Không chỉ khiến sân bay Hong Kong (Trung Quốc) tê liệt, các cuộc biểu tình kéo dài làm ngưng trệ nhiều hoạt động kinh doanh tại thành phố, tăng trưởng kinh tế toàn cầu lao dốc.
Cảnh sát và người biểu tình đụng độ ở Hồng Kông hôm 11/8. Ảnh: Reuters |
Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã nhiều lần nghẹn ngào trong cuộc họp báo hôm 13/8. Nữ lãnh đạo nói việc người biểu tình chiếm cứ sân bay quốc tế Hong Kong khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy, cũng như bao vây đồn cảnh sát và phong tỏa các con đường, đã khiến thành phố không còn là nơi an toàn.
Phát biểu trong cuộc họp báo trước giờ họp Hội đồng Hành pháp, bà Lâm nói: "Hong Kong đang bị thương nghiêm trọng. Thành phố cần thời gian dài để bình phục", theo báo South China Morning Post.
"Hãy gạt sang một bên những bất đồng và dành ra một phút để suy nghĩ, suy xét về thành phố của chúng ta, gia đình của chúng ta. Chẳng lẽ mọi người nhẫn tâm đẩy cái gia đình này xuống vực sâu thịt nát xương tan hay sao?", bà nói với những người biểu tình.
Tuy nhiên Carrie Lam từ chối các câu hỏi về việc liệu bà có từ chức.
"Tôi với tư cách là trưởng đặc khu, sẽ chịu trách nhiệm xây dựng lại nền kinh tế Hong Kong và lắng nghe một cách chăm chú nhất có thể để những bất bình của người dân có thể được giải quyết".
Hong Kong bị chấn động bởi các cuộc biểu tình, bạo lực kể từ ngày 9/6, mà nguyên nhân là dự luật dẫn độ cho phép nghi phạm hình sự được đưa trở lại Trung Quốc đại lục để xét xử. Hiện việc thảo luận dự luật này đã bị hoãn.
Người biểu tình tập trung tại Sân bay quốc tế Hong Kong, buộc các lãnh đạo cấp cao phải hủy toàn bộ chuyến bay còn lại trong ngày. Ảnh: Getty Images. |
Chiều 12/8, hơn 5.000 người biểu tình mặc áo đen tràn vào sân bay quốc tế Hong Kong trong ngày thứ tư liên tiếp. Theo đó, hơn 300 chuyến bay tiếp tục bị hủy.
Hành khách bối rối vì không rõ chuyện gì đang xảy ra và sẽ diễn ra tiếp theo vì cửa hàng, quán ăn, quầy làm thủ tục check-in đóng cửa. Tàu hỏa và xe buýt chạy về thành phố ken đặc người. Có một quầy thông tin duy nhất còn hoạt động với đội ngũ nhân viên bơ phờ.
Du khách Úc Hayden Smyth cười nói: “Lần chào đón lần này khác trước tí ti”. Trong khi đó, nhiều hành khách khác nổi nóng. “Chúng tôi yêu Hong Kong nhưng thành phố này đã thực sự thay đổi toàn bộ quan điểm của chúng tôi. Tôi hiểu vụ biểu tình nhưng điều này không giúp gì cho du lịch”, du khách Úc Kim Macaranas nói.
Không chỉ khiến sân bay Hong Kong tê liệt, các cuộc biểu tình kéo dài làm ngưng trệ nhiều hoạt động kinh doanh tại thành phố. Hàng loạt cửa hàng đóng cửa, hệ thống tài chính và vận tải bị xáo trộn, dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu lao dốc.
Phòng Thương mại Hong Kong cũng cảnh báo: "Tình trạng bạo lực không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của Hong Kong mà còn khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ lao đao, đồng thời đe dọa sự an toàn và việc làm của người dân Hong Kong".
Hành khách chờ đợi tại sân bay. Ảnh: AP |
Theo CNBC, trong phiên giao dịch buổi sáng 13/8, thị trường chứng khoán Hong Kong tiếp tục chao đảo. Chỉ số Hang Seng giảm 1,24%. "Bạo lực sẽ tác động mạnh đến thị trường", chuyên gia kinh tế Dariusz Kowalczyk thuộc Credit Agricole nhận định.
Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số chứng khoán Thượng Hải sụt giảm 0,58%, thị trường Thâm Quyến giảm 0,55%. Các thị trường khác tại châu Á cũng ảm đạm.
149 người bị bắt giữ từ ngày 9/8 đến 12/8, gồm 11 nam và 38 nữ trong độ tuổi từ 15 đến 53. Họ bị cáo buộc các tội danh tụ họp bất hợp pháp, tấn công cảnh sát, cản trở cảnh sát thi hành công vụ, sở hữu vũ khí tấn công và gây nguy hiểm.
Trong ngày 11/8, 15 đối tượng bị bắt giữ vì tàng trữ vũ khí trái phép, trong đó có súng laser, bóng thép và súng cao su. Nhiều nhóm biểu tình trong khi đó tỏa ra nhiều điểm khác nhau, chặn các tuyến đường chính, bao vây các xe cảnh sát.
Ở khu Tsim Sha Tsui thuộc bán đảo Cửu Long, một nhóm người ném bom xăng vào đồn cảnh sát khiến chân của một sỹ quan bị bỏng nặng.
Mộc Miên (T/h)