Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bố làm cửu vạn, con đỗ đầu Đại học Bách khoa Hà Nội

(DS&PL) -

Hoàng Minh Giám đạt 10,02 điểm xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Nam sinh chia sẻ, chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa chứ không học thêm.

Hoàng Minh Giám (Thái Bình) đạt 10,02 điểm xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Nam sinh chia sẻ, chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa chứ không học thêm.

Bất ngờ và hạnh phúc

Theo lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội, thủ khoa của trường không tính theo điểm ưu tiên là Hoàng Minh Giám (sinh ngày 14/2/1997, ở xã Nam Bình, Kiến Xương, Thái Bình).

Trong kỳ thi THPT quốc gia, điểm môn Toán của Giám là 9,75; Hoá: 9,75; Lý: 9,5. Xét theo khối A, em được 29 điểm; khối B đạt 28 điểm. Giám cũng là một trong 5 thí sinh có điểm cao nhất toàn quốc.

Theo công thức tính riêng của Đại học Bách khoa Hà Nội, cậu học trò quê lúa đạt 10,02 điểm (thang điểm 10).

Hoàng Minh Giám - tân thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh giải nhất kỳ thi Học sinh giỏi Hóa học năm lớp 12, kết quả 29 điểm kỳ thi tuyển sinh đại học một lần nữa chứng minh năng lực học tập của nam sinh vùng quê nghèo. Cậu cho biết, những lần thi thử được 25 - 26 điểm. Điểm tổng kết cả năm học lớp 12 của Giám là 8,6; trong đó môn Hóa tổng kết 10,0; Vật lý và Hóa học 9,5.

“Em bị mất 0,25 điểm môn Hóa học do quên phần lý thuyết trong bài tập. Điều này khiến em tiếc mãi điểm 10”, nam sinh kể lại.

Với kết quả đỗ thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội, chàng trai quê lúa Thái Bình bất ngờ và hạnh phúc. Giám cho biết, trên bảng xếp hạng, em đứng sau một thí sinh khác vì điểm ưu tiên nên không nghĩ mình đạt thủ khoa. Danh hiệu này là sự động viên to lớn với Giám.

Hoàng Minh Giám sinh ra trong gia đình nông thôn, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn ở Kiến Xương, Thái Bình. Bà Nguyễn Thị Phường (mẹ của Giám) kể: Ở nhà, tôi cấy hơn mẫu ruộng, bố Giám làm nghề tự do trên Hà Nội, công việc không ổn định. Ông sống nay đây mai đó, lúc làm cửu vạn, khi phu hồ, thợ xây, hoặc bảo vệ, đến nay đã được 6 năm. Anh trai cả của Giám đã tốt nghiệp Đại học Xây dựng hơn một năm.

"Cháu rất ngoan, nghe lời mẹ và luôn tự giác học hành. Chỉ một lần con mải chơi, được thầy giáo và bố mẹ nhắc nhở và từ đó không tái phạm. Tôi thương con đi học xa, cứ sáng dậy ăn mì tôm hoặc cơm nguội, cơm rang, đạp xe gần chục km. Trưa, cháu ăn cơm ở nhà trọ, tối lại đạp xe về nhà”, mẹ Giám kể.

Chỉ học trong sách giáo khoa

Giám bảo không học thêm, chỉ học sách giáo khoa. Kinh tế gia đình khó khăn nên cậu không có điều kiện đi học thêm, mua sách tham khảo. Bí quyết của nam sinh là nắm vững chương trình cơ bản trong sách giáo khoa, được mua từ những đồng tiền chắt chiu của bố mẹ hồi đầu năm học.

Nam sinh cũng tâm sự, không học nhiều (mỗi tối chỉ học 1 đến 2 tiếng) và thường xuyên dành thời gian giải trí, chơi thể thao với bạn bè...

Minh Giám và bạn bè trong hoạt động ngoại khóa. Ảnh: NVCC.

Bà Phường chia sẻ, sau khi đạt danh hiệu thủ khoa, con trai út không đòi hỏi bố mẹ món quà nào cả. “Giám đang dùng chiếc điện thoại đen trắng cũ, chỉ để nghe gọi. Tôi bảo bố mẹ gom góp tiền mua điện thoại mới, cháu nói bố mẹ dành tiền cho con nhập học”.

“Trước ngày con lên Hà Nội nhập học, tôi sẽ làm mâm cơm liên hoan để con mời bạn bè chung vui” - bà Phường cho biết.

Trong kỳ thi năm nay, Giám thi ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội.

Chàng trai quê lúa Thái Bình cho biết, công nghệ thông tin là ngành đang phát triển mạnh mẽ, có cơ hội tìm kiếm công việc như ý muốn sau khi ra trường.

Theo Tri Thức trực tuyến

[mecloud]MPYVCNBbpz[/mecloud]

Tin nổi bật