Năm ngoái, môn Hóa học có hơn 327.000 thí sinh dự thi. Phổ điểm môn Hóa được đánh giá khá đẹp khi đỉnh rơi vào điểm 8 với 22.800 em đạt ngưỡng này. Cùng với đó, điểm trung bình môn Hóa của thí sinh cả nước đạt 6,7, số thí sinh dưới trung bình là 49.900 (chiếm 15,24%), trong đó 43 em bị điểm liệt.
Năm nay, có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 968.160, chiếm 94,42%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.104, chiếm 5,58%. Tổng số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 47.769, chiếm 4.66%.
Tổng số thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 34.155, chiếm 3.33%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Tự nhiên là 323.187, chiếm 31,52%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội là 566.921, chiếm 55,30%.
Tổng số thí sinh dự thi là 1.012.398 đạt tỷ lệ 98,86% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, môn Ngữ văn: 99,65 %; Toán: 99,63%; Khoa học Tự nhiên: 99.72%; Khoa học Xã hội: 99,62%; Ngoại ngữ: 99.61%;
Phổ điểm môn Hóa học thi tốt nghiệp THPT 2023
Theo kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Hóa học của cả nước năm 2023 cho thấy: Có 328,117 thí sinh tham gia thi bài thi Hóa học, trong đó điểm trung bình là 6.74 điểm, điểm trung vị là 7.0 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.5 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 14 (chiếm tỷ lệ 0.004%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 38,375 (chiếm tỷ lệ 11.7%).
Bảng tần số
Một số chỉ số thống kê cơ bản
Chia sẻ với PV GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cho thấy tín hiệu tích cực. Trước hết là khẳng định được việc ổn định của kỳ thi như Bộ GD&ĐT đã công bố. Thứ hai, đã có sự phân hóa và đây là cơ sở cần thiết. Thứ ba, đây là kỳ thi tốt nghiệp nên đòi hỏi một mặt bằng chung chứ không phải thi để chọn. Do đó, trên kết quả như vậy, qua các năm, tôi nhận định rằng, Bộ GD&ĐT giữ được một kỳ thi ổn định và dần dần đã có những cải tiến để tốt hơn."
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
GS Nguyễn Văn Minh cũng đánh giá: “Đây là kỳ thi tốt nghiệp nên ở mức độ em nào đạt được là có thể tốt nghiệp chứ không phải là một cuộc thi để chọn lọc. Qua đây để thấy, sự điều chỉnh của đề thi không phải do các yêu cầu này, yêu cầu kia mà do yêu cầu để các em có một trình độ nhất định để trở thành công dân ra ngoài xã hội. Tôi cho rằng đây là mục đích tối thượng. Từ cơ sở như vậy, hàng năm, Bộ GDĐT đã có những điều chỉnh để thích hợp với những yêu cầu chứ không phải điều chỉnh để chúng ta thay đổi số điểm. Tôi nghĩ rằng, mong muốn của chúng ta đã đạt được.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một trong các kỳ thi đáng tin cậy, hầu hết các trường đại học đều tin tưởng vào kết quả này cho nên đây là một cơ sở để đánh giá và xét tuyển. Chúng ta thấy, đề thi mặc dù có mặt bằng chung nhưng có sự phân hóa. Đối với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chúng tôi dành hơn 70% chỉ tiêu để tuyển các em thí sinh từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này để thấy được niềm tin đối với kỳ thi rất cao.”
Thùy Dung