(ĐSPL) - Bức màn tâm linh bí ẩn về bùa ngải, nèm, chài,… của những ông thầy mo Mán, Mường ở chốn lam sơn chứng khí, nơi rừng xanh núi đỏ tồn tại bền bỉ hàng ngàn năm nay.
Rất khó tin khi một số ông thầy mo tự nhận mình là “thần y” có thể chữa rắn độc cắn bằng một vài câu niệm chú, hà hơi đắp lá cây là vết thương tự nhiên biến mất. Để kiểm chứng về những câu chuyện của thầy mo xứ Mường, PV đã về địa phương tìm hiểu đưa đến cho bạn đọc cái nhìn đa chiều nhất…
Những ngày cuối đông, trên vùng rẻo cao heo hút, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) chìm trong màn sương mù huyền thoại. Ở xứ này, con “ma đói”, “ma rét” gần như đã hết, nhưng con ma về những lời nguyền, bùa chú hay những câu chuyện thần thoại vẫn len lỏi trong sương mù, làm cho cuộc sống của người dân nơi đây trở nên ma mị suốt bao đời.
Từ thành phố Việt Trì, vượt 100km chúng tôi tìm đến xứ Mường xã Mỹ Thuận, Tân Sơn (Phú Thọ), nơi đây vốn nổi tiếng “đất” của bủa ngải, nèm, chài,… Con đường vào thôn bản cuối chiều đông sương giăng kín lối. Những ngôi nhà nằm cheo léo, rải rác trên sườn núi, quả đồi. Nơi đây người ta vẫn thường kể cho nhau nghe những câu chuyện thần thoại về ông thầy mo, thầy cúng, họ chỉ cần một vài câu niệm chú bằng tiếng Mường, đọc thật nhanh để không ai hiểu, hoặc vẩy chiếc lá vào vết thương thì bệnh trong người sẽ tự nhiên tiêu tan, máu đang rỉ ở tay bỗng hết hẳn.
Anh Hà Văn Tuy, người con sinh ra tại xứ Mường, có thể đọc vanh vách tên các thầy mo, thầy cúng tại Tân Sơn cho chúng tôi biết: “Người Mường chúng tôi hiện vẫn tồn tại những nét văn hóa bùa ngải linh thiêng, bí ẩn. Đứt tay chảy máu, nhọt sung mưng mủ, các thầy chỉ cầm con dao cùn hà hơi niệm chú rồi chỉ chỉ vào đó, vài ngày nhọt to như cái chén xẹp ngay. Hay chỉ cần niệm chú một vài câu cho người bị rắn độc cắn, thì chất kịch độc trong người nạn nhân sẽ biến mất, sau đó hà hơi bằng miệng, đắp lá. Người bị rắn cắn không cần phải đi bệnh viện cho mất công mất của. Nhưng mỗi thầy cũng có một biệt tài khác nhau, làm bùa hay niệm chú cũng có rất nhiều “bài”, khi thì phun nước vào người, uống nước có mồ hôi cơ thể. Đắp lá cây rừng, chí đinh, chổi cùn vào người… là mọi thứ bệnh sẽ biến mất. Phép thuật nèm chài của người Mường có từ ngàn năm nay rồi nên phong phú lắm”.
Không ngần ngại, anh Tuy dẫn đường cho chúng tôi đến gặp được người được mệnh danh là “vua bùa ngải xứ Mường”. Cũng rất may, hôm nay thầy mo Thục (ở xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) không đi chữa bệnh hay cúng bái ở đâu. Trong nhà thầy có khách, đó là một người đàn ông ngoài 30 tuổi mới bị rắn cắn. Anh Sơn vô tình bị một con rắn to, đen sì cắn vào tay, chất độc lan đi rất nhanh, chỉ sau vài phút tay anh Sơn đã sưng vù, không còn cảm nhận được gì, không thể cầm, nắm. Lúc người nhà đưa anh Sơn đến nhà thầy Thục, cơ thể trở nên mệt mỏi, mắt có dấu hiệu mờ dần đi, chân đi không vững. Nhưng thầy không cho anh nằm mà bắt người nhà dìu anh sang gian nhà thờ bên cạnh để thầy cứu giúp. Thầy Thục mở quyển sổ, ghi vội tên của nạn nhân, lật về mặt sau của quyển sổ ghi những ký tự rất khó hiểu.
Quay sang thầy chép miệng: “Ca này khó, bị rắn độc cắn rất nặng nên tốt nhất phải cho ngồi dậy ta sẽ niệm chú trực tiếp quanh người. Có như thế, nọc rắn độc mới tự chui ra”. Sau đó, thầy lấy một miếng gừng nhỏ, vài chiếc lá rừng, hà hơi ba lần vào, xong thầy bắt đầu niệm chú. Thầy lẩm bẩm một vài câu, tất cả mọi người dù có im lặng nhưng cũng không nghe rỗ câu niệm chú của thầy.
Thầy lại đưa miếng gừng và nắm lá trên miệng hà hơi thêm ba lần. Thầy đập mạnh vào người nạn nhân và bảo nhai thật kỹ miếng gừng mới được làm phép. Còn nắm lá này về nhà mới được đắp. Thầy thổi thật mạnh vào vết thương của nạn nhân. Cứ thế, chỉ bằng mấy câu thần chú như có “phép thuật” mà anh Sơn yên tâm ra về như đã thoát khỏi lưỡi hái của “tử thần”.
Niệm chú xong cho nạn nhân mới bị rắn cắn, thầy mo Thục quay lại nhìn chúng tôi, sau khi thầy và anh Tuy nói chuyện với nhau bằng một vài câu tiếng Mường.Thầy quay lại mời chúng tôi vào nhà uống nước. Nhấp chén nước trà xanh, thầy bắt đầu câu chuyện bùa ngải, “phép thần” chữa bệnh của mình.
Khi hỏi thầy Thục đã chữa được cho bao nhiêu người, thầy nói mình không nhớ nổi, họ đến nhờ thì mình chữa, đến đón thì mình đi. Thầy Thục còn cho biết: “Hiện nay có nhiều thầy bùa mới nổi còn cao tay hơn nhiều, có người còn tự khoe bản thân có thể “thổi” bay nọc rắn. Trâu bò vị rắn cắn họ còn có thể thổi đi được, tôi chỉ biết niệm chú thôi, còn thổi thì hơi khó”.
Mo Thục khẳng định như đinh đóng cột với chúng tôi rằng: “Chuyện nèm chữa bệnh cho người và gia súc, nhất là nèm cho dòi bọ tự động chui ra khỏi vết thương trên cơ thể trâu bò bị thương mo đã làm rất nhiều lần”. Cuộc đời mo Thục là một kho tàng những điều thần bí. Mo Thục sử dụng nèm chài như một phép thuật. Mo Thục là thầy cúng nổi tiếng khắp cả vùng. Thầy cao tay lắm. Ngày nào cũng có người đón thầy đi cúng bái giải hạn, cúng trâu bò chết, làm bùa yêu, bùa ghét hay cúng cho những nhà chết trùng tang.
Anh Tuy kể, cách đây không lâu, có một gia đình trong thôn bị mất con bò, đến nài nỉ mãi thầy mới chịu giúp vì hôm đó thầy có bệnh trong người. Thầy nhận lời, thắp hương khấn vái một hồi lâu. Sau đó đích thân thầy đi bộ lên một ngọn núi trước nhà rồi đọc thần chú, lấy cây gậy đập vào mấy bụi cỏ trước mặt rồi hú lên mấy tiếng. Quả nhiên, ngày hôm ấy con bò đã về lại chuồng nhà.
“Nhiều lần tôi cố hỏi thầy về câu niệm chú mang đầy “phép thuật” này thì thầy cười “thiên cơ bất khả lộ”, ở đây không một ai hiểu và biết về những câu niệm chú đó cả”, anh Tuy cho biết. Anh cũng đã nhiều lần tận mắt chứng kiến nhiều thầy cúng hà hơi đắp lá chữa rắn độc cắn cho nạn nhân và quả nhiên là khỏi, không biết câu niệm chú đó “kì bí” đến mức nào. Một số thầy còn có những bài nèm chữa một số bệnh hiểm nghèo.
Cũng theo anh Tuy, những thầy mo, thầy cúng chữa rắn cắn ở chốn này cao tay lắm nên chúng tôi gọi họ là “thần y”. Người dân ở đây cũng lạ, khi bị rắn cắn, không đi bệnh viện mà tìm đến những “thần y” giao tính mạng của mình cho họ. Họ luôn cho rằng, chỉ cần các “thần y” ra tay thì họ sẽ thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.
Cách đây vài tháng, chị Lan ở cùng xã, cách nhà thầy Thục vài cây đi làm lên rừng hái củi bị rắn độc cắn, máu độc lan rất nhanh khiến chị bị bất tỉnh. Người nhà đến đón thầy Thục đến làm phép và niệm chú cho nọc rắn độc ra khỏi người chị. Khi nghe tin, thầy Thục đã nhanh tay hái một vài thứ lá cây trong vườn nhà mình. Đến nơi, thầy để chị Lan nằm im tại giường, thầy quay mặt về phía bàn thờ và bắt đầu niệm chú. Niệm xong, thầy đưa nhúm lá lên sát miệng, hà hơi ba lần vào đó, sau đó thầy lấy nhúm lá mới được “ban phép” đắp vào vết thương cho chị Lan, Chị Lan cứ nằm đó và ngủ li bì. Điều kỳ lạ rằng, chỉ cần có vài câu niệm chú và nắm lá cây được “phù phép”, hôm sau chị Lan tỉnh dậy và khỏe mạnh như bình thường.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Duy Thái, Trưởng phòng Văn hóa huyện Tân Sơn cho biết: “Chuyện làm bùa ngải, niệm chú để chữa bệnh của một số thầy mo, thầy cúng, theo tôi là không đúng và không có cơ sở khoa học. Đến nay cũng chưa có công trình nghiên cứu nào có thể giải thích hay chứng minh được. Vì dân trí của bà con dân tộc vẫn còn thấp, nên họ tin vào những câu chuyện mang tính chất thần thoại như vậy. Chúng tôi sẽ cố gắng tuyên truyền, vận động để người dân nhìn nhận về bùa ngải dưới góc độ văn hóa dân gian, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống người Mường”.
MAI HẰNG
Xem thêm video Rắn đứt đầu vẫn quay lại cắn vào đuôi
[mecloud]B1rZFyeFM2 [/mecloud]