Khó khăn lớn cho doanh nghiệp
Hôm nay (17/11), Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo nội dung Nghị định, có nhiều nội dung sửa đổi bổ sung nổi bật nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Trong đó có quy định sửa đổi, bổ sung khoản 9, khoản 10 Điều 26 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP quy định về Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu, theo đó:
Cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải "thực hiện quy định về hóa đơn điện tử, và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định của Luật quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan thuế".
Báo Lao động đưa tin, trước đó, Bộ Công thương đã bày tỏ quan điểm khi gửi Thủ tướng Chính phủ về quy định thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế được đưa ra trong dự thảo sửa đổi nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu. Theo Bộ Công Thương, việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế mỗi lần bán xăng dầu sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, đứt nguồn cung, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Theo Bộ Công Thương, đề xuất lộ trình triển khai hóa đơn điện tử với cửa hàng bán lẻ xăng dầu được Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra trong quá trình sửa đổi nghị định. Cụ thể, cửa hàng xăng dầu phải có thiết bị ghi, in kết quả đo xăng dầu bảo đảm kết quả đo xăng dầu được kết nối, chuyển vào hệ thống hóa đơn điện tử...
Trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng, dự thảo được bộ xây dựng đã bổ sung quy định hóa đơn điện tử là điều kiện để cấp giấy chứng nhận kinh doanh với cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Việc áp dụng quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu có thực sự khả thi? Ảnh minh họa.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng, việc áp dụng hóa đơn điện tử là cần thiết, nên doanh nghiệp có nghĩa vụ phải tuân thủ khi kinh doanh xăng dầu. Nhưng trước mắt, để giảm bớt khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp, bộ này kiến nghị bỏ quy định về lộ trình "cứng" thực hiện hóa đơn điện tử tại dự thảo nghị định sửa đổi.
Thay vào đó, cửa hàng bán lẻ thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan thuế. Tức là, với trường hợp cấp mới giấy chứng nhận, cửa hàng đủ điều kiện sẽ phải thực hiện và tuân thủ ngay quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn.
“Việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn tới đứt nguồn cung, ảnh hưởng thị trường xăng dầu” - Bộ Công Thương nêu.
Tính khả thi của quy định về hóa đơn điện tử
Trên thực tế, chưa có lĩnh vực kinh doanh nào được yêu cầu phải thực hiện hóa đơn điện tử, cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử như là một trong những điều kiện kinh doanh.
Vì vậy khi đánh giá tác động, Bộ Công Thương cho rằng việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, đứt nguồn cung, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung xăng dầu trên thị trường.
Khảo sát thực tế hiện mới chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) áp dụng hóa đơn điện tử với hơn 2.700 cây xăng.
Kể cả doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) hay Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipecorp) vẫn trong quá trình nghiên cứu giải pháp kỹ thuật.
Còn lại các doanh nghiệp khác chưa áp dụng do các chi phí đầu tư có thể lên tới hàng trăm triệu đồng và thời gian thực hiện phải mất từ 1 đến 3 năm. Cũng theo Bộ Công Thương, việc này có thể dẫn tới số lượng lớn cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải ngưng hoạt động, gây đứt gãy nguồn cung xăng dầu trên thị trường, theo báo Tuổi trẻ.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng bày tỏ quan ngại trước quy đinh này. Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, đại diện một số công ty xăng dầu cho biết bán hàng và xuất hóa đơn là việc mà nhiều nhà bán lẻ xăng dầu đã và đang thực hiện. Đối với hóa đơn điện tử, nhiều đơn vị đã thực hiện từ tháng 7/2022 đến nay. Tuy nhiên, việc kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế khiến phát sinh thêm rất nhiều chi phí lên đến 20-30 triệu đồng hoặc nhiều hơn. Đơn cử như phải thay thế trụ bơm xăng dầu cho phù hợp, phát sinh chi phí mua hóa đơn và phải có đường truyền ổn định, cơ quan thuế cũng phải làm việc 24/24 giờ…
Trên báo Lao động, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát (Lâm Đồng) cho biết, bán lẻ xăng dầu không phải bán buôn nên việc xuất hóa đơn cho những lần bơm 5.000 đồng; 10.000 đồng; 15.000 đồng/lần bơm là điều vô lý và khó thực hiện do chi phí đôi khi cao hơn cả giá trị bán.
"Bán hàng xuất hóa đơn điện tử là việc 100% doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã và đang thực hiện. Nhưng câu chuyện xuất hóa đơn mỗi lần bơm đối với xăng dầu là chưa phù hợp ở giai đoạn hiện nay do thói quen và hình thức kinh doanh giao nhận xăng dầu vẫn mang đặc thù; người dân mua và thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu.
Do đó, trước đến nay, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thực hiện việc gộp những lần bán hàng cho người dân trả bằng tiền mặt, không nhận hóa đơn vào một hóa đơn tổng hợp với người mua là "khách hàng mua lẻ không lấy hóa đơn", ông Thắng nói.
Bảo An (T/h)