Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bí ẩn về thị trấn trên núi Ba Vì bị lãng quên và lời đề nghị nhã nhặn: Hồi sinh một phần thị trấn xưa (Bài 4)

(DS&PL) -

Trong một lần trò chuyện với ông Lương Ngọc Anh, Giám đốc Công ty CFTD, ông kể, khi xây đền thờ Bác Hồ ở núi Ba Vì, ông biết thông tin trên núi có nhiều biệt thự Pháp

Trong một lần trò chuyện với ông Lương Ngọc Anh, Giám đốc Công ty CFTD, ông kể, khi xây đền thờ Bác Hồ ở núi Ba Vì, ông biết thông tin trên núi có nhiều biệt thự Pháp nhưng chỉ là phế tích. Và ông đã làm cuộc điền dã, mục sở thị những đống đổ nát lặng câm.

Với nhiều người, khi lên núi Ba Vì, nhìn thấy những móng nhà trơ chọi, những bức tường đá hay gạch sạm đen cũng không gây cho họ nhiều cảm xúc, đơn giản nó là những thứ bỏ đi. Nhưng ông Lương Ngọc Anh lại nhìn thấy cơ hội từ hoang tàn đó và nếu phục dựng thành công sẽ làm sống lại di sản giá trị. Lương Ngọc Anh bảo đã hình dung ra những khó khăn, thách thức lớn nhỏ, những vướng mắc sẽ xuất hiện trong quá trình thực hiện. Cái khó đối với doanh nghiệp Việt đôi khi không phải là vốn, thiếu tiền có thể vay ngân hàng. Cũng không phải thiếu kiến trúc sư tài hoa, thợ xây có kỹ thuật, nhân công... đó là những việc có thể giải quyết trong tích tắc. Khó ở những chuyện rất khó nói ra.

Phế tích sân bay cốt 600 nhìn từ trên cao

Năm 2008, đại diện cho Vườn quốc gia là ông Đỗ Khắc Thành đã ký hợp đồng với CFTD. Thời hạn hợp đồng là 50 năm và mỗi năm CFTD trả cho vườn 150 triệu đồng. Hợp đồng quy định rõ mục đích của liên doanh, liên kết là có các hoạt động bao gồm: Du lịch và nghỉ dưỡng, dịch vụ ăn uống... Năm 2010 cơ quan chủ quản có quyết định phê duyệt quy hoạch chung trong đó phân khu dịch vụ hành chính là 340ha, phần cho CFTD thuê là 60ha trên núi Ba Vì. Sau khi có quy hoạch chi tiết cần phải có đánh giá tác động của dự án đến môi trường, CFTD đã thuê chuyên gia hàng đầu thực hiện công việc này. Rồi lại lập hồ sơ và phương án phòng cháy chữa cháy. Hồ sơ đầu tư còn thiếu bước cuối cùng để phê duyệt dự án trong đó mấu chốt nhất là quy hoạch chi tiết. Rồi có nhiều chuyện xảy ra, thậm chí ồn ã nhưng sau cũng yên ổn. Nhưng đến 2016, hai bên thống nhất hủy hợp đồng cũ thay bằng hợp đồng mới. Theo hợp đồng mới, CFTD thuê không gian môi trường của Vườn quốc gia Ba Vì với thời hạn 30 năm và mỗi năm CFTD trả 2% trên tổng doanh thu cho phía vườn. CFTD có nhiệm vụ phải bảo vệ diện tích rừng được giao.

Chuyện hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam khá giống cái đèn đỏ ở ngã tư. Không phải ngã tư nào cũng cần đèn đỏ, có hay không phụ thuộc vào lưu lượng xe cộ từ các hướng. Thế nhưng người ta cứ khư khư quan niệm, ngã tư dứt khoát phải có đèn đỏ. Khi tuyến đường đó bị ùn tắc, có người lao xe lên vỉa hè thì dư luận chỉ phê phán người phóng xe trên vỉa hè, điều đó rất đúng nhưng quên mất rằng nguyên nhân sâu xa của sự vi phạm chính là cái đèn đỏ phi lý ở ngã tư. Cái đèn được dựng lên một cách chủ quan cố ý và không ai muốn gỡ hoặc dám gỡ. Lâu nay dư luận chỉ nhằm nhằm đến cái sai của doanh nghiệp, hiếm khi thấy nói đến thuế họ nộp, đến công ăn việc làm họ tạo ra cho xã hội. Đúng là chẳng cuộc kiếm tiền nào là đơn giản dễ dàng ngoại trừ tham nhũng. Nói như cố giáo sư Hoàng Ngọc Hiến thì “nước mình nó thế”.

Dù muôn trùng khó khăn nhưng từ những nền hoang ở cao độ 600m đã mọc lên những biệt thự sang trọng, bằng tiền của doanh nghiệp khác với người Pháp xây những biệt thự bằng mồ hôi, máu tù   nhân. Melia Ba Vì nhỏ nhỏ xinh, dịu dàng như cô sơn nữ, làm cho ông Đỗ Khắc Thành ngỡ ngàng vì từ ngày nghỉ hưu năm 2010, đúng 10 năm sau ông mới trở lại nơi đã gắn bó một phần đời. Những con đường gập ghềnh sỏi đá trước kia nay được trải nhựa phẳng lỳ, hai bên là hoa dã quì và vô số những cây ráy xanh mát. Ông Thành mang máng xưa có họa sĩ lấy cây ráy Ba Vì làm mẫu vẽ nên một tác phẩm hội họa tuyệt vời. Đúng như vậy, bức tranh sơn mài “Phong cảnh” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí còn có tên khác là “Dọc mùng”, cụ Trí có chút nhầm lẫn giữa cây ráy Ba Vì và cây dọc mùng nhưng quan trọng nó là bức tranh rất đẹp. Ông Thành cũng không thấy cây xanh xung quanh nền biệt thự mất đi và ngược lại thấy xanh hơn. Một cái hồ nhỏ, một vườn chim làm cho ông thốt lên “thiên nhiên hơn cả thiên nhiên”. Với kiến thức vô cùng phong phú về thực vật bởi ông từng làm công tác quản lý rừng ở Tây Nguyên nhưng trong chuyến trở lại, chính ông cũng không biết tên những giống cây do Melia trồng. Ông cũng nhận ra nhiều giống cây bản địa quý hiếm như cây đa lá lệch (hay còn có tên khác là cây đa có chân), cây vả, ráy... được công ty nhân giống trồng rải rác trong khu vực được giao quản lý. Và từ miệng một người cả đời gắn bó với rừng, ông bảo rừng xanh thế này chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều loại thú nhỏ. Nếu ai từng biết nhiều khu nghỉ dưỡng sinh thái chắc chắn sẽ không thấy đâu duyên dáng hơn nơi này, đáng yêu hơn nơi này, một sự hòa quyện đồng điệu thân thiện giữa thiên nhiên với các ngôi biệt thự.

Một biệt thự phế tích ở cốt 600

Khi mọi chuyện ở Melia Ba Vì có vẻ vào guồng thì dịch Covid-19 xuất hiện, ai ở đâu ở đó, nội bất xuất, ngoại bất nhập khiến nhiều lao động nhăn nhó vì mất việc nhưng với doanh nghiệp làm khu nghỉ dưỡng còn hơn cả nhăn nhó, họ méo mặt. Không có khách hay 1 khách bộ máy vẫn phải vận hành, không có doanh thu nhưng lương người lao động, không thể nợ... Ai bảo doanh nghiệp không có nước mắt? Trong khi không ít doanh nghiệp cắt giảm chi phí, không triển khai các hoạt động đầu tư chờ qua dịch thì CFTD lại có quyết định ngược đời, đầu tư làm bảo tàng. Bảo tàng sẽ có ba nội dung chính gồm: Sự hình thành các biệt thự trên núi Ba Vì, trận đánh đồn Pháp ở cao điểm 600 trong năm 1951 và văn hóa của người Mường Ba Vì với sự tham gia của PGS. TS Nguyễn Văn Huy chuyên gia số 1 về bảo tàng, nhà sử học Dương Trung Quốc, họa sĩ Thành Chương, dịch giả Trịnh Lữ...

Khi bảo tàng hoàn thành, đây sẽ là điểm đến thú vị cho du khách đến thăm Vườn quốc gia Ba Vì.

Nguyễn Ngọc Tiến

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (157)

Tin nổi bật