Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bệnh viện nào tại Việt Nam pha chế thành công 2 loại thuốc phóng xạ mới?

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết Khoa Y học hạt nhân của bệnh viện đã ghi hình PET/CT với hai loại thuốc phóng xạ mới trong chẩn đoán, theo dõi điều trị ung thư tuyến tiền liệt và u thần kinh nội tiết, giúp bệnh nhân không phải ra nước ngoài như trước đây.

Hai loại thuốc phóng xạ mới dùng trong chụp PET/CT là Ga-68 PSMA trong ung thư tuyến tiền liệt và Ga-68 Dotatate trong u thần kinh nội tiết.

Với việc pha chế thành công 2 loại thuốc Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate, Khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Chợ Rẫy đã đem đến nhiều cơ hội cho người bệnh trong nước có thể tiếp cận phương pháp kỹ thuật mới trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như tiết kiệm nhiều chi phí cho người bệnh.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy pha chế thành công 2 loại thuốc phóng xạ mới để áp dụng trong kỹ thuật hiện đại PET/CT. Ảnh: VietNamNet.

Tuổi Trẻ Online dẫn lời tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Cảnh - Trưởng khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết trên thế giới, hai loại thuốc phóng xạ này đang được sử dụng rộng rãi cho người bệnh và đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận.

Hiện không phải quốc gia nào cũng có thể sản xuất được Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate. Do đó, khi người bệnh trong nước có nhu cầu chụp PET/CT với 2 loại thuốc này thông thường phải đi ra nước ngoài.

Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy đã trải qua một thời gian dài tìm hiểu, trao đổi chuyên môn, chuẩn bị nguồn nhân lực để tập trung nghiên cứu. Đến ngày 7/11, nơi đây trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam pha chế thành công và đưa 2 loại thuốc phóng xạ nói trên vào sử dụng. 

Hai loại thuốc phóng xạ mới dùng trong chụp PET/CT là Ga-68 PSMA trong ung thư tuyến tiền liệt và Ga-68 Dotatate trong u thần kinh nội tiết. Ảnh: VietNamNet.

Sau gần một tháng, 12 trường hợp ung thư tuyến tiền liệt và 9 ca u thần kinh nội tiết được áp dụng ghi hình PET/CT với các thuốc phóng xạ mới tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả cho thấy tính hiệu quả của 2 kỹ thuật này trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh.

Tiến sĩ Cảnh cho biết Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai chụp PET/CT với thuốc F-18 FDG đánh giá chuyển hóa đường glucose trong nhiều loại bệnh ung thư từ năm 2009. Tuy nhiên, do tế bào ung thư tuyến tiền liệt và tế bào u thần kinh nội tiết thường ít sử dụng đường glucose nên hiển thị kết quả chẩn đoán không cao.

Với kỹ thuật mới giúp phát hiện 2 loại bệnh ung thư, bác sĩ lâm sàng sẽ có hướng chẩn đoán, phân chia giai đoạn, chọn lựa phương pháp điều trị và theo dõi kết quả điều trị. Từ đó, mang đến cơ hội cho người bệnh trong nước tiếp cận phương pháp kỹ thuật mới của trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tiết kiệm nhiều chi phí cho người bệnh.

Kỹ thuật PET/CT là một hệ thống chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao, tiềm năng cho nhiều lợi điểm trong chẩn đoán và theo dõi điều trị các loại bệnh như ung thư, thần kinh và tim mạch. Kỹ thuật này được áp dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2009, trung bình mỗi ngày tiếp nhận chụp từ 12-15 ca PET/CT, thông tin trên báo VietNamNet.

Thùy Dung (T/h)

Tin nổi bật