Theo dự báo, bão số 6 đang di chuyển theo hướng tây, sau đó đổi hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Cơn bão có tên quốc tế Nakri đang di chuyển với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.
Hướng di chuyển của bão số 6. Ảnh: NCHMF |
Theo trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 4h ngày 10/11, bão số 6 (tên quốc tế là Nakri) cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Khánh Hòa khoảng 300 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13. So với hôm qua, cường độ gió đã giảm xuống 1 cấp.
Trong 24 giờ tới, bão Nakri di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 10-15 km/h, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Lúc này, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do vậy, bão có thể đổ bộ vào đất liền trong khoảng thời gian từ chiều tối đến đêm nay (10/11). Những giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới giữ nguyên vận tốc, di chuyển theo hướng tây tây bắc, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp ở phía bắc Campuchia.
Ảnh hưởng của bão kết hợp không khí lạnh, cho nên khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 8 đến 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 đến 11, giật cấp 14. Sóng biển cao 6 đến 8 m; biển động dữ dội. Khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7 đến 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9 đến 10, giật cấp 13, sóng biển cao từ 4 đến 6 m. Biển động rất mạnh.
Từ chiều tối nay (10/11), trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6 đến 7, vùng gần tâm bão cấp 8 đến 9, giật cấp 11. Các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đề phòng nước biển dâng kết hợp thủy triều cao 1,5 đến 2,5 m.
Trước đó, trong sáng 9/11, bộ Tư lệnh Quân khu 5 thành lập ba sở chỉ huy bổ trợ và hai đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó bão số 6 trên địa bàn hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân khu đã huy động hơn 24.300 cán bộ, chiến sĩ cùng 562 ca-nô, xuồng ứng phó bão số 6. Ngoài ra, các đơn vị cũng chuẩn bị 638 ô-tô các loại và 26 xe đặc chủng, xe chỉ huy, xe thông tin để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão, lũ.
Tại tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các ban, ngành tập trung liên lạc, thông báo, kiểm đếm, sắp xếp tàu thuyền. Tổ chức di chuyển, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản. Rà soát phương án sẵn sàng di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm ở trên biển, trên đảo và tại khu vực xung yếu về lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt…
Các tàu đánh bắt thủy sản, các tàu du lịch và các phương tiện đường thủy khác không được ra khơi kể từ 12h ngày 10/11; ngưng hoạt động cáp treo Vinpearl kể từ 18h cùng ngày. Các ngư dân, các hộ đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè trên biển bắt buộc phải vào bờ trước 15h ngày 10/11 cho đến khi hết bão.
Theo thống kê, tính đến chiều huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã di dời gần 40 nghìn lồng bè nuôi thủy sản đến nơi tránh trú bão số 6 an toàn. ngày phải vào bờ.
Thủy Tiên (T/h)