Trong chiến dịch tranh cử tại Mỹ vừa qua, Đảng Dân chủ được cho là đã thất bại nặng nề trong việc kết nối với truyền thông kiểu mới (gồm hệ sinh thái podcast, KOL và streamer). Đây vốn đã trở thành kênh thông tin chủ chốt của nhiều cử tri Mỹ.
Trong khi đó, ông Donald Trump và ekip tranh cử đã thống trị nền tảng truyền thông số qua những lần xuất hiện bên cạnh KOL lớn như Joe Rogan, Lex Fridman và Tim Dillon. Những kênh này không nhất thiết liên quan chính trị nhưng lại thu hút giới trẻ Mỹ, vốn ít tiếp xúc báo đài truyền thống.
Theo đó, ông Trump có thể cải thiện tỷ lệ ủng hộ trong nhóm cử tri 18-29 tuổi thêm 7 điểm %, theo khảo sát của NBC News, đặc biệt là trong nhóm nam thanh niên.
Ông Donald Trump- người chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ 2024. Ảnh: Getty
Ông Jeremiah Johnson - đồng sáng lập Trung tâm Chủ nghĩa Tự do Mới, nhận xét.“Chiến dịch của bà Harris có đủ mọi yếu tố của một chiến dịch tranh cử truyền thống: sự ủng hộ (của các nhân vật quan trọng), đội ngũ vận động cơ sở hiệu quả, và các cố vấn chính trị chuyên nghiệp. Nhưng chúng không có tác dụng vì ông Trump đã thắng trên mạng, trên các podcast và trên Twitter”.
“Để cạnh tranh trong chính trị hiện đại, bạn phải chiến đấu trên các không gian trực tuyến”, ông Johnson khẳng định.
Thực tế, bà Harris và ông Biden cũng đã cố gắng tương tác với hệ sinh thái này. Ví dụ như Phó tổng thống Mỹ từng xuất hiện trên podcast “Call Her Daddy”, hay chiến dịch tranh cử của ông Biden đã đi tìm “chuyên gia ảnh chế” để tiếp sức cho chiến lược truyền thông số.
Tuy nhiên, những hoạt động này chỉ là sự bổ sung, không phải là trọng tâm của chiến dịch như cách ông Trump đã làm.
Hiện có nhiều cử tri không còn sống trong cùng thế giới với các chính trị gia truyền thống. Đó là lý do chiến dịch chú trọng nền tảng kỹ thuật số của ông Trump đã thắng thế so với chiến dịch truyền thống của bà Harris.
“Một phần vấn đề của đảng Dân chủ là hầu hết nội dung lan tỏa mạnh mẽ trên Internet hoặc là hoàn toàn không liên quan chính trị, hoặc là nghiêng về cánh hữu và tập trung vào nam giới”, nhà báo Rebecca Jennings của Vox bình luận.
Chính bản năng truyền thông nhanh nhạy đã giúp ông Trump có màn trở lại ngoạn mục vào Nhà Trắng. Và sau màn thảm bại hôm 5/11, những tuyên bố như “tới tận nơi gặp cử tri” của đảng Dân chủ có lẽ nên bắt đầu từ mạng Internet.
Ông Trump thắng áp đảo bà Harris trong cuộc bầu cử. Ảnh minh họa
Tất nhiên là cũng có nhiều yếu tố khác cũng có tác động trong cuộc bầu cử vừa qua. Theo nhận định của các chuyên gia, chiến dịch của ông Donald Trump được đánh giá có tính nhất quán và tập trung cao.
Ông Trump đã tận dụng sức mạnh từ nền tảng cử tri trung thành, với các thông điệp hướng tới phục hồi kinh tế, thắt chặt an ninh và giảm thuế.
Tận dụng triệt để truyền thông mạng xã hội và các cuộc mít-tinh lớn tại các bang chiến trường, ông Trump đã duy trì sự hiện diện vững chắc, gây dựng niềm tin nơi cử tri về một tương lai ổn định và phát triển kinh tế mạnh mẽ.
Trong khi đó, bà Kamala Harris lại đi theo con đường khác, hướng đến các giá trị công bằng xã hội, cải cách y tế, và bảo vệ môi trường. Bà nỗ lực tiếp cận các nhóm cử tri đa dạng, từ người trẻ, phụ nữ đến cộng đồng da màu. Sự mới mẻ trong hình ảnh cùng với chiến lược kết nối mạnh mẽ qua cả các sự kiện cộng đồng và nền tảng kỹ thuật số giúp bà Harris tạo nên một làn sóng ủng hộ đáng kể.
Ông Trump có lợi thế rõ ràng về cử tri trung thành và kinh nghiệm 2 làn tranh cử trước. Trong khi đó, bà Harris thiếu kinh nghiệm chạy đua hơn, bị động hơn và chỉ có khoảng 4 tháng để vận động tranh cử.
Do đó, dù đây là một cuộc chạy đua sít sao nhưng việc ông Trump giành chiến thắng được cho là không phải là bất ngờ quá lớn.