Sau khi sử dụng ma túy đá, Phong Anh đi trộm nhưng bất thành, y trở về nhà rồi đập phá nhà cửa, la hét và dọa đốt nhà.
Theo báo Công an nhân dân, trưa 18/2, tại ấp Hòa Phú III, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành (An Giang), xảy ra vụ đối tượng ngáo đá, có hành vi đập phá đồ đạt, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng.
Tại thời điểm xảy ra sự việc, Nguyễn Thanh Phong Anh (26 tuổi, ngụ ấp Hòa Phú III, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) có hành vi đập phá nhà cửa và dọa đốt nhà, nên người dân đã báo Công an.
Nhận được tin báo của người dân, lực lượng Công an nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Khi thấy lực lượng Công an xuất hiện, Phong Anh cố thủ trên nóc nhà và cầm dao đe dọa.
Đối tượng Phong Anh - Ảnh: CAND |
Nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, hàng chục CBCS Công an huyện Châu Thành phối hợp chặt chẽ, bao vây khu nhà nơi Phong Anh cố thủ. Sau 5 tiếng đồng hồ thuyết phục, vận động… đối tượng đã được dẫn giải về cơ quan chức năng.
Tại cơ quan công an, Phong Anh khai nhận, sau khi sử dụng ma túy đá, anh ta đi trộm cắp tài sản của người dân nhưng bất thành, nên về nhà đập phá nhà cửa, la hét và dọa đốt nhà. Hiện vụ việc được Công an huyện Châu Thành điều tra làm rõ.
Trước đó, báo Dân Trí thông tin, Công an tỉnh Cà Mau cũng đã bắt giữ Trương Duy Khương (30 tuổi, ngụ huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Khương chính là đối tượng "ngáo đá" đã đổ xăng đốt nhà bà ngoại của mình.
Cụ thể, khoảng 16h chiều ngày 24/1, Khương bất ngờ dùng xăng đốt nhà bà ngoại. Khi phát hiện vụ việc, hàng xóm xung quanh vào can ngăn thì Khương cầm hung khí chống trả lại, nên không ai dám vào chữa cháy.
Ngay khi nhận được thông tin, lực lượng phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Cà Mau đã điều 3 xe chuyên dùng và hàng chục chiến sĩ đến hiện trường để dập lửa.
Người nhà đối tượng Khương cho biết, thời điểm Khương đốt nhà, đối tượng này nghi có dấu hiệu sử dụng hàng đá.
Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009): 1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: A) Có tổ chức; B) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; C) Gây hậu quả nghiêm trọng; D) Để che giấu tội phạm khác; Đ) Vì lý do công vụ của người bị hại; E) Tái phạm nguy hiểm; G) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |