Trong phiên giải trình sáng nay tại Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về việc đổi mới các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận, người đứng đầu ngành Giáo dục đã trả lời thắc mắc của nhiều đại biểu liên quan tới vấn đề này.
Nhất trí với phương án về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia của Bộ, tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn lo lắng và đặt nhiều câu hỏi về cụm thi, tính khách quan, xét tốt nghiệp… trong kỳ thi này.
Trả lời những thắc mắc của các đại biểu về hai loại hình cụm thi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, phương án của Bộ GDĐT là hướng đến tổ chức theo cụm thi, nhưng với các học sinh chỉ có mục tiêu tốt nghiệp thì Bộ tạo điều kiện tổ chức cụm thi ở tỉnh để học sinh đỡ đi lại, tốn kém.
Việc thi theo cụm sẽ tổ chức liên tỉnh. Kỳ thi đại học “3 chung” trong những năm qua, bộ đã tổ chức 4 cụm thi ở Tây Nguyên, Cần Thơ, Vinh, TP. Hải Phòng.
Trước đây tổ chức 2 kỳ thi thì sau khi thi xong tốt nghiệp, học sinh phải đến thi ở các cụm thi. Nhưng lần này, với việc đổi mới thí sinh chỉ đến cụm thi một lần. Với những học sinh ở vùng miền núi, do địa bàn đi lại khó khăn thì sẽ được thi ở cụm thi địa phương.
Bộ GDĐT sẽ căn cứ vào năng lực của các trường đại học để xác định trường đại học nào được chủ trì cụm thi. |
“Mặt bằng chất lượng giữa các cụm thi với giả thiết chỗ này nghiêm chỗ kia chưa nghiêm là không công bằng vì nếu không đặt giả thiết chúng tôi vẫn phải lo việc đảm bảo nghiêm túc mặt bằng chung của kỳ thi. Ví dụ như vụ thi tốt nghiệp THPT ở Đồi Ngô (Bắc Giang) trước đây, cùng một cơ chế nhưng vẫn phải làm nghiêm túc. Giải quyết bằng nhiều giải pháp chứ không phải một cơ chế đồng nhất.
Về tiêu chí trường tổ chức cụm thi, Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ vào năng lực của các trường đại học (cơ sở vật chất, đội ngũ, kinh nghiệm tổ chức thi) để xác định trường đại học nào được chủ trì cụm thi” – Bộ trưởng khẳng định.
Bàn đến vấn đề môn Ngoại ngữ là một trong những môn bắt buộc trong kỳ thi quốc gia, Bộ trưởng lý giải, nếu để môn này là môn tự chọn thì sợ học sinh lơ là. Do vậy, Bộ phải để môn này là môn thi bắt buộc nhưng vẫn trên cơ sở tạo điều kiện cho thí sinh.
Với những học sinh có chứng chỉ quốc tế hay đoạt giải Olympic môn Ngoại ngữ bộ sẽ tính toán để thí sinh không phải thi. Bộ sẽ làm nghiêm và sẽ không có chuyện buông lỏng trong vấn đề này. Trong thời gian tới Bộ GDĐT sẽ công bố cụ thể, rõ ràng nội dung này.
Vẫn cần tính toán kĩ hơn về việc phân loại cụm thi
Phát biểu kết luận phiên giải trình, Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nhận định: "Kỳ thi quốc gia 2015, thực chất là kỳ thi tốt nghiệp THPT và nhiệm vụ đặt ra là phải làm tốt để các trường đại học có thể sử dụng kết quả ấy.
Với ý kiến cho rằng các trường đại học buộc phải sử dụng kết quả kỳ thi này là không đúng, vì các trường tuyển sinh để đáp ứng phù hợp yêu cầu ngành nghề đào tạo. Luật Giáo dục Đại học cũng giao quyền tự chủ cho các cơ sở đại học.
“Chúng ta có hai loại cụm thi. Một loại cụm thi do ĐH chủ trì. Chúng ta đang băn khoăn về việc coi thi chấm thi liệu có nghiêm túc thì đây là biện pháp mạnh hơn việc trước đây Bộ GDĐT cử các thanh tra của các trường ĐH, CĐ về các địa phương.
Tuy nhiên, cụm địa phương chủ trì chưa thật rõ ràng. Lúc đầu chúng ta nói các em nào không có nguyện vọng vào ĐH,CĐ thì có thể thi ở đây. Nhưng sau đó lại nói một số trường ĐH có phương án riêng vẫn có thể tuyển số các em này. Như vậy là các em thi ở địa phương vẫn có thể vào ĐH bằng cách tránh con đường phải thi ở cụm”, GS Đào Trọng Thi phân tích.
Vì vậy, theo GS Thi, Bộ GDĐT cần phải suy nghĩ kỹ hơn về loại cụm thi địa phương. Bởi sẽ xuất hiện một số bất cập như tính nghiêm túc không đồng đều giữa các cụm thi địa phương và cụm ĐH.
“Nếu chúng không khác nhau thì chẳng cần tổ chức cụm thi trường ĐH nữa, thi tất cả ở cụm địa phương nếu địa phương làm được. Chúng ta làm cụm thi ĐH chính là muốn sử dụng sự nghiêm túc của phương án tổ chức thi theo kiểu thi ĐH”, GS Thi cho biết.
Ngoài ra, theo ông Thi, việc chia 2 loại hình cụm thi còn không tạo mặt bằng chung về kết quả thi dẫn tới sự không công bằng giữa các thí sinh.
“Những em thi ở cụm ĐH chắc chắn sẽ thấp hơn những em thi ở cụm địa phương, nhưng cùng lấy kết quả để xét tốt nghiệp. Đấy là chưa kể còn có thể xét vào các trường ĐH có phương án tuyển sinh riêng. Đây là điểm yếu mà Bộ GDĐT cần nghiên cứu biện pháp khắc phục, càng hạn chế được nhiều càng tốt”, ông thi nhấn mạnh.