Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bí ẩn về những hoàng tử mất tích của Saudi Arabia

(DS&PL) -

Trong hai năm qua, ba hoàng tử Ả Rập sống ở châu Âu đã mất tích. Cho đến nay không một ai còn nghe về tin tức của họ.

Theo BBC, trong hai năm qua, ba hoàng tử Ả Rập sống ở châu Âu đã mất tích. Tất cả đều có đặc điểm chung là những người chỉ trích Chính phủ Saudi Arabia. Có dấu hiệu cho thấy, họ đã bị bắt cóc và đưa lên máy bay trở lại Saudi Arabia. Kể từ đó đến nay, không ai còn biết thông tin gì về các hoàng tử này.

Cáo buộc và biến mất bí hiểm

 Ngày 12/6/2003, hoàng tử Sultan bin Turki bin Abdulaziz được đưa tới cung điện ở ngoại ô Geneva của một hoàng thân Saudi Arabia. Ông được yêu cầu trở lại Saudi Arabia cùng lời hứa hẹn những bất đồng với giới lãnh đạo Saudi sẽ được giải quyết ổn thỏa. Sultan từ chối, nhưng ngay sau đó những người đàn ông đeo mặt nạ xông vào còng tay ông và tiêm thuốc mê vào cổ. Bất tỉnh, Sultan được đưa ra sân bay Geneva và lên một chiếc máy bay đang đợi sẵn trên đường băng, trở về nước. Đó là toàn bộ lời kể của hoàng tử Sultan về vụ việc trước một tòa án Thụy Sĩ nhiều năm sau đó.

Hoàng tử Sultan bin Turki (giữa).

Sau này, dư luận đặt ra câu hỏi, hoàng tử Sultan đã làm gì khiến gia đình ông phải dùng biện pháp bạo lực và bắt cóc ông ta trở về quê nhà? Theo BBC, một năm trước đó, Sultan đến châu Âu để chữa bệnh và bắt đầu trả lời phỏng vấn bằng giọng điệu chỉ trích Chính phủ Saudi Arabia. Ông phàn nàn về tình trạng tham nhũng hoành hành trong các hoàng tử và quan chức, đồng thời kêu gọi một loạt cải cách. Kể từ năm 1932, khi Quốc vương Abdulaziz, vẫn được biết đến là Ibn Saud, thành lập Nhà nước Saudi Arabia, đất nước này luôn đặt dưới sự cai trị là một chế độ quân chủ tuyệt đối. Họ không chấp nhận bất đồng quan điểm.

Trong một trường hợp khác, hoàng tử Turki bin Bandar từng là một thiếu tá cảnh sát ở quê nhà, người có trách nhiệm bảo vệ chính gia đình hoàng gia của mình. Tuy nhiên, một cuộc tranh cãi gay gắt trong gia đình về tranh chấp tài sản thừa kế đã khiến ông phải ngồi tù. Sau khi được thả, Turki đã trốn sang Paris, nơi mà vào năm 2012, ông bắt đầu đưa các video lên YouTube kêu gọi cải cách tại Saudi Arabia. Chính quyền Saudi đã phản ứng như đã làm với hoàng tử Sultan, khi cố gắng thuyết phục Turki quay về nước. Turki từ chối và sau đó đăng tải các đoạn nói chuyện với những lời dọa dẫm từ một quan chức quê nhà. Vị hoàng tử này tiếp tục đăng các video cho đến tháng 7/2015 và biến mất một cách kỳ lạ. Wael al-Khalaf, một người bạn của Turki được một quan chức cấp cao của Saudi Arabia tiết lộ rằng ông đã bị bắt cóc trở về nước. Cũng khoảng thời gian hoàng tử Turki biến mất, một hoàng tử Saudi khác, Saud bin Saif al-Nasr - cũng chịu chung số phận.

Có bàn tay tình báo?

Năm 2014, Saud bắt đầu viết những bài báo chỉ trích chế độ quân chủ Saudi Arabia. Ông kêu gọi truy tố các quan chức nước này vì đã hậu thuẫn cho việc lật đổ Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi vào năm trước. Sau đó, vào tháng 9/2015, Saud thậm chí còn đi quá giới hạn khi là thành viên hoàng gia duy nhất ủng hộ hai bức thư kêu gọi đảo chính để phế truất Quốc vương Salman. Điều này được xem như một sự phản bội không thể tha thứ. Nó là dấu chấm hết cho số phận của ông.

Một vài ngày sau đó Saud biến mất một cách kỳ lạ. Một hoàng tử bất đồng khác là Khaled bin Farhan, người bỏ chạy sang Đức vào năm 2013, tin rằng Saud đã bị lừa bay từ Milan sang Rome để thảo luận về một hợp đồng kinh doanh với một công ty Nga-Italia muốn mở chi nhánh tại Vùng Vịnh. Chiếc máy bay mà Saud lên đã không đáp xuống Rome, mà hạ cánh xuống Riyadh.

“Tình báo Saudi đã dàn dựng toàn bộ vụ việc này", Khaled tuyên bố. "Số phận của hoàng tử Saud cũng giống như hoàng tử Turki, đó là nhà tù”. Về số phận của hoàng tử Sultan, với tư cách là người có vị thế cao hơn trong trật tự hoàng gia, ông đã được chuyển từ nhà tù sang việc quản thúc tại gia. Tuy nhiên, vì sức khoẻ ngày một xấu đi, năm 2010, gia đình hoàng gia cho phép ông đi chữa bệnh tại Mỹ. Mặc dù vậy, những gì ông làm khi được sống lưu vong ở Mỹ đã khiến hoàng gia Saudi càng cảm thấy bàng hoàng hơn. Sultan nộp đơn kiện hình sự lên tòa án Thụy Sĩ, cáo buộc hoàng tử Abdulaziz bin Fahd và Sheikh Saleh al-Sheikh là người chịu trách nhiệm vụ bắt cóc ông năm 2003.

 Lần đầu tiên, một thành viên cao cấp trong hoàng gia Saudi Arabia khởi kiện tại một tòa án phương Tây, chống lại một thành viên khác trong hoàng gia. Tuy nhiên, chính quyền Thụy Sĩ tỏ ra không mấy quan tâm đến vụ việc này. Vào tháng 1/2016, Sultan đang lưu trú tại một khách sạn ở Paris thì cũng giống như Saud bin Saif al-Nasr, ông một lần nữa bị dụ dỗ lên máy bay. Sultan dự định đi thăm cha ở Cairo và được lãnh sự quán Saudi Arabia đề nghị sử dụng một chiếc phi cơ và đoàn tùy tùng riêng.

Chỉ đến khi máy bay hạ cánh xuống Saudi Arabia, Sultan mới biết mình bị lừa. Bất chấp việc chống cự, ông bị đưa đến một biệt thự được bảo vệ vũ trang nghiêm ngặt. Không có thông tin gì về vị hoàng tử này kể từ đó. Trong khi đó Hoàng thân Khaled - người đang sống lưu vong ở Đức, lo lắng rằng ông cũng sẽ bị buộc phải trở về Riyadh. "Có bốn người chúng tôi là thành viên hoàng gia sống tại châu Âu. Chúng tôi đã chỉ trích gia đình và sự cầm quyền của hoàng gia tại Saudi Arabia. Ba người trong chúng tôi đã bị bắt cóc, và tôi là người duy nhất còn lại", ông nói.

MẠNH KIÊN (Theo BBC)

(ĐS&PL Chủ nhật, số 99)

Tin nổi bật