Trong buổi Đối thoại với Doanh nghiệp về chính sách quản lý hoạt động vận tải đường bộ do Bộ GTVT tổ chức chiều 6/10, ông Nguyễn Văn Thắng – Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Phượng Hoàng (Hưng Yên) đã phải xót xa thốt lên rằng, doanh nghiệp của ông vừa mua 48 chiếc xe giường nằm đóng tại Trường Hải, có phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, tuy nhiên khi đem đi đăng kiểm thì bị từ chối vì vượt tải trọng.
“Mỗi chiếc xe chúng tôi mua với giá 3,6 tỷ đồng mà giờ hàng chục chiếc không đăng kiểm được. Nhiều lúc báo cáo với Sở mà chúng tôi rơi nước mắt và xin phá sản. Giờ sự việc như thế thì giải pháp nào cho doanh nghiệp như chúng tôi?” – ông Thắng đặt câu hỏi.
Doanh nghiệp Phượng Hoàng nhiều lúc muốn khóc và xin phá sản vì mua 48 chiếc xe giường nằm của Trường Hải nhưng chưa được đăng kiểm vì quá tải trọng. Ảnh minh họa |
Trước ý kiến đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã yêu cầu Cục Đăng kiểm trong tuần này phải xuống Hưng Yên để kiểm tra việc công ty vận tải Phượng Hoàng mua 48 chiếc xe giường nằm của Trường Hải nhưng bị đăng kiểm từ chối kiểm định vì cho rằng xe vượt trọng tải khiến chủ doanh nghiệp này tính việc phá sản khi trình bày tại hội nghị.
Cũng trong buổi đối thoại của Bộ GTVT với doanh nghiệp vận tải lần này, nhiều doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng đã bày tỏ bức xúc về việc thiếu sự hướng dẫn thống nhất trong việc điều chỉnh tăng tổng tải trọng với sơmi rơmooc (để chở container), bên cạnh đó, các thủ tục điều chỉnh rắc rối, phức tạp cùng với sự hướng dẫn khó hiểu của các đơn vị đăng kiểm khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Ông Lê Văn Tiến – Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng cho biết, hiện nay riêng Hải Phòng có hơn 3.000 phương tiện xe sơmi rơmooc, nhưng do thủ tục điều chỉnh phức tạp, mất thời gian, chi phí cải tạo gần 20 triệu đồng/ chiếc và thời gian chờ đợi khiến doanh nghiệp không khai thác được làm tổng chi phí khi điều chỉnh một xe sơmi rơmooc lên gần 50 triệu đồng. Vì vậy, ông Tiến đề nghị Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm xem xét hoặc tổ chức hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học để có hướng dẫn chuẩn khi hóa cải phương tiện trên để vận hành an toàn và đảm bảo thời hạn hoàn thành vào 31/12 /2014 theo đúng quy định.
Ông Đoàn Thanh Hải – Giám đốc Công ty vận tải Xuân Trường (Hải Phòng) cũng tỏ ra vô cùng bức xúc khi cho biết, mặc dù đã hoán cải xe sơmi rơmooc theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm nhưng khi đưa đến hai đơn vị đăng kiểm ở Hải Phòng đều nói phải chờ vì chưa có hướng dẫn để kiểm định.
“Hiện nay còn phổ biến tình trạng sử dụng giấy đăng kiểm giả để chở quá tải nhưng không bị kiểm tra xử lý trên đường. Giấy đăng kiểm giả, bằng lái xe giả rất nhiều, vậy phải kiểm tra, xử phạt thế nào để đảm bảo công bằng? Tôi kiến nghị phạt các xe chở quá tải thật nặng, phạt từ 80 triệu - 100 triệu cũng được, để họ không dám chở quá tải, từ đó mới tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Chúng tôi thường nói với nhau giờ làm người tốt khó quá. Chấp hành nghiêm túc thì bị thiệt trong khi xe chở quá tải, dùng giấy đăng kiểm giả vẫn hoạt động được” – ông Đoàn Thanh Hải nhấn mạnh.
Bộ GTVT nhận trách nhiệm vì để xe quá tải lưu hành trong một thời gian dài. |
Trước những bức xúc trên của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, để xảy ra tình trạng trên thì cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đều có lỗi khi để tình trạng chở quá tải quá lâu.
“10 năm nay về công tác tải trọng xe đều chưa thực hiện nghiêm nên đã tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh trong vận tải, mạnh ai người nấy làm. Bộ GTVT cũng kiểm điểm nghiêm túc về trách nhiệm, thiếu sót của mình khi để xe quá tải lưu hành trong một thời gian dài” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Lý giải thêm về một số bất cập điển hình còn diễn ra, Thứ trưởng lê Đình Thọ cho hay, đối với loại xe “hổ vồ” thì ở Trung Quốc không cho chạy ra đường, tuy nhiên Việt Nam lại cho nhập loại xe này về.
“Tôi đã kiểm tra và hơi giật mình về điều này. Xe “hổ vồ” có 4 trục, công suất 270 mã lực nhưng thùng chở hàng chỉ cao 50cm. Nếu chở đúng thùng nhập theo xe chỉ được 6-7 tấn nhưng doanh nghiệp mua xe này về cơ nới thùng để chở lên 90 tấn. Tôi nói vui là chỉ có ông nào dở hơi mới nhập xe này về mà không chở quá tải. Sơmi rơ mooc cũng thế, thời gian qua đặt hàng cho họ sản xuất để chở quá tải, thậm chí sản xuất ở Việt Nam. Bây giờ phải hoán cải lại để chở đúng tải trọng” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Trí – Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết đến tháng 9/2014 mới có 1.103/7.000 chiếc sơmi rơ mooc được hoán cải để nâng tải trọng.
“Khi thực hiện chủ trương này, Cục Đăng kiểm đã thông báo trên website của mình về hồ sơ, hướng dẫn điều chỉnh để doanh nghiệp thực hiện. Chúng tôi cũng sẽ kiểm tra trường hợp cụ thể ở trung tâm đăng kiểm tại Hải Phòng mà doanh nghiệp nêu” – Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho hay.
Tại buổi đối thoại, thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng nhấn mạnh rằng các thủ tục phải thực hiện đầy đủ, nhưng nếu không phối hợp tốt, rõ ràng thì sẽ như ma trận. Thứ trưởng yêu cầu Cục Đăng kiểm lập ngay tổ cơ động công tác với một số cán bộ có kinh nghiệm để giải quyết, tránh trường hợp đưa lên đòi hỏi quá nhiều, Cục Đăng kiểm cũng nên bỏ bớt các thủ tục không cần thiết, chỉ giữ lại những thủ tục cần lưu hồ sơ.