Một đoạn video chia sẻ trải nghiệm bị nhốt trong cốp xe suốt nhiều giờ khi đi du lịch cùng cha ruột và mẹ kế của một bé trai 9 tuổi Cheng Cheng đang gây phẫn nộ dư luận Trung Quốc. Vụ việc, được ghi nhận từ tháng 7/2023 nhưng chỉ mới công khai gần đây, đang thổi bùng tranh cãi về quyền trẻ em, vai trò người cha và giới hạn của sự "tự nguyện" trong môi trường gia đình.
Theo SaoStar, người đứng ra công bố sự việc là bà Vương - mẹ ruột của bé trai. Theo chia sẻ trên mạng xã hội ngày 14/7, bà phát hiện con trai mình từng bị buộc ngồi trong cốp xe suốt quãng đường từ Phật Sơn đến Quế Lâm - hành trình khứ hồi dài khoảng 1.000 km khi đi du lịch cùng cha, mẹ kế, ông bà và hai đứa trẻ khác. Lý do được đưa ra là xe không đủ chỗ ngồi và bé trai, khi đó mới 9 tuổi, phải ngồi cùng hai xe đẩy ở phía sau.
Bé trai 9 tuổi mô tại lại cho mẹ ruột thấy cảnh nhốt trong cốp xe. Ảnh: Seehua.
"Cháu nói với tôi rằng khi cháu cảm thấy khó chịu và cố ngẩng đầu lên thì không thể ngồi thẳng được. Bên trong cốp xe rất nóng", bà Vương kể.
Ngoài vụ việc trong cốp xe, bà Vương còn tố cáo cha và mẹ kế của bé trai đã gây áp lực tinh thần lên con, như ép con chửi mắng mẹ ruột, ném đồ ăn, bắt con ngủ cạnh cửa sổ và thậm chí giấu giấy tờ tùy thân khiến bé không thể đi học trong một thời gian dài.
Lời biện minh từ người cha
Trước phản ứng của dư luận, ông Liu, bố ruột của cậu bé, cho biết trước chuyến đi, ông đã nói với Cheng Cheng rằng nếu muốn đi theo thì có thể phải ngồi trong cốp vì xe không đủ chỗ. Được con trai đồng ý, ông mới đưa Cheng Cheng đi cùng.
Hơn nữa, theo ông Liu, việc cậu bé ở trong cốp xe chỉ diễn ra trên đường cao tốc, rất ngắn, không phải là cả chuyến đi. Ông bác bỏ cáo buộc có hành vi ngược đãi và khẳng định Cheng Cheng được ngồi hàng ghế trước trong phần lớn hành trình.
Ông nói thêm rằng đã đầu tư cho con học trường tư với học phí 50.000 nhân dân tệ mỗi năm, phủ nhận mọi cáo buộc ngược đãi từ phía bà Vương. "Tôi thừa nhận cho trẻ ngồi trong cốp là không đúng chuẩn an toàn, nhưng tôi không thừa nhận những điều còn lại. Tôi sẽ không xin lỗi", ông Liu nói thẳng.
Nhiều chuyên gia đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng sự “tự nguyện” của đứa trẻ không thể bao biện cho việc ông Liu bất chấp quy định an toàn giao thông: Cốp xe không có ghế ngồi, không có đai an toàn, dễ gặp nguy hiểm nếu xảy ra va chạm.
Một luật sư tại Bắc Kinh cho rằng, ngoài việc vi phạm quy định chở người quá quy định, hành vi này của ông Liu còn có thể coi là “xâm phạm thể chất và tinh thần của trẻ em”, thậm chí nếu diễn ra thường xuyên có thể cấu thành tội ngược đãi, theo Vietnamnet.
Ngoài vụ việc trong cốp xe, bà Vương còn tố cáo cha và mẹ kế của bé trai đã gây áp lực tinh thần lên con. Ảnh: Seehua.
Trên thực tế, những hình ảnh này được bà Vương chụp khi Cheng Cheng kể lại về chuyến đi với gia đình mới của cha vào năm 2023. Sau khi bà Vương và ông Liu ly hôn năm 2021, Cheng Cheng sống với cha.
Sau khi giành lại quyền nuôi con vào tháng 11/2024, bà mới đủ can đảm tìm hiểu và thu thập bằng chứng để khởi kiện lên Tòa án Phật Sơn vào tháng 6/2025, với lý do "không làm tròn bổn phận của người cha", yêu cầu ông Liu công khai xin lỗi. Bà cũng xin tòa xác nhận quyền bảo vệ sức khỏe, sự phát triển cho con trai mình.
Về phía chồng cũ, ông Liu cũng khởi kiện bà Vương ra tòa với lý do "phá hỏng cuộc sống gia đình hạnh phúc của ông", đòi bà Vương phải bồi thường cho ông một khoản tiền lớn.
Tới thời điểm hiện tại, tòa vẫn chưa có phán quyết cuối cùng, song cư dân mạng đều cho rằng người chịu tổn thương nhiều nhất trong chuyện này chính là Cheng Cheng.
Cư dân mạng hy vọng, những người làm cha mẹ biết điểm dừng để tuổi thơ của cậu bé không tiếp tục "nhuốm màu bi kịch".