Khi nhắc đến tượng Trấn Vũ, mọi người chỉ nghĩ đến pho tượng ở đền Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) mà ít ai biết ở thôn Ngọc Trì, phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) cũng có một pho tượng Trấn Vũ. Pho tượng này nặng 4 tấn được thờ ngay tại ngôi đền cùng tên và được công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 12/2015.
Trường tồn với thời gian
Theo sự chỉ dẫn của ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban Quản lý di tích, PV ĐS&PL đã tìm đến đền Trấn Vũ. Tiếp chúng tôi là ông từ Lê Văn Cự (74 tuổi) - người phụ trách trông nom chính ở ngôi đền này.
Theo ông Cự kể, đền Trấn Vũ được dựng trên thế đất linh quy xà hội tụ, quay mặt về phương Bắc. Trên cánh đồng Ngọc Trì có gò đất hình con rùa nổi lên. Sau đền là đê sông Hồng, tượng trưng cho con cự xà (rắn lớn) quấn quanh. Trên bia Trấn Vũ điện bia ký lưu giữ trong đền ghi rõ, khi Lê Thánh Tông (1460 - 1496) đem quân đánh Chiêm Thành đã dừng chân, nghỉ lại ở địa phận xã Cự Linh (nay là phường Thạch Bàn - PV) được thần Trấn Vũ ứng mộng.
Sau khi thắng lợi trở về, vua liền sai dân lập đền thờ, cho tạc tượng gỗ cùng bài vị ghi Hiển Linh Trấn Vũ quán. Vua lại gia ân, ban cho dân sở tại một số ruộng đất để phục vụ hương hỏa cho đền. Bài vị cổ xưa đó hiện nay vẫn còn trong hậu cung, được thờ cùng với pho tượng thần.
Đến năm 1747, tượng gỗ bị hư hại, dân làng góp công sức, tiền của đúc tượng đồng. Tuy nhiên, nhiều người đến đây chiêm bái cảm thấy tượng chưa xứng với quy mô của đền. Do đó, đến năm 1788 dưới thời Tây Sơn, nhân dân đã đúc lại tượng Trấn Vũ một lần nữa. Năm 1802, tượng hoàn thành và tồn tại đến ngày nay.
Ông Cực cho hay: “Pho tượng an vị ở giữa hậu cung và được đúc liền khối bằng đồng thau tại chỗ (sử dụng đến 8 lò đúc), sau đó mới cho dựng đền. Tượng ở tư thế ngồi buông chân trên bệ hình chữ nhật, lưng thẳng, đầu để trần, mặc áo long bào đen có đai và hai bàn chân không giày, tay trái bắt ấn, co ngang rồi khép trước ngực, gươm Thất Tinh trong tay phải, mũi gươm chống trên lưng rùa. Quấn quanh lưỡi kiếm là một con rắn trong tư thế đang lao xuống đầu rùa. Tượng cao 3,96m, nặng 4 tấn”.
Trải qua những biến cố của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, pho tượng vẫn ở nguyên vị trí ban đầu. “Vào thời kỳ thực dân Pháp sang xâm lược, chúng có vào đền cậy các móng chân dát vàng của pho tượng. Mặc dù, chúng sử dụng đèn khò song không lấy được. Theo các cụ kể lại, những tên giặc đó khi ra đến ngoài đền thì lăn ra chết. Rồi có lần địch càn, cán bộ cách mạng còn chui vào trong đền, nằm dưới chân tượng thần Trấn Vũ. Địch vào sục sạo một hồi nhưng không phát hiện được gì, sau cũng không dám làm càn chốn uy nghiêm nên cán bộ thoát”, ông Cự kể.
Những năm chống Mỹ, đền trở thành nơi cất giấu vũ khí của bộ đội phòng không, nơi hoạt động của cán bộ. Khi quân Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, kho xăng Đức Giang, cánh đồng Ngọc Trì đều bị rải bom, thế nhưng cả ngôi đền và pho tượng đều không bị hư hại.
Ông Cự cũng cho hay: “Ngôi đền và pho tượng hầu như không bị hư hại gì dù có vài trăm năm tuổi. Từ khi xây dựng đến giờ, đền và pho tượng mới trải qua hai lần tu sửa. Năm 1916, ông Nguyễn Trinh Cán, một vị tiên chỉ người trong làng, từng giữ chức Tu Soạn, viện Hàn Lâm, nhận thấy tượng đồng bị rỉ, do lẫn nhiều tạp chất, đã thương thảo với các vị chức sắc trong làng thuê thợ dùng sơn ta pha thành màu đen sậm để sơn tượng.
Tượng Trấn Vũ ở Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Thanh Niên |
Năm 2014, sơn bị bong tróc nhiều nên đồng bị oxy hóa nặng, ảnh hưởng đến sự bền vững của pho tượng nên chúng tôi làm đơn xin được tu tạo màu sơn đen trước đó. Đến năm 2015, Nhà nước cho tu sửa lại tượng Huyền Thiên Trấn Vũ, dát lại hết 7 cây vàng vào những chỗ bong tróc”.
Khát vọng tâm linh của người Việt
Cũng theo lời kể của ông Cự: “Vào ngày pho tượng Trấn Vũ được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, giáo sư Trần Lâm Biền có mặt và phát biểu tại buổi lễ rằng, pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là pho tượng đẹp, mang nhiều yếu tố dân gian của người Việt. Nó sớm hơn pho tượng ở đền Quán Thánh cả 1 thế kỷ. Pho tượng này đứng đúng vị trí thần linh chống lũ, chống lụt, bởi vì đất Gia Lâm là đất thấp, trên đất này thờ toàn thần linh gắn với chống lũ, chống lụt.
Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ trong dáng dấp của một vị đạo sĩ, chống kiếm trên lưng rùa và có con rắn leo lên. Rùa và rắn được coi là thủy quái dâng nước để gây nên lụt lội và kiếm của thần linh là sấm chớp, đánh xuống nước để chống lũ, lụt. Công việc chống lũ, chống lụt được người dân gắn với vị thần này, muốn thông qua thần để cầu mong vùng đất này khỏi bị lũ lụt, cho nhân dân xây dựng cuộc sống hạnh phúc...
Điều đặc biệt ở đây là vị thần không diệt rắn và rùa, bởi các cụ xưa đã hiểu rất rõ rằng, việc chống lũ, chống lụt không chỉ là ngày một ngày hai, mà tìm giải pháp sống chung với lũ lụt. Vì vậy mà, Huyền Thiên Trấn Vũ đã sử dụng 2 con thủy quái này để nó không gây nên lụt lội, phá hoại sản xuất. Đó là một điểm rất đẹp trong văn hóa, tín ngưỡng và trong truyền thống của dân tộc ta”. Sau khi dẫn chúng tôi vào hậu cung và giới thiệu về pho tượng, ông Cự cho hay, bên tả, bên hữu của pho tượng còn có tượng 12 nguyên soái.
Theo tích cũ đó là các thiên tướng theo Huyền Thiên Trấn Vũ đi trừ yêu quái nhưng nay còn 10 pho tượng xếp thành 2 dãy, mỗi bên 5 pho tượng. Các pho tượng được tạo bằng đất. Mỗi pho có vẻ mặt khác nhau như mặt ngựa, mặt chim, nhìn chung có nét hung dữ, kỳ quái như một đầu có nhiều mặt. Thế nhưng, ở phía ngoài cùng có pho tượng bằng.
Lý giải về sự khác biệt này, ông Cự cho biết: “Trong đền có bốn pho tượng đá: Lôi, Vũ, Phong, Hỏa. Theo lời các cụ kể lại, bốn 4 pho tượng đá này trôi dọc theo bờ sông Hồng dạt về một ngôi miếu trên phường Long Biên sau đó được đưa về đây. Ngoài đền Trấn Vũ ở thôn Ngọc Trì, thần Trấn Vũ còn được người dân thờ phụng ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội như đền Quán Thánh (Ba Đình), chùa Huyền Thiên (Hoàn Kiếm), quán Thụy Lôi (Đông Anh).
Vào ngày Rằm và mùng Một, đền Trấn Vũ lúc nào cũng nghi ngút khói hương của người dân trong vùng đến lễ bái với khát vọng cầu cho mùa màng tốt tươi, buôn bán thuận buồm xuôi gió. Chia tay ông từ của ngôi đền Trấn Vũ linh thiêng, ông hẹn chúng tôi nhất định phải quay lại vào ngày hội đền Trấn Vũ để được tham dự một lễ hội đậm đà bản sắc của người dân Ngọc Trì.