Theo VTC News, gần đây, cô Cao (sống tại Nam Kinh, Trung Quốc) mua một chiếc vòng tay vàng tại Cửa hàng trang sức Xincuiyuan ở Quảng trường New Century Nam Kinh. Sau đó, cô đem nó đến bán ở một cửa hàng khác, quá trình kiểm tra phát hiện ra chiếc vòng này rỗng ruột và rò rỉ một chất lỏng trong suốt như nước. Trọng lượng của chiếc vòng giảm 1,7 gram (1 chỉ vàng nặng 3.75gram).
Cô Cao cho rằng doanh nghiệp bán vòng vàng cho mình gian lận, cố tình bán cho mình loại “vàng chứa nước”. Cửa hàng trang sức Xincuiyuan đề nghị bù lại trọng lượng vàng bị hụt nhưng không nhận có hành vi gian dối, cho rằng độ ẩm còn sót lại trong chiếc vòng có thể là do lỗi của quá trình sản xuất.
Chiếc lắc tay sau khi cắt ra và loại bỏ nước, trọng lượng của nó đã giảm đi 1,7gr so với ban đầu. Ảnh: Sohu
Câu trả lời này không làm hài lòng cô Cao. Nhiều người cũng bức xúc khi biết sự việc. Họ bỏ ra một số tiền lớn mua vàng nhưng bên trong lại có nước thì ai còn dám tin tưởng cửa hàng nữa, thông tin từ Sohu.
Theo một luật sư, nếu người bán cố tình bơm nước vào vàng thì đó là hành vi gian lận và phải bồi thường gấp 3 lần. Nếu do lỗi kỹ thuật, trọng lượng vàng bồi thường phải tương đương với trọng lượng nước lọt vào trong.
Cô Cao đã kiện tiệm vàng này và vụ việc đang được xem xét.
Sự việc của cô Cao đã làm dấy lên cuộc tranh cãi. Nhiều chuyên gia trang sức nhận định rằng, việc vàng rỗng có nước bên trong chủ yếu là do lỗi kỹ thuật.
Trong quá trình chế tác trang sức rỗng, nếu không thiết kế lỗ thoát nước hợp lý hoặc lỗ quá nhỏ sẽ không thể sấy khô triệt để, nước dễ sót lại bên trong. Theo thời gian, nước bốc hơi, trọng lượng của vàng cũng giảm đi.
Tuy nhiên, vấn đề này thường là do có sự tắc trách trong khâu kiểm tra chất lượng của xưởng, không liên quan trực tiếp đến công nghệ sản xuất.
Hơn nữa, về mặt lý thuyết, quá trình hàn nhiệt độ cao có thể loại bỏ độ ẩm còn sót lại và lỗ thoát nước được thiết kế hợp lý có thể đảm bảo trang sức được sấy khô hoàn toàn. Lúc này, khả năng tồn tại chất lỏng là rất thấp.
Tuy nhiên, theo trang 163, cũng có một số cơ sở cố tình làm tăng trọng lượng đồ trang sức bằng cách tiêm chất lỏng hoặc keo vào bên trong kim loại rỗng. Người mua hàng không chú ý dễ bị mắc lừa, theo VietNamNet.