Blogger người Australia Michelle Barnes đã tiết lộ cách cô đã làm để trả hết khoản nợ 30.000 USD sau 1,5 năm lại còn dư một khoản 12.000 USD, dành cho chuyến du lịch Châu Âu.
Cô Michelle Barnes, một blogger người Australia, đã phá vỡ các khuôn mẫu chi tiêu truyền thống để tạo ra một thói quen tài chính mới, giúp cô tiết kiệm được nhiều tiền hơn.
Trong những video đăng trên mạng YouTube, Michelle tiết lộ cách cô trả hết khoản nợ trị giá 30.000 USD trong 1,5 năm và còn có được cho một chuyến du lịch châu Âu 6 tuần trị giá 12.000 USD.
Michelle Barnes đã trả được hết nợ và còn dư tiền đi du lịch Châu Âu nhờ biết tiết kiệm tiền bạc. |
Cô tuyên bố: "Cuộc sống của tôi bây giờ hoàn toàn khác với 4 năm trước."
Cô từng sống trong nợ nần và luôn cảm thấy mình thiếu tiền khủng khiếp.
Dưới đây là bản kế hoạch gồm 6 bước đơn giản của Michelle để mọi người đều có thể đạt được những mục tiêu về tiền bạc của mình.
1. Cần biết cách phân loại, dọn dẹp
Điều khiến bạn có suy nghĩ về việc tiết kiệm tiền bạc được bắt đầu từ việc phân loại, dọn dẹp.
Michelle kể rằng cô từng là loại người "luôn mua quần áo" nên có một cái tủ đầy ắp đồ đến mức chính cô cũng cảm thấy sợ mỗi khi mở nó ra.
Nhờ học tập phương pháp Konmari (cách sắp xếp tủ đồ bằng cách vứt bỏ tất cả, sau đó dọn dẹp lại không gian của bạn một cách kỹ lưỡng và toàn diện trong một lần duy nhất) và mất 30 ngày phân loại dọn dẹp đã khiến cô "thoát khỏi được rất nhiều thứ".
Cô nói: "Việc thiết lập lại không gian sống bằng cách nào đó đã khiến bạn trả lại mọi thứ vềđúng chỗ của nó. Nó giúp lập lại trật tự cho tủ quần áo và làm bạn suy nghĩ kỹ hơn về những gì mình đã tiêu tiền để mua"
2. Đa dạng hóa thu nhập
Michelle cho biết ngoài việc làm toàn thời gian một công việc mà hiện cô đang có thu nhập tốt thì cô cũng kiếm được thêm tiền thông qua viết blog và đăng video lên YouTube.
Việc áp dụng các chiến lược vạch theo Barefoot Investor, đặc biệt là phần dành cho việc tạo ra nguồn thu nhập của riêng cá nhân, đã giúp cô có suy nghĩ rộng hơn về cách kiếm tiền.
“Sẽ thật đáng sợ nếu bạn chỉ trông chờ vào thu nhập từ một doanh nghiệp (dù lớn hay nhỏ) để duy trì cuộc sống của mình. Tôi đã đa dạng hóa thu nhập của mình bằng cách làm video đăng YouTube, kiếm thu nhập từ Google AdSense, viết sách điện tử, phát second-channel, giao dịch thương hiệu cá nhân hay xem xét các link liên kết.”, cô nói.
Theo Michelle, kiếm thêm thu nhập, thay vì chắt bóp chi tiêu là cách hữu ích nhất để cố gắng kiểm soát các vấn đề về tiền bạc.
"Việc hạn chế chi tiêu có thể quan trọng trong giai đoạn đầu, đặc biệt khi bạn phải cố buộc mình dừng mua quá nhiều quần áo và đồ trang điểm.
Nhưng nếu phải hạn chế bản thân mình thì tôi thà rằng kiếm nhiều tiền hơn để chi tiêu cho những thứ mà mình thích, chỉ cần không thái quá là được."
3. Thiết lập thanh toán qua ngân hàng tự động
Kiểm soát tài chính cá nhân có nghĩa là đảm bảo bạn đã trang trải mọi chi phí sinh hoạt cần thiết trước khi chi tiêu cho những việc khác.
"Ngay sau khi tiền vào tài khoản, các khoản như vay trả góp, lãi suất, điện nước, tiền thuê nhà, thuế... sẽ tự động được chuyển trả ngay trước khi tôi truy cập vào để xem", Michelle nói.
Michelle cho biết lý do cô làm điều này đơn giản là "ghét trả các hóa đơn". Nếu cô phải tự tay làm việc này thì chắc chắn sẽ ngập trong nợ nần khủng khiếp. Cô còn có tiền tiết kiệm tự động để chi trả cho những trường hợp khẩn cấp.
Và sau khi trừ tất cả những khoản trên, số tiền còn lại trong tài khoản mới được Michelle dùng để tiêu xài.
4. Tạo danh sách những thứ quan trọng nhất
Theo Michelle, điều này mới là quan trọng nhất. Bởi chỉ khi nào bạn rõ ràng về việc bạn muốn dùng tiền nhất, bạn mới ngừng chi tiêu vào những điều không quan trọng.
Cô nói: "Nghĩ lại tất cả các giao dịch mua sắm gần đây, tôi có thể tự tin mà nói rằng mọi thứ tôi trả tiền đều đúng với giá trị và mục đích mình mong muốn."
5. Giới hạn 'ở nhà và không tiêu gì'
Điều này rất quan trọng đối với những người trẻ tuổi, thích có cuộc sống hướng ngoại, hay la cà tụ tập. Và những dịp như vậy thì không thể thiếu được những chầu ăn hàng (takeout). Blogger trẻ cho biết bản thân cô cũng thích đi tụ tập như vậy, có tối còn chạy 'sô' mấy chỗ liền.
"Về lâu dài, việc này tích dần lên cũng là một số tiền lãng phí không nhỏ do vậy tôi giảm bớt việc này, chỉ mỗi tuần đi một lần là đủ."
Nếu đi chơi, Michelle cũng cố gắng làm việc gì đó tiêu bớt thời gian (chẳng hạn đi xem gì đó, dạo chơi...) trước khi cùng bạn bè thưởng thức một bữa ăn vui vẻ.
“Tôi nghĩ gần như mọi người ở tuổi tôi nếu không tiêu hết tiền vào quần áo, thì sẽ ném nó vào đồ ăn. Vì vậy, nếu bạn cắt giảm được vụ ăn hàng đi thì sẽ tiết kiệm được ối tiền."
6. Tránh bị cám dỗ mua sắm
Nếu bạn đang nỗ lực để tiết kiệm tiền thì cần phải có kế hoạch hẳn hoi để tránh bị cám dỗ.
"Điều đáng sợ nhất là khi đến các trung tâm mua sắm, bạn sẽ dễ dàng mua những món đồ mới, tiêu tiền vào những thứ mà bạn trước đó chưa từng nghĩ mình sẽ mua", Michelle nói.
Blogger trẻ cho biết Internet đã trở thành phao cứu sinh và là phương pháp khôn ngoan nhất để cô kiềm chế thói quen nghiện mua sắm qua mạng của mình.
"Rất nhiều thói quen mua sắm không tốt có nguồn gốc từ những email chào hàng từ các công ty. Họ gửi cho tôi tất cả các sản phẩm mới nhất được sắp xếp trông tuyệt vời đến nỗi tôi cảm thấy mình cần mua hết cả chúng.", cô nói.
Lời khuyên của Michelle là bạn nên hủy phần thông báo nhắc nhở đăng ký bằng địa chỉ email mỗi khi mua bất kỳ thứ gì, hủy những yêu cầu cập nhật/theo dõi sản phẩm mới của công ty trên Instagram đầy cám dỗ, hãy thẳng tay cho chúng vào AdBlocker.
Cô nói: "Sản phẩm bạn nhìn thấy trên web sẽ không gây phiền nhiễu gì cho cuộc sống của bạn trừ khi bạn tiêu tiền mua nó về.
Bạn cần duy trì suy nghĩ rằng mình không cảm thấy cần phải liên tục mua thứ gì đó. Nếu có cần thì cũng chỉ mua đủ dùng."
Minh Minh (Theo Daily Mail)