Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bi kịch những vụ “người trong cuộc” dùng tính mạng giải quyết mâu thuẫn gia đình

(DS&PL) -

Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng không tránh khỏi sự cãi vã. Tuy nhiên, thay vì ngồi lại để trao đổi tìm tiếng nói chung, một số người lại chọn cách giải quyết tiêu cực

Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng, không tránh khỏi sự cãi vã, to tiếng. Tuy nhiên, thay vì ngồi lại để trao đổi tìm tiếng nói chung, một số người lại chọn cách giải quyết bằng cách tiêu cực tự kết liễu đời mình, thậm chí tước đi mạng sống của những đứa trẻ vô tội.

Sau ly hôn, không ít vụ án gia đình đã xảy ra. Ảnh minh họa

Vợ đòi ly hôn, chồng tự tử cùng con

Chiều 2/3, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Công an TP.Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, tại phường Hải Hòa (TP.Móng Cái) vừa xảy ra sự việc thương tâm 2 bố con tử vong nghi do uống thuốc diệt chuột.

Theo thông tin ban đầu, vào 21h ngày 1/3, người dân phát hiện anh N.V.C. (SN 1993) cùng 2 con trai là N.T.K. (SN 2015) và N.M.Kh. (SN 2017) nghi uống thuốc chuột tự tử. Phát hiện ra sự việc, gia đình và hàng xóm đưa các nạn nhân đi cấp cứu, nhưng đến 23h30 cùng ngày, anh C. và con trai lớn đã tử vong. Hiện, con trai út của anh C. được chuyển đến bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh để tiếp tục cấp cứu.

Ngay sau khi nhận tin báo, Công an phường Hải Hòa có mặt tại hiện trường, đồng thời báo sự việc lên Công an TP.Móng Cái phối hợp điều tra vụ việc.

Cũng theo lãnh đạo Công an TP.Móng Cái, nguyên nhân được xác định do vợ chồng anh C. có mâu thuẫn về kinh tế, người vợ muốn ly hôn nên có thể anh C. nghĩ quẩn, pha thuốc diệt chuột rồi cho 2 con cùng uống.

Công an địa phương phát hiện dưới gầm giường nhà anh C. có 5 ống nhựa trắng, bên trong có chất nghi là thuốc diệt chuột. Người thân cho hay gần đây, vợ anh C. đòi ly hôn. Thi thể của anh C. và cháu K. đã được bàn giao cho gia đình tổ chức mai táng.

Cách đây không lâu, tối 5/2/2020, tại nhà riêng của ông Nguyễn Văn N., 40 tuổi, ở thôn 3, xã Thanh Thạch xảy ra vụ việc chồng khóa trái cửa rồi đánh vợ trọng thương sau đó tự tử. Vào thời điểm trên, do mâu thuẫn tình cảm nên ông N. đã dùng chân, tay và hung khí đánh vợ là bà Hoàng Thị M. (31 tuổi) bị thương nặng. Những người hàng xóm cho biết lúc đánh vợ, ông N. đã khóa trái cửa, mở nhạc thật to. Sau khi biết được sự việc, người dân xung quanh đã đến can ngăn và đưa bà M. đi cấp cứu tại bệnh viện Trung ương Huế. Tối cùng ngày, ông N. đã treo cổ chết tại vườn nhà. Được biết, vợ chồng ông N. có 3 con nhỏ, một học lớp 4, một học lớp 3 và một cháu đang học mẫu giáo, hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Trưa 27/7/2013, cậu con trai 10 tuổi của anh Hoàng Xuân Tr. (SN 1968, ở Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) hốt hoảng chạy sang gọi ông nội: “Ông ơi bố cháu treo cổ tự tử trên nhà rồi. Ông lên cứu bố cháu với”. Bố anh Tr. vội chống gậy sang thì thấy con trai treo cổ giữa nhà. Mọi người đến đưa anh Tr. xuống nhưng nạn nhân đã tắt thở.

Nguồn cơn của sự việc là do chị T. (vợ anh Tr.) quyết định ly hôn. Là vợ thứ hai của anh Tr., đã có với nhau 2 mặt con, nhưng những tháng ngày hạnh phúc bên chồng của chị T. chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chồng chị nghiện rượu, mỗi khi say xỉn lại lôi vợ con ra mắng chửi thậm tệ. Không ít lần chị T. bị chồng đánh cho thâm tím mặt mày. Yêu thương chồng, chị T. bỏ qua tất cả, những mong giữ được mái ấm cho các con. Nhưng rồi chị càng nhịn, người chồng càng chìm trong say xỉn. Không muốn tiếp tục sống trong cảnh cơ cực, chị T. tự giải thoát mình bằng cách viết đơn xin ly hôn.

Sau khi làm đơn ly hôn chồng, chị T. bỏ về nhà mẹ đẻ. Anh Tr. cố tìm cách níu kéo hôn nhân, liên tục tới nhà ngoại thuyết phục vợ quay về với mình nhưng bất bất thành. Những ngày chị T. bỏ đi, anh Tr. vẫn chìm đắm trong men say. Anh Tr. bị sốc nặng khi nhận được tờ giấy triệu tập của tòa án để giải quyết việc ly hôn. Ngày 27/7, anh ra vườn cắt một đoạn dây thừng, loại to bằng ngón chân cái, mang vào nhà treo cổ tự vẫn. Đứa con trai 10 tuổi đã phát hiện, gọi ông nội sang nhưng không kịp.

Không nên coi thường mạng sống của chính mình

Những vụ việc đau lòng trên cho thấy, mâu thuẫn trong gia đình là nguồn cơn dẫn đến việc nhiều người đánh đổi bằng tính mạng của mình.

Nhận định về hiện tượng này, TS. Nguyễn Thị Kim Quý (hội Tâm lý giáo dục Việt Nam) nhận định: “Chỉ có những người thiếu ý chí, thiếu trách nhiệm với bản thân, với gia đình, xã hội mới gây nên hành vi như vậy. Mỗi người khi bước vào mối quan hệ tình cảm nên tự xác định tâm thế thoải mái, tích cực và xây đắp. Việc hợp tan trong tình yêu là điều bình thường; đừng nên tạo áp lực cho mình về người duy nhất hoặc tình cảm duy nhất trong cuộc đời mà cần hướng đến sự phù hợp, thấu hiểu dài lâu, bền chặt. Nếu tự nhận thấy không thể duy trì mối quan hệ đó được nữa thì đừng níu giữ mà hãy buông tay để tạo cơ hội cho cả hai về một mối quan hệ khác tốt đẹp và phù hợp hơn cho tương lai phía trước”.

Cũng theo chuyên gia Kim Quý, đang có nhiều lỗ hổng trong bài toán xây dựng con người, dẫn đến hệ lụy là sự vô cảm. Và đây là nguồn cơn sâu xa của bạo lực. Với những vụ trọng án xuất phát từ tình ái, thù tức, ghen tuông thì thủ phạm sống trên cái nền tâm lý chung đó, lại gặp hàng loạt yếu tố bất lợi khác tác động nên có xu hướng chọn giải pháp “tự xử” – tự mình thay mặt pháp luật để xử án, dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

Dưới góc độ tâm lý tội phạm, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng, do thiếu kỹ năng quản lý xung đột nên những mâu thuẫn không được kiềm chế, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, gây nên những vụ thảm án, thảm sát và tự sát.

Theo Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, mâu thuẫn tình cảm thường bị đẩy lên rất cao bởi tính tự trọng, tính ích kỷ, tính tham lam, tính cố chấp và tính chiếm đoạt tiềm ẩn trong mỗi người. Mâu thuẫn tích tụ lâu dài, không được hóa giải kịp thời thì cấp độ, sự quyết liệt trong hành động càng dữ dội. Yếu tố nạn nhân (phản ứng của người bị hại khi gặp xung đột) cũng là tác nhân rất quan trọng. Khi xảy ra mâu thuẫn, các nạn nhân cần kiềm chế, tránh có những hành vi, lời nói, hành động, cử chỉ, thái độ kích động, chạm tự ái sâu sắc của người đang yêu. Không đẩy đối tượng vào thế tận cùng, bị tổn thương quá lớn, bị kích động, không còn gì để mất. Tránh để người yêu trở nên hằn học, cay cú, đau đớn và bức xúc, chỉ hành động theo bản năng, giải tỏa tức thì những gì chất chứa, ấp ủ.

“Kỹ năng hóa giải vấn đề đối với nạn nhân là vô cùng quan trọng. Trong những trường hợp xảy ra mâu thuẫn về mặt tình cảm thì chính nạn nhân, thường là nữ, phải có kỹ năng kiểm soát hành vi. Phải để người kia hiểu rằng tình yêu không chỉ có một, phía trước vẫn là bầu trời, cuộc sống sau đó sẽ vẫn tiếp diễn. Phải có cách thức làm dịu đi những cơn đau, làm dịu đi những bức xúc”, chuyên gia tội phạm học Đỗ Cảnh Thìn phân tích.

Nhóm PV

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 37 ngày 4/3/2020

Tin nổi bật