Liên quan tới quy định xét tuyển chiều cao tối thiểu trong ngành đào tạo giáo viên, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng các quy định phải đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh.
Mới đây, Trường ĐH Sư phạm TPHCM công bố thông tin tuyển sinh dự kiến của năm 2019. Theo đó, quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên, trong đó nam phải cao từ 1,55 m trở lên và nữ cao từ 1,5 m trở lên lại gây tranh cãi của dư luận.
Chia sẻ trên Zing về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết quy chế tuyển sinh cho phép các trường đại học được yêu cầu sơ tuyển. Thí sinh phải đạt yêu cầu sơ tuyển của trường.
Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích trường quy định các yêu cầu, điều kiện riêng để hướng tới việc lựa chọn thí sinh giỏi, tâm huyết với nghề, có khả năng sư phạm..., nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Các quy định khác do trường xác định và chịu trách nhiệm giải trình để xây dựng chính sách chất lượng, khả năng có việc làm của sinh viên và xây dựng “thương hiệu”.
Tuy nhiên, quy định đó phải đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh, không được thể hiện chính sách phân biệt đối xử và nên giải trình rõ để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Zing |
Trước đó, chia sẻ trên Lao Động, ông Lê Phan Quốc - Phó Trưởng Phòng đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TPHCM - cho biết: "Thông tin về chiều cao như một trong những điều kiện thuộc về sức khỏe của người dự tuyển đã có từ những năm 2008 cũng như vài năm trước đó. Vì thế, thông tin này được nhà trường tiếp tục sử dụng để phục vụ cho việc tuyển sinh một thế hệ giáo viên mới, đủ sức khỏe, đủ khả năng thích nghi và có sức bền nghề nghiệp".
Trả lời cho câu hỏi vì sao nhà trường đặt ra quy định này trong tuyển sinh, ông Lê Phan Quốc đưa ra 5 lý do như sau: "Thứ nhất, đây không phải là tiêu chuẩn mới của ngành mà chỉ là của đề án tuyển sinh trường. Chiều cao là vấn đề chi tiết nằm trong những yêu cầu về sức khỏe của đề án tổng thể với rất nhiều yêu cầu về phẩm chất, năng lực khác.
Thứ hai, xem xét trên bình diện chung, cả xã hội với những đề án có liên quan cho thấy, việc đánh giá sức khỏe trong trường học là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc tham gia thể thao, hay quy định có ít nhất 95% trường tiểu học đảm bảo có kỹ năng giáo dục thể chất, tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa cho thấy yêu cầu sức khỏe là rất cần thiết.
Thứ ba, theo quyết định số 1613 của Bộ Y tế, ban hành từ năm 1997, sức khỏe loại 3 – loại trung bình ứng với chiều cao nhất định của học sinh – sinh viên; trong khi đó, theo chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, giai đoạn 2011- 2020, chiều cao người Việt tăng 1 đến 1,5cm so với 2010 nên vấn đề chiều cao cần được xem xét như một tiêu chuẩn sức khỏe.
Thứ tư, ở thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục, bảng treo ở lớp học cách nền phòng học từ 0,65 đến 0,80m với trường tiểu học và ở THCS là 0,8 đến 1,0m để nhận thấy chiều cao của thầy cô giáo có ảnh hưởng nhất định từ phương diện yêu cầu nghề.
Thứ năm, việc đảm bảo sức khỏe của người giáo viên khi đảm trách công tác dạy học cho học sinh THPT là rất cần thiết, trong đó có vấn đề về chiều cao".
Quy định về chiều cao đối với tuyển sinh ngành đạo tạo giáo viên của Trường Đại học Sư phạm TPHCM đang gây nên những tranh luận trái chiều. |
Ông Lê Phan Quốc khẳng định thêm, nếu có bất kỳ nhân sự nào có nhu cầu trở thành sinh viên ngành Sư phạm của trường đều được xem xét chi tiết cũng như đảm bảo tính công bằng.
"Chúng ta cũng cần nhất quán quan điểm: Trân quý những nhà giáo đã có những đóng góp trước đó cho ngành dù có những khó khăn nhất định về sức khỏe, thể chất. Nhưng đặt trong bối cảnh mới, cần xem xét yêu cầu chiều cao này như yêu cầu tuyển sinh và không suy luận hay giả định có những thí sinh này, có hoàn cảnh khác bởi tuyển sinh cần có sức khỏe chung" - ông Lê Phan Quốc chia sẻ.
Đồng thời, đại diện nhà trường khẳng định, tiêu chuẩn sức khỏe tổng thể không áp dụng với sinh viên hệ cử nhân ngoài sư phạm. Trường này hiện cũng là một cơ sở có nhiều sinh viên khuyết tật đang học (trên dưới 50 sinh viên) với nhiều hạn chế thể lực khác nhau về thị lực, khiếm thính, bạch tạng... vẫn đang học tập, phấn đấu trở thành các giáo viên trong tương lai.
Thu Hằng (T/h)