Cuộc đời đói nghèo và bất hạnh của bé Nguyễn Thị Hảo như một cơn ác mộng. Khi được phát hiện, thân thể bé đầy thương tích, vết dao mẹ chém vào chân bé vẫn còn rỉ máu. Đặc biệt, di chứng của những trận đòn từ chính mẹ đẻ và người thân đã khiến cô bé vô cùng bi thảm.
Vào những ngày cuối tháng 9/2008, việc bé Nguyễn Thị Hảo (4 tuổi) bị mẹ ruột hành hạ, đánh đập, cắt gân tay gân chân rồi bỏ đói đã gây chấn động dư luận cả nước. Sáu năm qua đi, hành động tàn độc của người thân nhất đã để lại những dư chấn nặng nề trong trí óc non nớt của đứa bé tội nghiệp.
Ba lần được nhận nuôi vẫn không một mái ấm
Bé Hảo chào đời vào khoảng giữa năm 2004. Bà Nguyễn Thị Mỳ (SN 1975, ngụ Đức Hạnh, Phước Long, Bình Phước) sinh Hảo tại xã Phước Hưng (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Khoảng thời gian bà Mỳ mang thai, chồng bà là ông Nguyễn Văn Tước (SN 1964) đi làm ăn xa nên không hề hay biết về sự hiện diện của bé. Đến lúc đứa trẻ chào đời, ông Tước mới chuyển về sống chung cùng gia đình.
Cũng chính vì nguyên nhân đó, ông Tước luôn nghi ngờ lai lịch của đứa con. Không ít lần, hai vợ chồng đã cự cãi, đánh lộn vì ông này không tin bé Hảo là con ruột của mình. Khi con được sáu tháng tuổi, phần vì do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phần vì muốn gia đình êm ấm, vợ chồng bà Mỳ đã đưa bé Hảo cho vợ chồng ở huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) làm con nuôi.
Tuy nhiên, số phận nghiệt ngã chưa mỉm cười với em bé đầy bất hạnh này. Đến tháng 12/2004, vì một số nguyên nhân, bố mẹ nuôi không thể tiếp tục nuôi dưỡng bé Hảo nên đã trả bé về cho bà Nguyễn Thị Nhi (SN 1969, ngụ cùng địa phương) là chị ruột của bà Mỳ chăm sóc.
Sau đó vài tháng, chị Trần Thị Hồng Na (SN 1976) là một phụ nữ độc thân ngụ tại TP.Vũng Tàu đã động lòng trắc ẩn nhận Hảo về nuôi để mai này có người chăm sóc tuổi già. Đầu tháng 6/2008, chị Na gặp được người đàn ông của đời mình và quyết định dựng xây tổ ấm. Do điều kiện không cho phép, chị Na đành giao Hảo lại cho bà Nhi. Tháng 6/2008, nhận được thông báo của bà Nhi, hai vợ chồng ông Tước đành xuống Vũng Tàu đón con về.
Chính vì hoàn cảnh gia đình đông con, kinh tế khó khăn cộng thêm những khúc mắc tâm lí như vậy, bé Hảo nghiễm nhiên trở thành nơi trút giận cho những bực dọc của bà Mỳ sau này.
Mang dao trừng phạt con vì nghịch phá
Vào một chiều mưa ngày 18/9/2008, một người hàng xóm đi làm về ngang nhà bà Mỳ tạt vào nhà trú tạm. Trong lúc ngồi chơi chờ tạnh mưa, người đàn ông này kinh hãi khi thấy trên người bé Hảo chằng chịt vết thương. Cháu bé đang sốt cao và máu dưới gót chân vẫn đang còn chảy. Phẫn nộ trước cảnh này, người hàng xóm đã chạy đến chính quyền địa phương trình báo vụ việc. Cũng chính nhờ thế, mọi hành động man rợ của người mẹ đối với bé Hảo đã bị phơi bày trước ánh sáng.
Tại cơ quan điều tra, Mỳ khai nhận, ngày 13/9/2008, trước khi rời nhà đi làm, thấy bé Hảo đang cầm kéo cắt tờ tiền 100.000 đồng, bà mẹ tức giận quay vào giật kéo và cắt ngón tay Hảo để trừng phạt cháu vì tội “nghịch phá”.
Không những thế, ngày 15/9, Mỳ đang dùng dao Thái Lan cắt mướp sau vườn, bé Hảo leo cây, khóc vì té ngã, Mỳ sẵn con dao trên tay đã phạt vào gót chân con mình cho… đỡ tức. Do vết cắt quá sâu nên vết thương của Hảo rất nặng, máu chảy nhiều nhưng hai vợ chồng bà Mỳ vẫn không đưa con đi bệnh viện điều trị mà tự băng bó vết thương cầm máu cho con tại nhà.
Hảo đang rất hạnh phúc trong vòng tay của những người “mẹ” |
Lúc được chính quyền địa phương giải cứu, Hảo bị thương nặng và rất yếu do bị bỏ đói nhiều ngày liền. Ngoài hai vết thương do mẹ gây ra thì trên người bé Hảo còn rất nhiều thương tích khác ở mông phải, vành tai trái, vùng lưng, gãy xương đòn trái và nhiều vết trầy xước trên mặt và khắp cơ thể do 4 anh chị em của Hảo gây ra.
Tuy nhiên, những người dân sống gần nhà Hảo cho hay, thỉnh thoảng vẫn có người bắt gặp bà Mỳ dùng dây trói Hảo vào gốc cao su rồi dùng roi đánh. Các con của bà cũng dùng vật nhọn thay nhau đâm vào người bé Hảo.
Ngày 23/9, cơ quan điều tra Công an huyện Phước Long đã trưng cầu Tổ chức giám định pháp y tỉnh, giám định tỷ lệ thương tật cháu Hảo. Ngày 25/9, tổ giám định pháp y tỉnh xác định cháu Hảo bị 40\% thương tích. Trong lúc lấy lời khai, vợ chồng ông Tước, bà Mỳ liên tục thay đổi về mối quan hệ với bé Hảo, lúc nói Hảo là con, lúc nói cháu.
Sau quá trình điều tra, cơ quan công an đã có đủ căn cứ xác định, Hảo chính là con ruột của ông Tước, bà Mỳ với xác suất 99,999\%. Mỳ đã phải cúi đầu nhận tội, với mức án 2 năm tù và tước quyền nuôi con trong 5 năm.
Từ cuối tháng 9/2008, để tiện bề chăm sóc cho Hảo, Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Bình Phước đã chuyển cháu đến Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em mồ côi huyện Lộc Ninh.
Tương lai mờ mịt
Là một trong những người chăm sóc Hảo từ ngày em mới về trung tâm, cô Lê Thị Mộng Hằng, Trưởng phòng quản lí, giáo dục nuôi dưỡng cho hay: “Ngày Hảo được chuyển đến trung tâm, ai nhìn bé cũng xót xa. Bởi Hảo gầy gò, ốm yếu nom như chú mèo nhỏ. Ban đầu, cô bé rất sợ tiếp xúc người lạ. Mỗi khi có người đến gần, cháu thường la hét, cào cấu rất kịch liệt.
Bé vẫn luôn không có giấc ngủ trọn vẹn và thường thức giấc rồi la khóc vào lúc nửa đêm. Chứng kiến, cảnh Hảo trốn xuống gầm giường, hay phải trùm chăn kín mít từ đầu đến chân mới có thể yên tâm ngủ tiếp khiến ai cũng thấy lòng đau như cắt”.
Hiện nay, nhờ sự chữa trị tận tình của các y bác sĩ, các vết cắt ở tay, chân Hảo đã lành lặn nhưng em vẫn không thể mang vác các đồ đạc nặng. Thỉnh thoảng, cô bé vẫn kêu đau nhức ở những nơi bị cắt sâu.
Năm Hảo lên 4 tuổi, trung tâm đã cho bé nhập học lớp mẫu giáo nhỏ. Tính đến nay, Hảo đã theo học tổng cộng 3 năm lớp mẫu giáo, 3 năm lớp một nhưng em vẫn chưa biết đọc, biết viết; chỉ có thể nhận biết lờ mờ một vài chữ thường thấy như tên bé và tên các cô nuôi thân thiết. Hảo cũng thường xuyên có những hành động đập phá kỳ quặc trong lớp học.
Cô bé vẫn phải điều trị tâm thần đến năm 18 tuổi. |
Cô Hằng cho biết thêm: “Hiện cán bộ trung tâm đang tìm cách liên lạc để gửi Hảo về các trung tâm tại TP.HCM. Chỉ có những thành phố lớn như vậy mới có những trường giành riêng cho các bé có vấn đề như Hảo.”
Theo cô Hằng cung cấp, ngoài những lúc thần kinh không ổn định, Hảo là một đứa trẻ rất thông minh, hoạt bát và hòa đồng cùng bạn bè. Ngày bé đi học, em rất vui tươi, thân thiện với các bạn trong lớp. Cô bé sống rất tình cảm, mỗi lần cô nuôi có việc phải nghỉ vài ngày, bé thường quan tâm, hỏi han dù không ai chỉ dạy bé phải làm thế. Thậm chí, qua những lời đối đáp của Hảo, mọi người đều nhận định bé khá nhanh trí, láu lỉnh.
Được biết, dù Hảo đã chuyển đến trung tâm ở sáu năm nay nhưng gia đình bé chỉ đến thăm vỏn vẹn hai lần. Mãn hạn tù đã lâu, người mẹ cũng chỉ tạt qua thăm con duy nhất một lần vào Tết năm 2012.
Gần đây, gia đình Hảo đang làm đơn xét duyệt để nhận Hảo về nuôi. Những người từng nuôi dưỡng bé Hảo ở trung tâm biết chuyện đều thở dài ngao ngán: “Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn hỏi Hảo xem con bé có nhớ nhà, nhớ cha mẹ không thì nó lắc đầu rồi lại gật đầu rất tội nghiệp. Hảo nói: “Con nhớ mẹ nhưng con không muốn về nhà đâu”. Chúng tôi nghe mà buồn não ruột.”
Anh Nguyễn Viết Xuân, cán bộ hành chính trung tâm cho hay, từ nhiều năm qua, trung tâm vẫn phải đưa Hảo xuống Biên Hòa để chữa trị một lần/tuần. Hiện tại, Trung tâm đang chờ phán quyết từ phía Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Bình Phước về việc Hảo có được tiếp tục ở lại với trung tâm hay chuyển về chung sống cùng gia đình.