Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước ta hiện nay có hơn ba trăm khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp nằm rải rác ở nhiều tỉnh thành, giải quyết việc làm cho hàng triệu người cũng như góp phần rất lớn vào tình hình kinh tế chung.
Mặc dù vậy, những hệ lụy mà những khu công nghiệp này gây ra về môi trường ô nhiễm, các chất thải rắn, kim loại, chất thải hóa chất và đặc biệt là nguồn nước cũng khá nghiêm trọng, cần có những biện pháp cụ thể để giải quyết.
Những thực trạng nan giải
Theo tìm hiểu, ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp ở nước ta hiện nay, chủ yếu là do sự ô nhiễm từ môi trường nước, không khí, từ chất thải rắn là chủ yếu. Ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ khu công nghiệp trong những năm gần đây là rất lớn, tốc độ gia tăng này cao hơn rất nhiều so với tổng nước thải từ các lĩnh vực khác. Cụ thể, theo nhiều người dân sinh sống tại khu vực kênh Tham Lương (Thành phố Hồ Chí Minh) thì nguồn nước ở đây từ khi xuất hiện khu công nghiệp Tân Bình đã trở lên ô nhiễm trầm trọng, không sử dụng được vào bất cứ mục đích nào. Đáng báo động hơn nữa, hiện nay kênh Tham Lương còn được liệt vào dòng kênh “chết” do không có thứ gì, kể cả cây cỏ có thể tồn tại được ở dòng kênh mà trước kia từng rất trong xanh này. Nguyên nhân của tình trạng này không quá khó để biết được chính là do khu công nghiệp Tân Bình với hàng loạt nhà máy, xí nghiệp cùng hàng ngàn công nhân sinh hoạt hàng ngày thải ra. Ngoài việc làm chết một dòng kênh, ô nhiễm nguồn nước ở đây còn ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân do nó bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng tới hệ thống nước ngầm, nước mặt, nhất là vào mùa mưa như hiện nay khiến người dân tỏ ra vô cùng búc xúc.
Lấy một ví dụ cụ thể, chỉ tính riêng tại khu vực Ðông Nam Bộ, lượng nước thải từ các khu công nghiệp đã chiếm đến 49\% lượng nước thải của các khu công nghiệp trong toàn quốc. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ các khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66\%, nhiều khu công nghiệp đã đi vào hoạt động mà hoàn toàn chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp. Trong khi đó, theo ước tính có khoảng 70\% trong tổng số hơn một triệu mét khối nước thải ngày, đêm phát sinh từ các khu công nghiệp được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý.
Ngoài ra, ô nhiễm môi trường về mặt không khí ở các khu công nghiệp lại thường chủ yếu tập trung tại các khu công nghiệp cũ, do các khu công nghiệp này đang sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Ô nhiễm không khí tại các khu công nghiệp chủ yếu là bụi, một số khu công nghiệp có biểu hiện ô nhiễm CO2, SO2 và tiếng ồn. Về tình trạng này, nhiều người dân sinh sống ở những khu công nghiệp thường phản ánh họ thường ngửi thấy những mùi đặc trưng của những sản phẩm ở khu công nghiệp phát tán ra ngoài. Như khu công nghiệp có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi thì ngửi thấy mùi cá sơ chế chẳng hạn. Tuy nhiên, rất nhiều loại khí khác có ảnh hưởng tới sức khỏe của con người mà thông thường lại không ngửi thấy bằng khứu giác đã được các chuyên gia môi trường cảnh báo đang diễn ra ở các khu công nghiệp hiện nay.
Bên cạnh đó, theo một số thống kê cho thấy, mỗi ngày các khu công nghiệp nước ta thải ra khoảng tám nghìn tấn chất thải rắn, tương đương khoảng ba triệu tấn một năm. Một con số khổng lồ nếu tính trên tổng số diện tích và con người sinh sống quanh các khu công nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là, lượng chất thải rắn đang tăng lên cùng với việc gia tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp. Nghĩa là, càng về sau, những khu đất trống dùng để xử lý, chôn lấp chất thải khan hiếm đi, trong khi số lượng lại tăng lên mới là điều khiến người ta lo ngại. Cụ thể, nếu như tính trung bình cả nước, năm 2005 – 2006, một ha diện tích đất cho thuê phát sinh chất thải rắn khoảng 134 tấn/năm, thì đến năm 2008 – 2009, con số này đã tăng lên 204 tấn/năm (tăng 50\%). Riêng những năm gần đây, con số này chắc chắn đã tăng lên gấp nhiều lần và đó chính là mối nguy hại lớn cho môi trường sống xung quanh.
Ngoài ra, có một sự lo ngại là khác nữa là trong khi các ngành nghề sản xuất ở các khu công nghiệp đang có những sự dịch chuyển nhất định để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống thì số lượng chất thải mà các khu công nghiệp này thải ra cũng thay đổi theo. Rất nhiều chất thải là hóa chất, chất độc hại đã được tạo ra khi ngành nghề sản xuất thay đổi trong khi quy trình xử lý chất thải vẫn giữ nguyên như cũ. Điều này đồng nghĩa với việc những hóa chất mới này hầu như không được xử lý hoặc sau khi xử lý, chúng vẫn giữ nguyên yếu tố độc hại và việc thải ra môi trường là vô cùng nguy hiểm. Có lẽ, đây chính là nguyên nhân mà khu công nghiệp nào khi kiểm tra cũng có những dây truyền xử lý chất thải nhưng tại các khu vực xung quanh khu công nghiệp, bằng mắt thường cũng có thể thấy tình trạng ô nhiễm đã tăng đột biến, làm biến đổi hoàn toàn môi trường ở khu vực đó. Thiết nghĩ, tình trạng những khu xử lý chất thải bị “chết” hay không theo kịp cơ cấu hàng sản xuất cần phải được chấm dứt ngay.
Từ những phản ánh trên, không khó để thấy được những hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng mà người dân sinh sống ở khu vực có khu công nghiệp phải gánh chịu. Đó chính là nguy cơ về việc gia tăng những loại bệnh mãn tính khi sinh sống gần các khu công nghiệp cũng được nhiều người dân phản ánh. Những loại bệnh tật này, thật nguy hiểm là nó lại không diễn ra trong thời khắc mà tích tụ theo ngày tháng, làm người dân cảm thấy vô cùng bất an. Hơn nữa, nhiều khu công nghiệp lớn lại không nằm biệt lập mà nằm giữa…khu dân cư khiến dịch bệnh càng có nguy cơ bùng phát, tác động nghiêm trọng hơn, lên trên một số lượng rất lớn cá thể con người.
Các giải pháp cấp bách
Ðể từng bước khắc phục tình trạng nói trên, theo chúng tôi thời gian tới các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về công tác bảo vệ môi trường, xử lý các nguồn chất thải tại các khu công nghiệp cũng như cụm khu công nghiệp. Hơn nữa, việc xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, cũng như kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc cấp hoạt động theo quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động đánh giá môi trường chiến lược, tác động môi trường đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển, nhất là ở khâu thẩm định, kiểm tra sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm bảo đảm các dự án trước khi đi vào hoạt động được xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, đồng thời chỉ cho phép xây dựng các nhà máy, dự án trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp sau khi đã hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình bảo vệ môi trường là những việc làm hết sức cần thiết.
Ngoài ra, việc quy hoạch, dịch chuyển các khu công nghiệp, vùng công nghiệp tới những khu đất biệt lập, nằm xa khu dân cư, vùng ngoại thành xa xôi chính là yếu tố cần thiết để bảo vệ và có biện pháp cách ly, xử lý an toàn môi trường khi cần thiết. Biện pháp này còn khiến cho môi trường quanh khu công nghiệp, môi trường sống của người dân trong tương lai được an toàn, bền vững hơn. Ngoài ra, việc thay đổi liên tục những quy trình xử lý chất thải môi trường ở những khu công nghiệp cũng là việc làm hết sức cần thiết. Tất cả phải ưu tiên những dây truyền sản xuất thân thiện, xanh sạch với môi trường sống để đảm bảo rằng môi trường tại các khu công nghiệp không làm ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống xung quanh của các khu dân cư khác.
Chúng tôi tiếp nhận tất cả các thông tin phản ánh về vấn đề môi trường của bạn đọc 24/24h
Liên Hệ: Viện nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội\_phân viện phía nam
Địa chỉ: 58 Nguyễn Phi Khanh,Phường Tân Định,Quận 1
Hotline: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519
Email: viennghiencuumoitruongvaxahoi@gmail.com
Đoàn Đại Trí