Tin vào những bài thuốc nam của thầy lang, nhiều người đã phải trả giá đắt khi bị biến chứng như hoại tử, bệnh tình nặng thêm, thậm chí mất mạng.
Ngày 27/9, bác sĩ Lý Thị Thơ, Trưởng khoa Nội Thận khớp (BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang) cho biết, BV vừa cắt bỏ ngón chân hoại tử cho bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc D. (58 tuổi, TP. Tuyên Quang) do dùng thuốc nam bị biến chứng.
Chăm sóc bệnh nhân bị biến chứng do điều trị bệnh bằng thuốc Nam. Ảnh minh họa |
Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2 có biến chứng thần kinh ngoại vi và viêm mô tế bào ngón chân nhưng chưa có loét. Tuy nhiên, thay vì điều trị tại BV, bệnh nhân nghe lời người quen đi bốc thuốc nam về đắp. Sau khi đắp được vài ngày, chân bệnh nhân sưng to, chảy dịch nên nhanh chóng đến BV thăm khám. Tại BV, các bác sĩ xác định, bệnh nhân đã biến chứng nặng và phải tháo bỏ ngón chân hoại tử.
Bác sĩ Thơ cho biết, thời gian gần đây, BV tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị biến chứng do đắp thuốc nam. Mới đây nhất, BV tiếp nhận bệnh nhân Đ.V.N. (31 tuổi, ở huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) bị suy thận giai đoạn cuối.
Trước đó, bệnh nhân N. được chẩn đoán suy thận độ 2. Bác sĩ tư vấn điều trị tại BV nhưng bệnh nhân từ chối mà tự bốc thuốc của một thầy lang gần nhà.
“Thầy thuốc bảo bài thuốc nam chữa được suy thận độ 8 chứ độ 2 đã là cái gì”, anh N. cho biết.
Sau 4 tháng dùng thuốc, bệnh nhân thấy người mệt mỏi nên đến BV thăm khám. Tại BV, bệnh nhân được chẩn đoán đã bị suy thận giai đoạn cuối (độ 4), phải chạy thận cấp cứu vì thận không lọc được chất độc trong máu.
Hay như trường hợp bệnh nhi là bé N.T.V (9 tuổi, ở Tiền Giang). Bé N.T.V bị rắn cắn vào chân phải. Có lẽ, bệnh tình của V. sẽ không quá nặng nếu như gia đình em không nghe theo lời thầy lang. Thay vì đưa đến cơ sở y tế, người nhà đưa thẳng bé đến thầy lang tại địa phương để chích hút nọc độc, rồi đắp thuốc. Bệnh tình không đỡ, sức khỏe bệnh nhân ngày càng xấu, vết thương sưng to, chảy máu, xuất huyết da nhiều vùng trên cơ thể…, bệnh nhi rơi vào tình trạng lơ mơ, da xanh tái. Đến lúc này, người nhà mới tá hỏa đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 nhưng bé không qua khỏi.
Theo bác sĩ Thơ, thuốc Đông y bao gồm nhiều vị khác nhau. Mỗi vị có thể có tác dụng điều trị, tác dụng không mong muốn và độc tính khác nhau. Việc phối hợp thuốc không đúng có thể làm giảm hiệu quả điều trị hoặc tăng tác dụng phụ và độc tính.
Lạm dụng sử dụng thuốc Nam trong việc điều trị bệnh tật sẽ mang lại nhiều hậu quả khôn lường. |
Các tài liệu y học cho thấy một số nguy cơ hay gặp khi tự ý sử dụng thuốc đông y là:
- Tử vong ngay: Nhầm vị thuốc với cây lá ngón, cà độc dược, nấm độc…
- Ngộ độc nặng, suy đa tạng: Bệnh nhân có thể suy gan, suy thận cấp, rối loạn đông máu, thường sẽ gây tử vong nếu không lọc máu kịp thời.
- Làm tiến triển nhanh tình trạng xơ gan, suy thận đến giai đoạn cuối.
- Dị ứng toàn thân, gây hen phế quản do co thắt cơ trơn phế quản.
- Chảy máu đường tiêu hóa, loét đường tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa kéo dài, rối loạn hấp thu gây suy kiệt.
- Ức chế, rối loạn tủy xương gây suy tủy xương.
- Phản ứng tại chỗ: Sưng nóng đỏ, nặng có thể nhiễm trùng, hoại tử vùng đắp thuốc, có thể phải nạo vét, phẫu thuật cắt bỏ vị trí đắp thuốc...
Thuốc đông y còn gây nhiều tác dụng phụ khác khi bị quá liều, ngộ độc. Vì vậy, khi người bệnh muốn sử dụng thuốc đông y, nên đến khám thầy thuốc chuyên khoa y học dân tộc được đào tạo bài bản, nguồn gốc thuốc rõ ràng, chất lượng thuốc đảm bảo về màu sắc, thành phần, theo các bài thuốc gia giảm phù hợp.
Khi cảm thấy cơ thể không thoải mái, sức khỏe có vấn đề, hãy đến những cơ sở y tế hiện đại hoặc chuyên khoa để được khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị chính xác, không nên nghe theo những người không có chuyên môn kẻo "tiền mất tật mang".
Minh Khôi (T/h)