Baychimo là chiếc tàu chở hàng bằng thép được chế tạo tại Thụy Điển, đã di chuyển trên các vùng biển ngoài khơi bờ biển Alaska một mình trong suốt 38 năm trời.
Tàu Ångermanelfven, sau này được gọi là Baychimo hạ thủy từ năm 1914. Ảnh: Getty |
Tàu SS Baychimo nặng 1.322 tấn, hạ thủy từ năm 1914 với tên gọi Ångermanelfven. Tàu được xây dựng tại xưởng đóng tàu Lindholmens ở Gothenburg, Thụy Điển. Nó dài 70,1 mét, vận hành bởi 3 động cơ hơi nước, có thể rẽ nước với vận tốc 19 km/h. Mục đích của nó là luân chuyển hàng hóa giữa Hamburg và Thụy Điển cho tới khi Thế chiến thứ I nổ ra vào tháng 8/1914.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Ångermanefven trở thành tài sản của Vương quốc Anh như một phần bồi thường thiệt hại mà Đức phải gánh chịu. Năm 1921, Công ty Vịnh Hudson mua lại Ångermanefven, đổi tên nó thành Baychimo và cho nó một ngôi nhà mới tại Ardrossan, Scotland. Tại đây, nó đã hoàn thành tổng cộng 9 chuyến hàng, chở lông cùng với da thú, thuốc lá, đường, trà,và vũ khí dọc bờ biển phía Bắc Canada, thì tai nạn xảy đến.
Vào ngày 1/10/1931, trong chuyến chở hàng về, Baychimo bị mắc kẹt vào một tảng băng. Thủy thủ đoàn tạm rời thuyền, đi bộ khoảng gần 1km tới thị trấn Barrow gần đó và nghỉ lại khoảng 2 ngày để chờ băng tan. Một tuần sau đó, Baychimo lại một lần nữa mắc kẹt, Công ty Vịnh Hudson đã quyết định tổ chức giải cứu, đưa 22 người thuộc thủy thủ đoàn về nơi an toàn, để lại một nhóm 15 người ở lại một căn lều được xây dựng vội vàng để trông thuyền và trông hàng suốt mùa Đông.
Kế hoạch của họ là ở gần con tàu và “giải cứu” nó ra khỏi tình trạng mắc kẹt vào mùa hè năm sau. Đến ngày 24/11, nhiệt độ khu vực tăng đáng kể, từ âm 60 độ lên 0 độ C. Sau đó, một trận bão tuyết đến, kéo dài trong vòng 3 ngày, và không có thủy thủ nào dám mạo hiểm ra khỏi căn lều của mình. Khi cơn bão suy yếu, tàu Baychimo đã biến mất. Họ cho rằng con tàu đã bị đánh chìm.
Tàu Baychimo bị mắc kẹt vào tảng băng, sau đó biến mất, tự lênh đênh trên biển hàng chục năm trời. Ảnh: Wikipedia |
Chỉ vài ngày sau, một thợ săn người Inuit báo rằng ông trông thấy con tàu cách vị trí mình đang đứng khoảng 70 km. Thủy thủ đoàn lần dấu và tìm ra tàu nhưng thuyền trưởng Sydney Cornwell kết luận Baychimo không thể sống sót và cũng không đủ vững chãi để đưa họ về đất liền nên các thủy thủ đoàn dỡ hàng hóa giá trị rồi bỏ lại tàu.
Thế nhưng, tàu Baychimo không hề chìm xuống mà trái lại, tiếp tục du hành trên biển một mình. Vài ngày sau lần biến mất đầu tiên vào 24/11/1931, nó được tìm thấy cách vị trí thả neo 72 km về phía Nam, đang bị kẹt trong băng. Vài tháng sau, nó xuất hiện cách điểm bị kẹt lần trước 480 km về phía Đông.
Đến tháng 3/1932, Baychimo được nhìn thấy đang trôi gần bờ biển Leslie Melvin. Một người đàn ông đi xe chó kéo tới Nome đã nhìn thấy Baychimo trên biển. Một thời gian sau đó, nhóm thăm dò khoáng sản cho biết họ vẫn thấy Baychimo trôi dạt trên biển. Đến tháng 8/1932, một nhóm 20 thương gia Alaska đã lên tàu, tìm kiếm đồ đạc có giá trị.
Đến tháng 3/1933, một nhóm người bản xứ Alaska đã phải trốn nhờ trong khoang của Baychimo, hòng thoát khỏi một cơn bão tuyết mạnh khủng khiếp, kéo dài suốt 10 ngày. 5 tháng sau đó, công ty Vịnh Hudson biết tới việc Baychimo vẫn ngoài khơi, nhưng quyết định không tiến hành mang về vì nó đã ở quá xa. Một năm sau, một nhóm thám hiểm đã tìm tới Baychimo để tiến hành khảo sát. Tháng 9/1935, người ta vẫn nhìn thấy tàu ở khu vực ngoài khơi phía Đông Bắc Alaska.
Tháng 11/1939, thuyền trưởng Hugh Polson lên thuyền, quyết định tháo dỡ nó nhưng băng nổi quanh thuyền quá nhiều, công tác tháo dỡ gặp khó khăn nên Polson quyết định bỏ qua. Theo ghi chép lưu lại, đây là lần cuối có người đặt chân lên tàu Baychimo.
Đến Năm 1969, sau 38 năm sau ngày Baychimo bị bỏ hoang, người ta tìm thấy nó đang kẹt trong băng tại biển Chukchi. Đây là lần cuối cùng người dân nhìn thấy Baychimo trên biển.
Mãi cho đến năm 2006, chính quyền Alaska bắt đầu khởi động chiến dịch tìm kiếm Baychimo, họ gọi đó là cuộc tìm kiếm "tàu ma Bắc Cực", xem liệu nó có còn trên mặt biển hay đã về với đáy đại dương nhưng Baychimo đã không xuất hiện.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo The Vintage News)