Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bất ngờ trào lưu lên “chùa ảo” bằng... mạng internet

(DS&PL) -

Chỉ một cái nhấp chuột là những người bận rộn có thể đi chùa online thay vì phải đến những ngôi chùa thật. Trào lưu này đang ngày càng nở rộ, nhất là dịp rằm tháng Bảy.

Chỉ một cái nhấp chuột là những người bận rộn có thể đi chùa online thay vì phải đến những ngôi chùa thật. Trào lưu này đang ngày càng nở rộ, nhất là dịp rằm tháng Bảy.

Thời gian gần đây, mạng xã hội khá hào hứng với hình thức chùa online. Theo đó, cư dân mạng chỉ cần ở nhà nhấp chuột là có thể đi... chùa online.

Website của ngôi chùa ảo có đầy đủ các hình thức tâm linh cơ bản như: Thắp hương, phòng cầu siêu, phòng hộ niệm - cầu an, phòng lễ giỗ ông bà cùng tủ sách về các bài kinh, lịch sử Phật giáo...

Những người tìm đến với chùa online thường là dân văn phòng, công sở không có thời gian đi chùa vào mỗi tuần. Vì thế, họ thường lui tới chùa online để thể hiện lòng thành kính của mình với đức Phật. Theo tìm hiểu, trên website của chùa online giới thiệu rất ngắn gọn rằng chùa ra đời với hình thức một ngôi chùa điện tử giúp người bận rộn có thời gian hướng tới chùa, học Phật, nghe pháp trên mạng và không có cơ quan chủ quản.

Trò chuyện với PV báo ĐS&PL chị Thanh Mai (Hà Nội) cho biết: “Tôi là dân văn phòng, bận con nhỏ nên không có thời gian đi chùa, lễ phật. Những ngày rằm tháng Bảy cận kề, tôi nghe bạn bè nói đến chùa online có thể thắp hương, thể hiện lòng thành kính của mình, họ đã thực hiện điều này từ lâu lắm rồi.

Chính vì vậy, thời gian buổi trưa tôi cũng vào website đi chùa trực tuyến, thắp hương và chiêm bái Tam Bảo”. Cũng theo chị Thanh Mai, từ ngày biết đến chùa online, chị thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Đối với chị, Phật ở trong tâm, chị hiểu hơn về triết lý nhân sinh, lẽ sống ở đời.

Hiện nay nhiều người chọn hình thức đi chùa online.

Ngược lại, cô Thanh Vân (một phật tử lâu năm tại Hà Nội) tỏ ra bất ngờ khi nghe thấy việc đi chùa online, đi chùa ảo. “Tôi thấy việc đi chùa online này chỉ có giới trẻ, chứ với những người nhiều tuổi như chúng tôi thì phải đi chùa thật mới gọi là thành tâm. Các bạn trẻ hình như đang hiểu sai về Phật giáo và không thể thỏa được lòng mong ước của những người yêu mến đạo Phật.

Mỗi lần đến bất cứ một ngôi chùa nào đó, tôi đều cảm thấy thanh thản và tĩnh tâm”, cô Thanh Vân chia sẻ. Cô Phạm Hoài thì cho biết: "Tôi không thích kiểu này. Đi chùa ngoài đời thật còn chưa hẳn là tốt huống gì đi chùa trên mạng, chỉ nặng về hình thức thôi.

Phật giáo là để khơi nguồn tỉnh thức, mở mang trí tuệ để tìm hiểu đúng bản chất mọi sự thật, để học hỏi và thực hành cách ứng xử với phiền não, thoát khổ chứ không phải là để cầu xin, tín ngưỡng. Sa đà vào các hoạt động này sẽ gây ảo giác và ảo tưởng, lạc lối, không có lợi ích thật sự.

Ngày nay, Phật giáo bị hiểu sai, bị vu hàm bao điều không hề mang tính chất Phật giáo là vì từ những điều nhỏ nhặt như thế". Bạn Huỳnh Đức (sinh viên một trường đại học tại TP.HCM) cũng bất ngờ khi nghe đến loại hình chùa online có tồn tại: "Đúng là không tin nổi. Thời buổi internet phủ sóng mọi thứ cũng đều thay đổi. Tuy nhiên cá nhân mình không tán thành sự thay đổi này. Đi chùa không đơn thuần là một hình thức tâm linh, mà đó còn là nét đẹp văn hóa bao đời nay của người Việt. Trong quan niệm của Phật giáo thì học Phật cần nương thầy và bạn nên việc tới chùa thật để lễ Phật, nghe pháp, tụng kinh cần thiết hơn".

Trước những ý kiến về trào lưu đi chùa online của một số người dân, PV đã có cuộc trao đổi với Sư thầy Thích Bản Quyền, trụ trì chùa Phúc Long (Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Sư thầy Thích Bản Quyền cho biết: “Thời đại công nghệ 4.0 bùng nổ chính vì thế cũng sinh ra nhiều dịch vụ công nghệ đi chùa.

Theo quan điểm trên giáo lý tinh thần Phật pháp, dù đi chùa online nhưng người dân biết đến phật pháp thì hơn những người không online, không bao giờ tìm hiểu về phật pháp, đến chùa. Đó cũng là một hình thức truyền bá tính hướng thiện đặc trưng của đạo Phật tới nhiều người hơn nữa.

Chúng tôi rất quý điều này, họ đã dùng mọi kênh thông tin để biết đến Phật pháp thì cũng nên trân trọng. Có thể điều kiện họ không có để đi chùa hoặc những nơi ở quá xa chùa. Nếu như họ tiếp cận giáo lý và học hỏi đúng thì rất khuyến khích. Miễn làm sao biết chắt lọc những gì hữu ích cho đời sống xã hội, cá nhân, đạo đức, đối nhân xử thế để học tập theo”.

MAI THU
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật chủ nhật số 34

Tin nổi bật