Tháng 6/2004, sau một loạt các vụ thi hành án tử hình trong vụ án Năm Cam và đồng bọn tại trường bắn Long Bình, quận 9 (TP.HCM), một loạt các vụ trộm xác kinh thiên động địa diễn ra. Hành trình “cứu xác” ông trùm và đồng đảng ra khỏi trường bắn bí ẩn, nguy hiểm như thế nào chưa nhiều người được biết đến. Thực chất, cả ông trùm lẫn đàn em đều phải trải qua nhiều cay cực mới đến được nơi an nghỉ.
Ngôi mộ “nổi tiếng”
Nghĩa trang Gò Dưa, nơi "an nghỉ" của nhiều đại ca giang hồ. Ảnh: N.T |
Nghĩa trang Gò Dưa rộng lớn, chi chít vài chục ngàn ngôi mộ ngổn ngang không lề lối. Muốn vào thăm mộ, phải len lỏi hoặc bước lên mộ khác mà đi. Có hai con đường chính chạy dọc dẫn từ đường lớn vào nghĩa trang. Một con đường dẫn thẳng vào mộ Châu Phát Lai Em, một đàn em khét tiếng của ông trùm Năm Cam thuở trước.
Mộ Châu Phát Lai Em nằm ngay mặt tiền đường, lát đá hoa cương bóng loáng. Phía trước có trồng các chậu hoa sứ nở rất đẹp.
“Đó là ngôi mộ “nổi tiếng” nhất nghĩa trang này. Hỏi mộ Châu Phát Lai Em không ai không biết”, ông An, ngoài 60 tuổi sống ở nghĩa trang nói. Ngôi mộ này nằm dưới tán cây bồ đề gần trăm năm tuổi, quanh năm xanh mát. Để có một vị trí “đắc địa” như vậy, số tiền bỏ ra tất nhiên không nhỏ.
Sau lưng mộ Châu Phát Lai Em là mộ con trai tên là Châu Kim Loan, tự “Xì Trum” hưởng dương 25 tuổi.
Ông An cho biết, mộ của Lai Em thường được rất đông người thăm viếng. Mỗi năm vào dip cúng giỗ lễ lạt, bà con thân hữu đến nhiều. Ngoài ra, thi thoảng dân có máu mặt, đàn anh đàn chị nể uy danh của “tiền bối” cũng hay đến nhang khói tưởng nhớ.
“Giờ nhìn bế thế vậy chứ hồi xưa mang về đây cực lắm. Mãi mới được nằm xuống đó”, ông An kể. Đầu tháng 3/6/2004, sau khi bị thi hành án tử hình, xác Châu Phát Lai Em được thỏa thuận “cứu” ra khỏi pháp trường với giá 60 triệu đồng.
Cùng đợt là Phạm Văn Minh, tức “Minh Bu”, giá 55 triệu đồng. Sau khi trộm được, chỉ có Lai Em được đưa về đây, còn Minh Bu đưa đi đâu không rõ.
Đã gần mười năm, nhưng ông An nhớ rất rõ lúc an táng Châu Phước Lai Em. “Hồi đó, cả trăm người dân bu lại coi nghẹt kín”, ông kể. Lai Em sau khi được đưa ra khỏi trường bắn, được tẩm liệm lại rồi bỏ vô quan tài mới. Giữa đêm, hàng chục người đi trên xe du lịch chở xác đại ca đến Gò Dưa, nơi cái huyệt được đào sẵn, không kèn trống đèn đóm, chỉ lập lòe vài đóm nhang.
Đến 1 giờ sáng, công việc chôn cất đang diễn ra, thì bị lực lượng bảo vệ nghĩa trang, rồi công an đến lập biên bản, không cho tiến hành chôn cất. Người nhà Châu Phát Lai Em khóc gào thảm thiết quanh dòng người hiếu kỳ đổ tới rất đông.
Việc mai táng có lúc tưởng không thực hiện được, họ cũng tiến thoái lưỡng nan, vì không biết mang xác đi đâu.
Những cuộc hành xác
“Hồi đó, chúng tôi biết chắc là xác Châu Phát Lai Em nên ngăn cản. Đó là chuyện động trời ở nghĩa trang”, trưởng Ban quản lý Nghĩa trang Gò Dưa Phạm Văn Bảy nói.
Lúc đó, việc chôn cất được tiến hành lén lút. Khi bảo vệ tới, hàng chục người trong đoàn mai táng còn vụt chạy. Chuyện nghiêm trọng, nghĩa trang báo lên công an phường, phường báo công an quận xin ý kiến. Công an quận cũng phải xin ý kiến từ cấp trên.
Cả đoàn mai táng lẫn lực lượng chức năng tại chỗ đều rất mệt mỏi. Chờ đợi cho đến tảng sáng, việc chôn cất xác đại ca giang hồ khét tiếng mới được cho phép. Tất cả đều thở phào nhẹ nhõm.
Mộ Châu Phát Lai Em khang trang ở nghĩa trang Gò Dưa. Ảnh: N.T |
Ông trưởng ban thoáng cười khi tôi hỏi về phần mộ của Năm Cam. “Không riêng gì chú, nhiều người nghe loáng thoáng ở đâu nói rằng Năm Cam được an táng ở đây đều tìm đến hỏi. Có người hiếu kỳ, có người vì nể trong uy danh ông trùm muốn đến kính bái. Kỳ thực, Năm Cam không nằm ở đây”, ông Bảy khẳng định.
Chính ông nhiều lúc cũng mông lung về “mê hồn trận” thông tin nơi an táng của ông trùm giang hồ khét tiếng. Chỉ nghe kể: Gần mười năm trước, vài ngày sau khi Châu Phát Lai Em và Minh Bu được đưa ra khỏi trường bắn, nhóm đào xác tiếp tục trộm xác ông trùm cùng Hữu Thịnh với giá 140 triệu đồng.
Sau khi trộm xong, có người nói đưa về Gò Dưa an táng, có người nói đưa về Tiền Giang, kẻ lại nói chôn cất ở Đồng Nai.
Cho đến gần đây, một chiến hữu giang hồ ở quận 4 (TPHCM) trong một lần thăm mộ Châu Phát Lai Em có đến nói với ông rằng, ông trùm đã được hỏa táng đem gửi vào chùa. Ông này kể lại: Lúc bấy giờ, ông trùm được đưa ra khỏi trường bắn đã trương sình nặng mùi. Tuy nhiên, việc khâm liệm lại vẫn được làm tử tế. Người nhà cũng có ý định đưa ông trùm về Gò Dưa an táng.
Tuy nhiên, sự việc an táng trần ai của Châu Phát Lai Em trước đó đã làm họ thay đổi ý định. Ngay lập tức, xác Năm Cam được hỏa táng và mang vào chùa gửi.
“Người ta không nói rõ chùa nào. Có lẽ là cũng do ý định của gia đình. Người chết đã chết rồi, quá khứ cũng lùi xa rồi. Bây giờ an táng ở đâu cũng đâu có quan trọng nữa”, ông Bảy nói nhẹ nhàng.
Dư luận đồn thổi, kể cả báo chí sau này vào cuộc cũng chỉ khai thác tính ly kỳ của những vụ trộm mộ ở trường bắn Long Bình, mà không biết chính những sự kiện kinh động này đã góp phần tạo nên sự thay đổi rất lớn về luật thi hành án tử hình. Những vụ trộm xác ngày ấy “nổi tiếng” đến mức lan đến cả nghị trường Quốc hội. Dù trước đó, hình thức tử hình bằng thuốc độc đã được nói đến, nhưng cũng chỉ mới là những đề xuất, nghiên cứu sơ khai. Sau những vụ trộm xác tử tù, cả xã hội lẫn những nhà lập pháp mới nhận thấy, pháp luật về việc giải quyết xác tử tội không rõ ràng và lạc hậu. Văn bản duy nhất điều chỉnh vấn đề này là thời đó là Chỉ thị 198 do Bộ Công an ban hành từ năm 1974 quy định xác tử tội phải được chôn tại pháp trường. Văn bản này không đề cập đến việc sau đó có cho thân nhân cải táng, đem đi chôn ở nơi khác hay không. Mất 7 năm xây dựng dự thảo và 1 năm nữa để thông qua, luật thi hàn án tử hình bằng thuốc độc chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11/2011 nhận được nhiều sự hoan nghênh của dư luận xã hội. Hình thức tiêm 3 mũi thuốc độc (một gây mê, một làm tê liệt thần kinh và cơ bắp, một làm tim ngừng đập) bằng máy rất gọn nhẹ và nhanh chóng, không gây đau đớn cho tử tù và ám ảnh cho những người thi hành án. Tiến bộ và nhân đạo nhất là quy định cho thân nhân nhận xác mang về, nếu đơn được chán án tòa án chấp thuận. |
Nguyễn Hương (theo motthegioi.vn)