sân khấu”.
Đừng biến cuộc thi nhan sắc thành cuộc thi trí tuệ
Các cuộc thi hoa hậu, người đẹp được gọi là cuộc thi nhan sắc, đấu trường nhan sắc. Vậy, nếu không có phần thi hình thể, không có điểm chấm liên quan đến hình thể, liệu nó có còn là cuộc thi nhan sắc nữa hay không?
Chia sẻ về vấn đề này nhà thơ Dương Kỳ Anh, “cha đẻ” của Hoa hậu Việt Nam thẳng thắn trao đổi với PV: "Khi chúng tôi tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam năm 1988 đã có phần thi bikini rồi. Thi người đẹp thì phải có phần trình diễn áo tắm. Không ai nói cuộc thi người đẹp mà lại có người xấu. Tôi là người đầu tiên bị phản đối khi đưa cuộc thi hoa hậu ra, họ phản đối tôi vì học theo Mỹ. Nhưng mà nói thật, từ thời các cụ tổ tiên của chúng ta đã có cuộc thi này rồi, như người đẹp Đền Hùng chẳng hạn, người được vinh danh còn cho lên kiệu rước. Thế nên, đừng nghĩ rằng cuộc thi sắc đẹp phải giống như cuộc thi lên đỉnh Olympia. Đã đẹp là cái đẹp phải đầu tiên đã, không thể khác được”.
Đồng quan điểm với ông Dương Kỳ Anh, bà Phạm Kim Dung chia sẻ với báo Người Đưa Tin: “Nếu bỏ phần thi bikini, hướng sự tập trung vào tri thức, vào tâm hồn thì cuộc thi hoa hậu nên được đổi thành cuộc thi công dân thanh lịch. Nói một cách thẳng thắn thì cuộc thi hoa hậu là tìm một người đẹp. Phải đẹp mới có thể trở thành hoa hậu.
Nói vậy, không có nghĩ là đánh giá thấp tri thức hay vẻ đẹp tâm hồn. Hình thể, tri thức và tâm hồn đều rất quan trọng. Đó chính là lý do ở cuộc thi hoa hậu thường có các phần thi tài năng, ứng xử và khoe vẻ đẹp hình thể. Những phần thi này hỗ trợ cho nhau giúp chúng ta tìm được cô gái vừa có vẻ đẹp hình thể vừa có vẻ đẹp tâm hồn và có tri thức để trở thành hoa hậu. Người con gái ấy sẽ mang đầy đủ vẻ đẹp của một người phụ nữ hiện đại, đó là phải đẹp cả về hình thức lẫn tâm hồn và có ích cho đời”.
Nếu nhìn lại những lần chinh chiến ở đấu trường nhan sắc quốc tế, chúng ta đều nhận thấy, hình thể là điểm yếu trường kỳ của đại diện Việt Nam. Vậy, khi phần thi bikini bị loại khỏi các cuộc thi nhan sắc người đẹp Việt sẽ ra sao khi chinh chiến ở nước ngoài?
Theo siêu mẫu Hà Anh, nếu không có phần thi bikini nhan sắc Việt chắc chắn sẽ giảm sức cạnh tranh tại các đấu trường quốc tế.
“Bản chất thí sinh Việt Nam của chúng ta đã thua thiệt nhiều so với các thí sinh quốc tế về hình thể! Nếu chúng ta không tuyển chọn khắt khe về hình thể từ "nhà" thì ra bên ngoài giữa những sắc vóc nổi trội chúng ta sẽ càng thua thiệt”, Hà Anh nhận định.
Trước thông tin cuộc thi Hoa hậu Mỹ 2019 sẽ bỏ phần thi bikini, ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng cục Nghệ thuật Biểu diễn (bộ VH,TT&DL) cho biết, trong hội nghị của ngành diễn ra vào ngày 22/6 tại Huế, đơn vị này sẽ lấy ý kiến về việc bỏ phần thi bikini trong các cuộc thi sắc đẹp. "Chúng tôi sẽ xem phản hồi từ dư luận, từ các đối tượng chịu tác động thế nào. Nếu có sự đồng thuận cao từ cơ quan quản lý, từ các tổ chức, cá nhân và quy định mới có khả năng giúp đạt hiệu quả quản lý tốt, không ảnh hưởng tới chất lượng các cuộc thi thì sẽ thể chế vào văn bản pháp luật", ông Lê Minh Tuấn cho biết. |
Lê Anh
Bài đăng trê báo giấy Đời sống & Pháp luật số 70