Các chuyên gia sức khỏe ước tính có đến hơn 200 loại ung thư khác nhau và chúng có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào. Một thực tế là số bệnh nhân ung thư ngày một nhiều và các phương pháp trị liệu thì tốn kém mà vẫn không thể đảm bảo xử lý được tận gốc rễ vấn đề. Do đó các thầy thuốc khuyên rằng, nếu bạn quan tâm đến sức khỏe thì "Hãy chặn đứng căn bệnh ung thư trước khi nó bắt đầu!"
Hãy nắm lấy những nguyên tắc sau:
Hạn chế các thực phẩm "rác". Bim bim, kẹo, bánh ngọt, nước ngọt… Đây là những loại thực phẩm không mang lại giá trị dinh dưỡng cho cơ thể nhưng lại chứa nhiều nguy cơ. Các nhà sản xuất cố gắng làm sao chúng thật hấp dẫn, từ màu sắc đến mùi vị, để kích thích người ăn ngon miệng, kích thích tiêu dùng từ đó mới tăng doanh số bán hàng được. Phẩm màu được dùng để cho bắt mắt, có thể là chiên cho giòn, nêm nếm gia vị thật đậm đà (bột ngọt, đường, muối, dầu ăn…), hương liệu tổng hợp hóa học cho dậy mùi đặc trưng, có chất bảo quản để chống mốc, chống khuẩn… Thực ra cơ thể không nhất thiết cần những thực phẩm này, lợi ít mà hại nhiều, đặc biệt là các chất hóa học vốn không có nguồn gốc từ thực phẩm tự nhiên như kể trên. Theo nhiều nghiên cứu, bột ngọt gây hại cho thần kinh, hại mắt, thúc đẩy hình thành các khối u. Đường được xem như là thực phẩm nuôi tế bào ung thư. Nhiều chất hóa học gây rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột vốn tăng cường tính miễn dịch cho cơ thể, đồng thời có thể đảo lộn sự hoạt động của các tuyến nội tiết, các hoóc-môn…
Không hút thuốc và tránh hít phải khói thuốc. Thuốc lá cũng là một thực phẩm rác. Cách đây khoảng 50 năm thì các bác sĩ phương Tây vẫn còn cổ vũ hút thuốc lá tốt cho sức khỏe nhưng ngày nay thì khác. Chúng chứa đến hơn 7.000 chất độc hại, trong đó có nhiều loại được thêm vào để cho bạn thấy nghiện khi hút. Nó không chỉ gây nghiện mà còn là tác nhân gây ung thư hàng đầu cho cả người trực tiếp hút và người hít phải khói thuốc ở kế bên.
Người ta còn phát hiện trong khói thuốc lá có chất phóng xạ cực độc là Polonium-210, độc hại hơn khoảng 250 triệu lần so với chất cực độc cyanua. Khi người nông dân sử dụng phân bón giàu photphat để trồng thuốc lá, chất này sẽ bị cây hấp thụ và lưu lại trong lá. Khi thuốc lá cháy, nó đạt tới nhiệt độ 600-800 độ C, cao hơn nhiệt độ nóng chảy của polonium. Polonium nóng chảy dính vào các hạt li ti trong khói thuốc lá và sau đó đọng lại ở trong đường hô hấp và phổi người, từ đó gây ra bệnh tật và thậm chí là tử vong.
Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn. Đứng đầu có lẽ là mì gói, kế tiếp là các loại đồ hộp, và các loại đồ ăn chế biến sẵn khác (không kể loại lên men tự nhiên). Loại này khác với thực phẩm "rác" ở trên ở chỗ, đôi khi bạn vẫn phải dùng chúng để chữa cháy vào những lúc thực sự không có nhiều lựa chọn, phải đi xa hoặc thời giờ gấp gáp. Một nguyên tắc hàng đầu là thực phẩm tươi mới có giá trị tốt nhất (trừ một số loại như rượu vang…). Trong quá trình chế biến, giống như trường hợp thực phẩm rác, người ta cần bổ sung vào đó các phụ gia hóa chất. Thêm vào đó là quá trình công nghệ thời gian bảo quản lâu làm cho giá trị dinh dưỡng giảm dần, thậm chí có thể phát sinh thêm một số chất độc hại. Chúng có thể lây nhiễm thêm các hóa chất độc hại từ bao bì, như kim loại nặng, bisphenol A, hợp chất perfluorinated. Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy cơ thể rất vất vả để tiêu hóa sợi mì gói, chúng có thể được lưu lại đến 2h nếu bạn không quen với loại này. Vậy nên hạn chế được thì vẫn là tốt nhất.
Hạn chế đường – tác nhân độc hại tương đương với thuốc lá. Mang vị ngọt được ưa thích, đường gây nghiện chẳng kém gì cocain. Đường ngọt ngào và quen thuộc đến mức chẳng ai muốn nghi ngờ. Ăn nhiều đường không chỉ gây sâu răng mà còn thúc đẩy quá trình hình thành nhiều bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường tuýp 2, cao huyết áp, lão hóa da… và các chuyên gia đề xuất dán nhãn cảnh báo thực phẩm có bổ sung đường tương tự như với thuốc lá.
Tiến sĩ Mercola, một chuyên gia nổi tiếng về dinh dưỡng tự nhiên của Mỹ, đã tổng kết được một danh sách 76 vấn đề sức khỏe có liên quan đến đường, xem đó như là “đường dây” kết nối người tiêu dùng với bệnh viện. Mang vị ngọt được ưa thích, đường gây nghiện chẳng kém gì cocain và thường được bổ sung thêm vào các loại thực phẩm chế biến sẵn để tăng độ hấp dẫn, gây “nghiện”. Hai loại đường được dùng phổ biến nhất trong các loại thực phẩm là đường tinh luyện và siro fructose từ bắp (HFCS, high fructose corn syrup), đây cũng là hai loại nguy cơ nhất cho sức khỏe con người. Bạn có thể dễ dàng quan sát thấy HFCS trên bao bì nhiều loại đồ uống công nghiệp được bày bán khắp nơi.
Bia rượu: nguyên nhân của 7 loại ung thư. Tiếp khách qua bàn nhậu, gặp bạn bè làm một vài lon bia đã thành phổ biến ở khắp Việt Nam. Tính trên toàn cầu Việt Nam nằm trong danh sách 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới, ở châu Á thì chỉ đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Nhật Bản, và giữ ngôi vị số một Đông Nam Á. Tình trạng rượu bia giả hoặc chất lượng kém thường gặp ở Việt Nam, khiến cho rượu bia trở nên nguy hại hơn cho sức khỏe. Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về ung thư IARC – một bộ phận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp rượu là loại chất gây ung thư thuộc nhóm 1 (group 1 carcinogen) – là nhóm các chất gây ung thư ở người. Rượu được xem là liên quan đến ít nhất 7 loại ung thư: Miệng – họng, thực quản, thanh quản, vú, gan, đại trực tràng, dạ dày.
Ăn đồ mốc: ung thư gan. Các loại thực phẩm mốc như lạc mốc, ngô mốc, mực khô bị mốc… có chứa độc tố vi nấm aflatoxine cực độc cho gan. Ngay cả khi đã chế biến, rửa cho hết mốc thì các chất độc này cũng không bị loại bỏ vì chúng ngấm vào bên trong thực phẩm và không bị phân hủy ở nhiệt độ cao.
Với thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam, lương thực thực phẩm khô rất dễ bị mốc do hút ẩm nhiều. Nhiều bà nội trợ thấy gạo, đậu bị mốc nhưng tiếc không bỏ đi mà đem phơi khô để ăn tiếp, với suy nghĩ phơi qua nắng nấm mốc sẽ bị tiêu diệt. Nhưng thực chất độc tố của chúng vẫn nằm ở đó.
Trường hợp chăn nuôi sử dụng các loại nguyên liệu mốc, độc tố có thể được tích lũy lại trong vật nuôi và qua đó ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Không ăn đồ cháy. Món nướng thuộc diện khoái khẩu của rất nhiều người, tiếc rằng chúng lại ẩn chứa rất nhiều những nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ gây ung thư. Thịt cháy sẽ tạo ra các hợp chất heterocyclic amines (HCAs) có thể gây ung thư. Nhiều người có thói quen nướng thịt cháy xém để đảm bảo chúng sẽ chín kỹ, mà không biết rằng khi thịt nướng quá lâu như vậy sẽ sản xuất ra nhiều HCAs hơn, có thể gây ung thư khi tích tụ với nồng độ cao.
Ngoài ra, lượng mỡ chảy xuống than khiến khói bay lên và bám vào đồ ăn. Khói này chứa polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs) có thể làm tổn hại DNA trong của gan, dạ dày và gây ra các loại ung thư. Nguy cơ này cũng tương tự như khi các đồ ăn nhiều đạm (thịt, cá) bị chiên cháy trên chảo.
Không ăn thực phẩm bẩn. Nhóm này được xếp xuống cuối cùng vì ai cũng nghe nói nhưng quả thực rất khó tránh, nhưng tránh được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc ép chín… là một vấn nạn trong an toàn thực phẩm của Việt Nam, trước mắt vẫn chưa có giải pháp. Không ai có thể đánh giá hết nguy cơ của chúng đối với sức khỏe người tiêu dùng. Bạn chỉ có thể hạn chế bằng cách tìm được nguồn cung cấp quen biết đáng tin cậy, hoặc tránh những loại có nguy cơ cao, mùa nào thức nấy. Nhiều người phải nhận chẩn đoán mắc ung thư vào một thời điểm nào đó trong đời. Điều này một phần do tuổi thọ tăng cao, một phần ảnh hưởng từ béo phì, hút thuốc lá. 1/3 trường hợp ung thư có thể ngăn chặn thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, vận động hợp lý và duy trì trọng lượng lý tưởng.
Hướng dẫn mới của Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới đã đưa ra những khuyến nghị dưới đây nhằm góp phần ngăn ngừa nguy cơ ung thư:
Làm việc nhà. Hoạt động thể chất, ngay cả những việc đơn giản như lau nhà có thể làm giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư ruột và vú. Các nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động thường xuyên có thể giúp hàm lượng hormone khỏe mạnh trong cơ thể duy trì ở mức lý tưởng.
Nhai cà rốt. Chỉ cần ăn vượt quá nhu cầu hơn 100 calo mỗi ngày có thể dẫn đến tăng 5 kg một năm. Thừa cân, béo phì là nguyên nhân góp phần dẫn đến 10 loại ung thư bao gồm đường ruột, vú và gan. Bạn không nhất thiết phải từ bỏ các bữa ăn nhẹ, chỉ cần thay thế chúng bằng những thực phẩm ít calorie. Chẳng hạn nên thay khoai tây chiên bằng các loại rau như cà rốt. Nếu không thể từ bỏ thói quen ăn ngọt, hãy thay thế bằng một thanh chocolate nhỏ dưới 100 calo.
Ăn ngũ cốc nguyên hạt. Nên thay thế bánh mì, mì ống bằng ngũ cốc nguyên hạt để tăng lượng chất xơ. Chất xơ giúp no lâu, dễ dàng duy trì trọng lượng khỏe mạnh và giảm nguy cơ ung thư liên quan đến thừa cân, béo phì. Nó cũng giúp quá trình tiêu hóa thuận lợi, hạn chế nguy cơ ung thư đường ruột.
Giảm muối. Ăn quá nhiều muối không chỉ làm tăng huyết áp mà còn tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Theo các nhà khoa học, lý do là muối có thể gây hại niêm mạc dạ dày. Nên sử dụng các loại gia vị, rau thơm, tỏi, chanh, hạt tiêu đen, gừng... để tăng hương vị món ăn mà không cần phải dựa vào muối.
Ăn chay mỗi tuần một ngày. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy ăn nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ ung thư ruột. Cách chế biến thịt như xông khói, dăm bông có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Chất gây ung thư có thể được hình thành trong quá trình bảo quản thịt bằng hóa chất, phơi hay muối. Lựa chọn chế độ ăn không có thịt một ngày mỗi tuần hoặc thêm cá vào thực đơn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe.
Tăng cường đi bộ. Bớt thời gian cho các hoạt động tĩnh như xem tivi, đọc sách vào buổi tối để có nhiều thời gian ra ngoài đi bộ, giúp hạn chế đáng kể nguy cơ ung thư
Hằng Thanh (T/h)