Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bất động sản "đóng băng", doanh nghiệp ngành xây dựng khó chồng khó

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng hiện nay bị nhà đầu tư nợ tiền, có doanh nghiệp đã phải xin tạm dừng kinh doanh vì áp lực tài chính.

Nợ đọng kéo dài

Mới đây, HĐQT Công ty CP Licogi 166 vừa phải thông qua nghị quyết tạm ngừng kinh doanh 1 năm, kể từ ngày 15/3/2023 đến 14/3/2024, với lý do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.

Theo văn bản giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, công ty ngừng kinh doanh nhằm mục đích tìm ra phương hướng giải quyết khó khăn và củng cố lại cơ cấu tổ chức. Các cổ đông cũng đã đồng ý với quyết định tạm dừng hoạt động của HĐQT và cho phép công ty tiến hành thanh lý các tài sản, thu hồi công nợ để trả nợ lương, nợ ngân hàng, nợ cá nhân và nợ các nhà cung cấp. 

Đây là chỉ là một trong hàng trăm công ty ngành xây dựng đang gặp khó khăn chung. Theo VnExpress, hồi giữa tháng 2, một tập đoàn xây dựng có trụ sở tại quận 3, TP.HCM đang giảm hiệu suất công việc và phụ cấp theo lương từ 20-35% với các cấp từ trưởng phòng đến tổng giám đốc, đồng thời dừng một số chính sách phúc lợi xã hội. Chính sách này thực hiện từ tháng 12, được áp dụng cho đến khi có thông báo mới do nguồn lực không đủ duy trì để vượt qua khủng hoảng sớm trong quý II.

Theo lãnh đạo công ty, nguyên nhân chính là họ không thể đòi được các khoản tiền nợ từ những chủ đầu tư bất động sản. Có doanh nghiệp bất động sản đề nghị trả nợ bằng sản phẩm nhưng với thanh khoản thị trường đứng và khá yếu như hiện nay, đổi từ công nợ sang hàng hóa, theo ông, càng dồn đến chỗ khó.

Đại diện một nhà thầu phụ của tập đoàn xây dựng đứng top 2 tại Việt Nam đặt trụ sở tại TP.HCM chia sẻ, đến giữa tháng 2, doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiền vì vốn và lãi hàng trăm tỷ đồng đều nằm hết trong các khoản nợ khó đòi. Nhà thầu phụ này nói bị các nhà thầu chính chậm thanh toán từ quý III/2022 đến nay, đòi nợ liên tục nhưng về tay không, chưa được giải ngân đồng nào. Công ty phải dùng đến quỹ dự phòng nhưng khó có thể cầm cự đến giữa năm nay.

Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam nhận định, nếu tình cảnh này kéo dài, ngành xây dựng trong 5 năm tới sẽ hết các công ty có đủ năng lực, chất lượng. (Ảnh: Hoa Binh Corporation)

Trước đó, đầu tháng 2, một doanh nghiệp chuyên cung cấp vật tư và thiết kế cảnh quan và thiết bị công trình cho các dự án bất động sản tiết lộ, kế hoạch năm 2023 của công ty chỉ tập trung đòi nợ, nếu nợ chưa đòi được thì thu hồi hàng về để tránh rủi ro.

"Với diễn biến ảm đạm của thị trường bất động sản năm 2022 và dự báo 2023 rất khó khăn, cung ứng hàng hóa trong khi nợ chưa thu hồi được thì càng thêm bế tắc", VnExpress dẫn lời vị giám đốc công ty này.

Thông tin trên báo Người lao động, gần đây còn lan truyền công văn của một nhà thầu gửi cho một tập đoàn bất động sản lớn đề nghị thanh toán công nợ tồn đọng kéo dài bằng tiền mặt số tiền hơn 120 tỷ đồng để họ thanh toán cho nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật liệu thay vì trả bằng tài sản khác. Điều này phần nào cho thấy các nhà thầu đã lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn.

Kiến nghị cơ cấu nợ, gỡ vướng các dự án bất động sản

Ông Nguyễn Quốc Hiệp Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, các doanh nghiệp đang vướng nhiều công nợ, khối lượng công việc giảm sút.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, chưa có cơ chế pháp lý để bảo vệ nhà thầu trong những trường hợp không đòi được công nợ. Nếu phải kiện tụng ở toà án dân sự như hiện hành, các doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để đeo đuổi, bởi vụ việc có thể kéo dài vài năm liền.

"Nếu tình cảnh này kéo dài, ngành xây dựng trong 5 năm tới sẽ hết các công ty có đủ năng lực, chất lượng", ông nói.

Trước tình cảnh khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành, Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành liên quan để cầu cứu trước nguy cơ phá sản vì khó khăn, dòng tiền bị tắc – thông tin trên báo Người lao động.

Cụ thể, SACA kiến nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng, áp dụng đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản.

Bên cạnh đó, SACA kiến nghị Chính phủ nhanh chóng có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng xây dựng và bán hàng, đáp ứng các điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay, nhanh chóng đưa công trình vào khai thác... Điều quan trọng hơn là khôi phục hiệu quả toàn hệ sinh thái của ngành bất động sản bao gồm xây dựng, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng. 

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật